Năm 17 tuổi, lần đầu tiên đứng trước nhóm khách tham quan chưa đến 10 người tại di tích số 113A Đặng Dung (quận 1) để giới thiệu về các căn hầm cùng hòm thư bí mật do chính ông nội mình tạo ra khi hoạt động trong lòng địch, Nghĩa thuyết minh như trả bài. Đến đoạn khách hỏi sâu thì lắp bắp, bối rối không biết trả lời sao cho đúng. Sau đó, vì lo lắng quá, cậu trò quyết định học thuộc lòng hai trang giấy viết chi chít các nội dung về di tích. Cứ tưởng học thuộc là xong, đâu ngờ kết quả chẳng như mong đợi.
Một người bạn thân của ba gọi Nghĩa dặn dò: "Con đừng thuyết minh máy móc như kiểu nói cho xong. Đây là di tích do gia đình kỳ công phục dựng và con đang kể cho mọi người nghe về cuộc đời, sự nghiệp của ông nội con cùng các đồng đội. Vậy nên, phải đặt cả trái tim vào đó, làm mọi thứ với tất cả yêu thương".
Từ sau lần đó, Nghĩa tự dặn lòng phải học hỏi, tập luyện thật nghiêm túc để giữ gìn, lan tỏa các giá trị lịch sử tại từng di tích theo cách kỹ càng, chỉn chu nhất có thể. Nghĩa học ba cách kể chuyện sao cho gần gũi, cuốn hút và chắt lọc những chi tiết cần thiết, tạo điểm nhấn cho phần thuyết minh.
Nghĩa kể chuyện ngày càng hay, nội dung truyền tải mỗi lúc một phong phú. Các đoàn khách ghé thăm thường say sưa nghe thuyết minh viên "gia đình" dẫn dắt.
Điểm đặc biệt nữa khiến khách tham quan thích thú là ở tất cả các di tích do gia đình Nghĩa phục dựng, nhiều kỷ vật giá trị cao vẫn không bị giăng dây, niêm phong hay nằm trong tủ kính. Khách được phép chạm vào hiện vật khi lắng nghe phần thuyết minh để hiểu rõ hơn các thông tin đi kèm.
Khi mới đưa các điểm di tích vào hoạt động, gia đình Nghĩa muốn phát triển theo hướng trưng bày bảo tàng có thuyết minh. Thế nhưng, sau một thời gian tìm hiểu, Nghĩa đề xuất với ba thay đổi mô hình hoạt động để tiếp cận thêm nhiều bạn trẻ.
"Nếu chỉ là bảo tàng trưng bày các tài liệu, hình ảnh, thông tin hay kỷ vật về các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn thì rất dễ trở nên khô khan, thậm chí nhàm chán vì dễ lặp lại nội dung. Lúc đó tôi nghĩ tại sao không phát triển một không gian kết hợp giữa giới thiệu di tích với ẩm thực Sài Gòn. Khách tới đây tham quan, nghe kể chuyện Biệt động Sài Gòn, thưởng thức thêm dĩa cơm tấm hoặc ly nước đậm chất Sài Gòn xưa chắc hẳn sẽ thấy thú vị hơn. Vậy là hệ thống Cà-phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn trên nền di tích thành hình và hoạt động hiệu quả đến bây giờ", Nghĩa phấn khởi khoe.
Trong số gần 10 điểm di tích liên quan đến Biệt động Sài Gòn mà gia đình Nghĩa đã hoàn tất công đoạn phục dựng, có ba điểm thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đó là Di tích lịch sử Hộp thư bí mật và Hầm nổi của lực lượng Biệt động Sài Gòn (113A Đặng Dung, quận 1), Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc lập Tết Mậu Thân năm 1968 (287/70-72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) và Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (145 Trần Quang Khải, quận 1).
Nếu như anh Trần Vũ Bình muốn sưu tầm những kỷ vật, câu chuyện, hình ảnh về cuộc đời hoạt động đầy ý nghĩa của ba mình và lực lượng Biệt động Sài Gòn năm xưa thì đến thế hệ thứ hai của gia đình, Nghĩa ước mơ làm được nhiều hơn thế.
Từ các di tích ba kỳ công phục dựng, bổ sung thêm nhiều kỷ vật, Nghĩa mày mò lên ý tưởng mô hình hoạt động sao cho mỗi điểm đến mang một câu chuyện, dấu ấn riêng. Phục dựng các điểm di tích chỉ mới là bước đầu, Nghĩa đặt ra mục tiêu phải nhấn mạnh bốn chữ "Biệt động Sài Gòn" cùng những hy sinh thầm lặng của họ cho cuộc sống thanh bình ngày nay. Và đối tượng Nghĩa muốn hướng đến là thế hệ tương lai.
Bảo tàng thông minh về Biệt động Sài Gòn là ý tưởng Nghĩa triển khai cho di tích tại số 145 Trần Quang Khải. Bảo tàng nằm ở tầng 2 của một căn nhà xây dựng năm 1963, trước kia là xưởng gia công nệm và sofa của Nghiệp đoàn Trang trí nội thất Mai Hồng Quế.
Ngôi nhà ban đầu là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn, dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai. Việc phục dựng và bố trí hiện vật tại di tích này tốn khá nhiều chi phí, thế nhưng, sau mấy tháng hoạt động, lượng khách tìm đến không nhiều. Nghĩa tìm hiểu và nhận ra vấn đề nên lập tức thay đổi phương án.
So với hai điểm đến nổi tiếng kia, bảo tàng tại 145 Trần Quang Khải không có chứng tích nổi bật như hầm nổi, hầm vũ khí hay hộp thư bí mật gây tò mò cho khách tham quan.
Nghĩa tạo ngay một bảo tàng thông minh để bù đắp vào điểm chưa cuốn hút tại di tích này. Chiếu phim về Biệt động Sài Gòn trên màn hình thông minh, hệ thống bàn thông minh giúp du khách có thể tự tìm hiểu các thông tin tại bảo tàng mà không cần thuyết minh viên, kính thực tế ảo trải nghiệm câu chuyện về các tình báo ngày xưa… là các hoạt động khiến khá nhiều khách tham quan thích thú.
"Trong thời gian tới, tôi sẽ ứng dụng thêm công nghệ hiện đại như phim hoạt hình trên kính thực tế ảo tổng hợp quá trình hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Với những du khách muốn tìm hiểu sâu hơn, tôi sẽ mời họ tham gia trò chơi nhập vai chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trên nền tảng công nghệ. Ngoài ra, tôi cũng đang tìm tòi để tạo không gian đa chiều, phục dựng hình ảnh của các nhân chứng lịch sử. Chỉ cần đeo kính thực tế ảo vào, khách tham quan sẽ thấy nhân chứng ngồi trước mặt mình, kể chuyện về Biệt động Sài Gòn ngày ấy. Đó là cách tôi giữ mãi hình ảnh của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tại di tích này ngay cả khi họ không còn cơ thể vật lý", Nghĩa cho biết thêm.
Không chỉ tạo điểm đến, gia đình Nghĩa còn tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, nơi các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn kể cho thế hệ sau nghe biết bao câu chuyện đẹp thời chinh chiến.
Tại đây, những đồng đội năm xưa và con cháu họ có nhiều dịp hội ngộ, cùng ôn lại chuyện cũ, cùng dặn dò thế hệ sau sống thật ý nghĩa giữa ngày tháng thanh bình.
Mỗi khi có dịp, Nghĩa luôn thu xếp công việc ngồi nghe đồng đội của ông nội nhắc lại các chiến tích cùng những khó khăn thời chiến. Những lúc như thế, Nghĩa biết, mọi nỗ lực của bản thân cho các điểm đến đặc biệt đang đi đứng hướng và cần tiếp tục phát huy.
Nguyễn Trần