"Khỏe không hai đứa? Điều trị hậu COVID-19 tới đâu rồi?". Nghe bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, Phó ban công tác Mặt trận Khu phố 7, Phường 11, quận Bình Thạnh hỏi thăm, anh Phạm Minh Tâm ngưng việc, rửa tay ra tiếp khách. Anh Tâm cười giòn sau lớp khẩu trang, giọng rổn rảng: "Qua được dịch là mừng hết lớn cô Bảy ơi! Giờ lo làm ăn nuôi tụi nhỏ học hành đàng hoàng là được. Thi thoảng con cũng thấy mệt và ho nhưng uống thuốc vào là đỡ. Nghĩ lại giai đoạn đó không biết sao bà con mình qua được hết, may mắn quá".
Khu vực gia đình anh Tâm sinh sống mấy chục năm nay được gọi là "Sở Thùng". Cư dân Sở Thùng chủ yếu làm nghề thu gom, phân loại rác. Hơn 10 năm nay, vợ chồng anh Tâm, chị Hồng thuê đất, mở vựa thu mua ve chai, phế liệu gần nhà. Vợ chồng chịu khó làm ăn nên cuộc sống khá yên bình cho đến ngày… dịch bệnh bủa vây. Năm ngoái, Sở Thùng là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất tại Phường 11 với thời gian phong tỏa kéo dài hơn hai tháng. Cả khu gần 220 hộ dân, chủ yếu là lao động nghèo, làm ngày nào ăn ngày đó nên khi nghe đóng chốt, không được ra ngoài, ai cũng lo. Tìm mọi cách an dân, khi đó, bao nhiêu nguồn hỗ trợ được Phường 11 tập trung cho các khu vực khó khăn như Sở Thùng.
Giai đoạn phong tỏa Sở Thùng vì số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng nhanh, anh Tâm cùng vợ con đóng vựa ve chai quanh quẩn trong nhà, ngày ngày theo dõi thông tin trên các nhóm trò chuyện chung của khu phố. Mỗi lần nghe còi xe cấp cứu vang lên, hai vợ chồng chỉ dám hé cửa nhìn ra ngoài xem thử ai vừa đi cách ly và cầu cho họ sớm quay về. Rồi cả nhà anh Tâm thành F0, anh cùng con trai lớn trở nặng phải đi cách ly, điều trị mấy tuần liền. "Ngày được mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh để về nhà, tôi hạnh phúc lắm. Hạnh phúc vì mình đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, hạnh phúc vì được trở về bên vợ con, hạnh phúc vì còn sống. Ngày Sở Thùng gỡ phong tỏa, ngày TPHCM hết giãn cách, anh em trong khu người cầm cờ, người xoong chảo hát vang, ai cũng vui vì được đi làm trở lại sau mấy tháng trời gò bó chân tay. Một năm trôi qua, Sở Thùng đang dần ổn định", anh Tâm chia sẻ.
Cùng với chính quyền địa phương và các đoàn thể, tình nguyện viên, "cô Bảy" Kim Hoàng là người sát cánh với bà con khu Sở Thùng từ ngày đầu phong tỏa đến khi tháo rào. Thấy dân khổ, chẳng thể đi đâu, ban đầu, bà Hoàng bỏ tiền túi mua thịt cá về kho rồi chia từng hộp nhỏ, chở đến tận chốt chia cho các hộ. Bạn bè, người thân thấy vậy góp tiền, chung sức, số suất ăn, phần nước, rau củ, thịt cá, nhu yếu phẩm gửi đến Sở Thùng ngày càng tăng. Ai cũng hỏi lớn tuổi rồi cả mùa dịch ngoài đường không sợ nhiễm bệnh hay sao, bà Hoàng cười tươi, đáp lời: "Ai cũng sợ thì lấy đâu ra người đồng hành cùng bà con tại các khu phong tỏa. Mà có riêng gì tôi, thời điểm đó ai cũng sẵn sàng xông pha, miễn sao bà con đừng đói, đừng lo lắng, chấp hành quy định để cùng nhau chống dịch. Có đi qua những ngày gian khổ cùng nhau mới thấy quý nhất là tình người, là sự sẻ chia. Mình còn sức thì cứ chung tay mang đến cho bà con đúng cái họ cần".
Ngồi trước hiên nhà nhìn ra khu chợ phía trước đang tấp nập người, bà Lê Thị Kim Hoa, Tổ trưởng tổ 38, Khu phố 3, Phường 4, Quận 3 chia sẻ: "Giờ chợ đông đúc, bà con buôn bán tốt rồi ha. Nhớ hè năm ngoái, đường không bóng người, 10h đêm đi gọi dân hẹn lịch tiêm vaccine mà vừa buồn, vừa lo. Khu mình đợt đó căng thẳng quá, ngày nào cũng ca bệnh mới, vậy mà nương nhau qua được".
Cũng như nhiều địa phương khác, an dân luôn là mục tiêu hàng đầu tại TPHCM. Các phần quà an sinh được phân bổ kịp thời để người dân an tâm chung tay chống dịch - Ảnh: VGP/Khởi Minh
Trong ký ức của hơn 4.000 người dân sống tại Khu phố 3, Phường 4, Quận 3 như bà Hoa, mấy tháng liền phong tỏa rồi giãn cách gây ra biết bao xáo trộn nhưng cũng đem về những điều đáng quý. Trong gian khổ, ngặt nghèo mới thấy tình người ấm áp biết bao. Gần 75 tuổi, thấy bà Hoa cứ đi lại nhắc nhở nhà này, dặn dò nhà kia, gia đình cũng lo nhưng bà luôn tìm cách trấn an và phòng dịch kỹ càng nhất có thể.
Bà Hoa kể: "Phong tỏa ai cũng lo nhưng khi thấy tình nguyện viên hỗ trợ nhiệt tình, chính quyền và đoàn thể chăm lo cho dân từ điều nhỏ nhất, tôi luôn tin rồi dịch bệnh sẽ qua đi. Thấy tin tức, thông báo phường đưa xuống mà dân không nắm kỹ, tôi tình nguyện đi làm chứ ở nhà không yên tâm. Rồi gọi bà con đi tiêm vaccine, động viên người này người kia, làm được thì làm. Ngày Thành phố hết giãn cách, gặp lại hàng xóm, bạn bè, người thân, thấy nhau khỏe là mừng. Còn gì hạnh phúc hơn".
Ngồi trong phòng làm việc với tấm bản đồ Khu phố 3 trên tay, ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND Phường 4, Quận 3 nhắc lại chuyện hơn một năm trước. Cuối tháng 6/2021, ca bệnh đầu tiên của phường xuất hiện tại chợ Vườn Chuối. Công tác truy vết, khoanh vùng được thực hiện khẩn trương. Đầu tháng 7, cả khu phố 3 bị phong tỏa với gần 40 F0. Chưa đầy một tháng sau, số ca nhiễm tăng lên 10 lần, khó khăn chất chồng khi cán bộ, nhân viên của phường không thể kham nổi số lượng công việc tăng đột biến.
"May mắn lúc đó chúng tôi nhận được lực lượng hỗ trợ từ các nơi và nguồn hàng giúp dân cũng mỗi lúc một nhiều. Hằng ngày, bên cạnh công tác chống dịch, chúng tôi phân bổ lực lượng mang nhu yếu phẩm đến tận cửa nhà dân để bà con an tâm chung tay chống dịch. Tình nguyện viên cả 100 người vẫn không kịp phân chia rau củ quả. Khi xảy ra dịch mới thấy rõ sự đồng lòng của mọi người. Nếu không đoàn kết, chúng ta khó lòng vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn đó. Đến đầu tháng 9, khi sự hỗ trợ của các nơi giảm dần, phường vẫn nỗ lực quyên góp làm thêm gần 3.000 túi an sinh tặng những hộ khó khăn. Công tác thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình có người mất vì COVID-19 vẫn được duy trì đến tận bây giờ", ông Đức cho hay.
Nhớ năm ngoái, khi dịch bùng phát trở lại, khu phố 1 nơi vợ chồng ông Lê Tấn Thuận ở đang bình yên bỗng chốc trở thành điểm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất Phường 15, quận Bình Thạnh khi số ca nhiễm tăng mạnh, thời gian phong tỏa kéo dài. Thương nhất là những người ở trọ không kịp về quê, bức bí trong không gian chật hẹp. Nhà ông Thuận có ba căn phòng cho sinh viên thuê trọ. Đợt dịch, cả khu phong tỏa, không ai được đi đâu, vợ chồng ông miễn luôn tiền phòng, lo cơm nước cho người thuê như con cháu trong nhà.
Là tổ trưởng, ngày ngày ông mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang gọi người dân đi làm xét nghiệm hoặc phụ chính quyền, đoàn thể phân chia nhu yếu phẩm, rau củ tận nhà dân. "Dịch ai không sợ nhưng nếu mình phòng hộ kỹ càng thì sẽ giúp được nhiều người khác. Mình là tổ trưởng hằng ngày gần dân, lúc dịch bệnh khó khăn càng phải theo sát giúp đỡ bà con. Lúc đưa quà, mấy món đơn giản thôi mà nhiều người khóc, tôi thương lắm. Địa phương rồi các nhà hảo tâm chăm lo từ cái nhỏ nhất, bà con nhờ vậy an tâm ở nhà suốt thời gian dài. Tôi nhớ 1/10 năm ngoái, ngày đầu được ra đường, chạy xe ai cũng đeo khẩu trang nhưng nhìn ánh mắt mọi người tôi biết họ cũng vui như mình. Vui vì thấy rõ sự hồi sinh", ông Thuận phấn khởi nói.
Thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng nhất, có khi 50% cán bộ, nhân viên thuộc UBND Phường 15, quận Bình Thạnh phải cách ly vì nhiễm bệnh trong quá trình công tác, hỗ trợ người dân. Những người còn lại gánh công việc cả ngày lẫn đêm. Lấy "cơ quan làm nhà", hoạt động hết công suất, vận động mọi nguồn hỗ trợ, lúc bấy giờ, mục tiêu đặt ra là an dân, giảm ca nhiễm cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Phường 15 nhớ lại: "Nhiều lúc anh em kiệt sức nhưng vẫn động viên nhau tìm mọi cách chăm lo, quan tâm đến người dân. Xuống các khu phong tỏa mới thấy mọi người thương yêu nhau lắm. Mạnh thường quân bên ngoài và mạnh thường quân cả trong khu phong tỏa, ai có gì thì chia sẻ, ai giúp được gì không nề hà. Ngày Thành phố hết giãn cách, chúng tôi tập trung tuyên truyền phòng dịch và đẩy mạnh tiêm vaccine và dặn người dân không lơ là. Giờ xuống địa bàn, cán bộ, nhân viên ủy ban với người dân khăng khít lắm".
Ngày 30/9/2021, đúng 9h sáng, tại Trung tâm Báo chí TPHCM, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình đã công bố Chỉ thị của UBND TPHCM "Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn Thành phố".
Theo đó, sau ngày 30/9, TPHCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại thành phố. Việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ thực hiện trên nguyên tắc triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".
Khởi Minh