22 dự án vào chung kết cuộc thi khởi nghiệp – Nông nghiệp phát triển bền vững 2021
(Chinhphu.vn) - Chiều 25/11, Ban tổ chức cuộc thi Dự án khởi nghiệp – Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 năm 2021 đã chọn 13 dự án xuất sắc nhất của bảng B vào thi chung kết. Như vậy, cùng với 9 dự án bảng A thì số dự án vào chung kết năm 2021 là 22 dự án.
Trong số 22 dự án đi tiếp, TPHCM có 5 dự án: Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam của Phan Minh Tiến, Công ty TNHH XNK Thiên nhiên Việt của Nguyễn Ngọc Hương, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare của Nguyễn Thanh Hiền, Lê Thị Phương Thảo với dự án Thịt thay thế - meat substitute và Trần Thị Xuân Quỳnh với dự án lan tỏa giá trị chăm sóc sức khỏe tự nhiên từ cây quế rừng.
Thí sinh trình bày dự án khởi nghiệp của mình trước Ban giám khảo. Ảnh: VGP/Lê Anh
Nhiều dự án lọt vào vòng chung kết đã chia sẻ những câu chuyện vượt khó trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 và các hoạt động trong năm 2021. Không ít doanh nghiệp từng bế tắc tưởng chừng không lối thoát, nhưng họ đã nỗ lực, tìm cách duy trì dự án, chờ đợi cơ hội để vươn lên.
Nhiều doanh nghiệp tìm cách tái định hình các hoạt động, chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách truyền thông, nâng cấp sản phẩm thông qua các tiêu chuẩn để tăng tính cạnh tranh, cắt giảm chi phí… để thích ứng.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Giám đốc Công ty CP Vinamit, thành viên ban giám khảo cuộc thi đánh giá các chủ dự án rất bản lĩnh, thích nghi và kịp thời ứng biến trước khó khăn của đại dịch. Việc họ phải thay đổi cả phương thức kinh doanh để thích ứng với hoàn cảnh, đồng thời chờ cơ hội phục hồi trở lại.
Trong khi đó, giám khảo Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cuộc thi năm nay cũng thay đổi luôn cả hình thức trình bày bài thi. Những năm trước, khi tổ chức trực tiếp, các dự án còn trưng bày, triển lãm sản phẩm, được gặp gỡ, giao lưu với nhau thì năm nay, hình thức thi được chuyển thành online, chỉ số ít tham gia trực tiếp. Điều này dẫn đến một số bất cập đối với các bạn chưa quen về kỹ thuật, nhưng đây lại là cơ hội để các chủ dự án làm quen với nhiều giải pháp, thực hiện nhiều hình thức trình bày bài thi bằng Powerpoint, video clip…
Bên cạnh đó, các dự án khởi nghiệp năm nay, nguyên vật liệu, quy trình sản xuất và đặc biệt là hiểu biết về hành vi của người tiêu dùng được các chủ dự án nắm bắt sâu hơn và thực hành tốt hơn so với năm trước. Một số dự án đã thương mại hóa trên thị trường, mang lại doanh thu hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi tháng
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Hội Doanh nghiệp HVNCLC cùng Công ty Cổ phần Vinamit đồng tổ chức nhằm cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên Việt Nam trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển tài nguyên bản địa, hình thành các sản phẩm đặc trưng, tham gia hiệu quả chương trình “mỗi xã một sản phẩm”. Bắt đầu từ 2015, đến nay, cuộc thi bước vào năm thứ 7 với chủ đề “phát triển nông nghiệp bền vững”
Kể từ khi phát động vào đầu tháng 5/2021 đến hết ngày 30/9/2021, Ban tổ chức đã nhận được hơn 130 dự án gửi bài dự thi. Qua các vòng thi, Ban tổ chức đã chọn ra được 22 dự án vào vòng chung kết.
Lê Anh