7 giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá

12/03/2024 1:41 PM

(Chinhphu.vn) - Tại tọa đàm “ Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá” do Báo Người lao động tổ chức ngày 12/3, nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch cho rằng, cần quy hoạch lại sản phẩm du lịch của các địa phương để hỗ trợ chứ không cạnh tranh nhau. Đồng thời kết nối chặt chẽ các sản phẩm của các địa phương để tạo ra các tour du lịch hấp dẫn du khách.

7 giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá- Ảnh 1.

Tọa đàm “ Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá” - Ảnh: VGP/Anh Lê

Địa phương cần có sản phẩm phù hợp để thu hút khách

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, thời gian qua, khách du lịch tăng khá nhanh nhưng so với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế thì còn thấp. Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế; năm nay đặt mục tiêu 17-18 triệu du khách, Hiệp hội đưa mục tiêu 20 triệu du khách cho doanh nghiệp (DN) phấn đấu.

Tuy nhiên, ông Bình nhìn nhận có một thực tế là số du khách tăng nhưng khách đi tour không tăng nhiều.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, muốn thu hút khách phải có sản phẩm phù hợp. Nhiều tỉnh thành tổ chức lễ hội, nhầm lẫn giữa thu hút khách nội địa với khách quốc tế. Bởi, khách du lịch quốc tế không đủ thời gian và sự quan tâm để tham gia những lễ hội mà chúng ta tổ chức ở khắp nơi. Vì vậy, rất cần có chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia, các tỉnh thành dành kinh phí thực hiện xúc tiến theo đúng chiến lược đó thu hút được khách vào.

Đồng tình quan điểm trên, nhiều DN du lịch cho rằng, cần quy hoạch lại sản phẩm du lịch của các địa phương để hỗ trợ chứ không cạnh tranh nhau. Đồng thời kết nối chặt chẽ các sản phẩm của các địa phương để tạo ra các tour du lịch hấp dẫn du khách.

Cũng theo phản ánh của các DN, hiện nay, chi phí vé máy bay nội địa đang cao, gây trở ngại trong liên kết phát triển các tour dài ngày trong nội địa.

Về phía các sở ngành địa phương ở những nơi phát triển du lịch sôi động cũng đều có những "kế sách" nhằm góp sức cùng ngành du lịch đạt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 110 triệu lượt khách nội địa.

Với Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ngành du lịch Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch mới, thực sự đặc sắc và hấp dẫn. Ngoài ra Hà Nội cũng sẽ xây dựng 1 đề án tổng thể, chuyên nghiệp về tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên các kênh truyền thông, truyền hình quốc tế mang tính chiến lược như: CNN, CNBC, TikTok...

Đối với trung tâm du lịch của miền Trung, bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Đà Nẵng đã và đang là điểm đến của phân khúc khách du lịch có chi tiêu cao, người nổi tiếng đến nghỉ dưỡng, khách MICE đến hội họp, khách quay gameshow… mang giá trị nhận diện hình ảnh, điểm đến, góp phần thu hút khách quốc tế.

Trong thời gian tới, Đà Nẵng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông quảng bá qua KOLs, người nổi tiếng, đây là chiến lược thành phố đã làm trong 10 năm qua và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Dự kiến trong tháng 4 tới, Đà Nẵng sẽ có sự kiện giao dịch với các danh thủ của Brazli nổi tiếng… tiếp tục chiến lược định hướng xúc tiến quảng bá người nổi tiếng như thời gian qua, và sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh này.

Với TPHCM, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho hay: Hiện tại, ngành du lịch Thành phố nhận thấy công tác truyền thông quảng bá ở nước ngoài rất tốt. Đặc biệt chính sách Visa mới đã tạo được hiệu ứng rất mạnh. Sở Du lịch thành phố đã tận dụng truyền thông, đồng thời đẩy mạnh quảng bá các điểm đến nên hiệu quả đạt được rất đáng khích lệ.

Theo ông Hòa, về công tác quảng bá, ngành du lịch thành phố tạo điều kiện tốt nhất, cũng như tạo cầu nối để kết nối các doanh nghiệp với nhau. Cụ thể như tổ chức rất nhiều sự kiện du lịch xã hội hóa để doanh nghiệp quảng bá, kết nối. Thành phố cũng xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, tạo sự khách biệt như mỗi quận/huyện 1 sản phẩm đặc trưng…

Triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm 

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia ( Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, ngành du lịch chưa bao giờ nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các địa phương và các công ty du lịch như lúc này. Ngành du lịch đang tăng trưởng tốt, đón nhiều giải thường danh giá, như: Điểm đến hàng đầu châu Á; điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á; Điểm đến di sản hàng đầu thế giới. Chất lượng du lịch Việt Nam cũng ngày càng nâng cao…

7 giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho biết, ngành du lịch triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm đón 17-18 triệu khách quốc tế - Ảnh: VGP/Anh Lê

Để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, mới đây Chính phủ có Chỉ thị 08/2024 giao nhiệm vụ cụ thể bộ, ngành phát triển ngành du lịch có định hướng đạt mục tiêu đề ra, đó là đón 17-18 triệu khách quốc tế, 110 triệu du khách nội địa. Ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành du lịch có 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, chúng tôi đang hoàn tất quy hoạch du lịch 2025-2030 tầm nhìn 2045 đang chờ Thủ tướng phê duyệt. Khi quy hoạch ban hành ngành du lịch xác định hướng đi để tổ chức thực hiện.

Thứ hai, tổ chức các hoạt động liên kết - phát triển điểm đến xanh - bền vững, lấy trải nghiệm của du khách làm trọng tâm.

Thứ ba, đề xuất nội dung, thay đổi phương thức xúc tiến thương mại dựa trên các phân khúc: Du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, nông thôn, MICE (du lịch kết hợp hội nghị), golf, du lịch đường sắt. Thành lập văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở nước ngoài, trước tiên là mở văn phòng tại Viêng Chăn (Lào).

Thứ tư, phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế tiềm năng để thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỉ lệ khách quay lại. Quan trọng là sản phẩm phù hợp giữ chân du khách.

Thứ năm, nghiên cứu đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, thuế.

Thứ sáu, phối hợp địa phương quản lý điểm đến bảo đảm an toàn cho du khách và cuối cùng là tăng cường chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu để phát triển du lịch.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: Du lịch là kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy giao lưu nhân dân, tạo cơ hội đầu tư, gìn giữ hòa bình. Mục tiêu của ngành du lịch là đưa các chỉ số bằng trước COVID-19. Để làm được điều này cần dự sự vào cuộc của bộ ngành địa phương, các công ty du lịch,... Cục Du lịch Quốc gia kỳ vọng, năm  2024 ngành du lịch sẽ hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ đề ra, hướng đến mục tiêu 2030, Việt Nam đón 50 triệu khách quốc tế, một trong 30 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.

Anh Lê

Top