Ấm áp ngày cuối năm
(Chinhphu.vn) - Đang dọn rửa sau bữa tiệc tất niên do mình tự tay nấu nướng, bày biện, chị Nguyễn Thị Hồng Linh giật mình khi có cánh tay đặt nhẹ lên vai. Khẽ quay lại, chị thấy N.Đ.T.Â., cậu bé mắc hội chứng Down vừa mồ côi mẹ cha do dịch COVID-19, nở nụ cười thật hiền. “Sao vậy anh hai? Con ăn có ngon không?”. T.Â. gật đầu mấy cái, lại cười. Chị Linh hỏi tiếp “Vậy là ngon thiệt đúng hông?”. T.Â. gật đầu mạnh hơn. Mấy cái gật đầu tưởng chừng ngô nghê ấy đủ khiến trái tim người phụ nữ ngoài 50 ngập trong xúc cảm thương yêu.
Bữa tất niên đặc biệt
Ngót 8 năm theo công việc nấu nướng, chưa bao giờ chị Linh nhận làm tiệc cuối năm vì những ngày đó chị muốn dành trọn cho các con. Vậy mà năm nay, nghe cô bạn cùng cơ quan rủ làm tình nguyện viên cho bữa tất niên tại nhà hai anh em mồ côi do COVID-19 ở TP. Thủ Đức, chị chẳng nghĩ suy nhiều, gật đầu cái rụp. Bữa đó, 8h mới tới nhà hai anh em  và B. nhưng chị Linh dậy trước bốn tiếng đồng hồ, chạy ra chợ Bà Chiểu lựa từng miếng thịt tươi ngon và mấy món gia vị thơm lừng. Đem thịt về nhà, rửa sạch, cắt ra rồi ướp sơ gia vị, chị vừa làm vừa nói một mình, giọng pha chút hân hoan: "Vầy là hai anh em sẽ có nồi thịt kho trứng ngon lành ăn Tết. Mình sẽ nấu nồi gà lagu thiệt vừa miệng nữa. À, kiểu gì cũng có món xào, bánh tét, nem chả. Cứ phải đủ đầy mới được".
Đi cùng chị Linh đến nhà hai anh em B. còn có vài tình nguyện viên khác của Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, Sinh viên TPHCM. Trong khi đầu bếp Linh bày biện bếp núc cho kịp giờ cơm trưa, mấy anh chị còn lại rủ B. đi chợ tết. Mấy anh em ghé quầy tạp hóa mua bánh kẹo rồi tạt tiệm hoa xuân mua chậu cúc mâm xôi vàng rực, to đùng. Nghe mấy cậu thanh niên rổn rảng nói cười từ ngõ, trong bếp, chị Linh thấy lòng rạo rực niềm vui. "Sao hôm nay tui vui dữ vậy trời", chị cười tươi, tự hỏi chính mình.
Khi cùng mấy anh chị tình nguyện viên dọn nhà, xếp bánh kẹo lên bàn thờ, bày biện mâm cơm tất niên, chợt B. thấy nhớ mẹ cha da diết. Mới năm ngoái, cũng mấy ngày này, ba B. bận rộn sáng chiều với mấy chậu cảnh, mẹ thì mua thêm hoa, làm dăm ba món ngon do hai anh em "đặt hàng". Rồi học trò lớp cũ, lớp mới ghé thăm, chuyện trò rôm rả đủ thứ niềm vui. Lúc ngồi vào mâm cơm, trước mắt toàn món ngon, xung quanh là mấy anh chị hỏi han, động viên đủ điều, B. dần vui hơn.
Mâm cơm bày ra trên chiếc bàn dài đặt ngay phòng khách, đối diện bàn thờ ba mẹ B. Cả chủ lẫn khách đâu 7 người nhưng có tới 9 bộ chén đũa. Hai bộ chén xếp ngay ngắn, mọi người dành để mời ba mẹ B. về ăn bữa tất niên bên con. B. ngồi vào chỗ mình hay ngồi khi ăn cơm ngày tết, nhìn quanh. Kế bên, Â. ngô nghê hỏi "Mẹ có về ăn cơm không?. Đến giờ, Â. vẫn chưa biết mẹ đã mất, chỉ nhớ lúc tạm biệt trong bệnh viện dã chiến. Thi thoảng, Â. lại khều tay B., nói gọi điện để mẹ về nhà.
Tuần trước, nghe mấy anh chị tình nguyện viên nói muốn xuống nhà ăn tất niên, B. hơi bối rối. Là con út, được ba mẹ bao bọc để tập trung học hành, B. có phải vào bếp đâu. Nên dù vắng mẹ cha mấy tháng rồi, cố gắng tập tành cũng mới chế biến được vài món cơ bản như chiên trứng, nấu canh rau hay mỳ tôm, thịt xào. Khi đứng trước mâm cơm tất niên đủ đầy món ngon, thơm lừng, B. cúi đầu cảm ơn mọi người rồi ngước lên chắp tay mời ba mẹ về ăn bữa cơm cuối năm. "Em xúc động lắm vì cứ nghĩ năm nay chẳng có tất niên nhưng lại được yêu thương, quan tâm nhiều đến vậy. Ba mẹ ở xa chắc cũng yên tâm phần nào vì hai anh em đã trưởng thành hơn và nhận về tình cảm, sự chở che của rất nhiều người. Mấy nay học trò cũ của ba gọi điện hỏi thăm em suốt, mấy anh chị còn tặng quà tết, lì xì. Em thấy mình may mắn vì có mọi người kế bên trong giai đoạn này", B. trải lòng.
Suốt tiệc tất niên, Â. cười rất tươi và ăn uống ngon miệng. Â. ngồi sát B., lâu lâu lại nũng nịu để em trai vỗ về, chăm sóc. Ăn uống xong, Â. cùng các tình nguyện viên chơi tô màu, kể chuyện, vui lắm. Mấy ngày cuối năm, B. hết học trực tuyến và cũng ngưng lớp dạy kèm trong xóm nên có nhiều thời gian nghe Â. thủ thỉ và chở anh trai dạo ngắm phố phường. Vậy nên Â. rất thích, B. dặn gì cũng nghe, làm theo răm rắp chớ không mè nheo như mọi ngày. Lúc nhận phong bao lì xì, nghe B. nói cảm ơn, Â. cũng ríu rít làm theo, như đứa trẻ dù tuổi đời đã gần 25. Thấy chị Linh bày cho B. cách phân chia thịt kho trứng rồi cấp đông để ăn suốt tết, Â. chạy đi kiếm hộp nhựa phụ em. B. nhìn anh trai, nhìn người cô mới quen bên mâm cơm ấm cuối năm, thấy lòng bình an.
Quá trưa, khách ra về, B. dọn dẹp gọn gàng rồi đứng trước bàn thờ ba mẹ ngắm nghía hồi lâu. Ngoài xóm, người ta đã mở nhạc xuân. Ngày mai, hai anh em qua nhà ngoại gần đó để học làm mấy món ngày tết rồi đi ngắm đào mai, bông cúc. B. nói, sau mấy tháng chấp nhận cuộc sống mới, em thấy mình "được việc" lắm, biết chăm anh, nhường anh, lo mọi việc trong nhà sau giờ học, giờ làm thêm. B. mong năm mới sẽ tiếp tục mang đến cho hai anh em nhiều thương yêu, gắn kết để cùng nhau bước tiếp chặng đường dài. B. nói, em sẽ chăm sóc, yêu thương anh trai gấp ba lần, bù cho mẹ cha mãi đi xa trên thiên đường.
Để tết ấm hơn
Chạy nhảy, nghêu ngao hát hồi lâu quanh phần quà tết đầy ắp bánh mứt vừa được tặng, ba anh em Lam - Ngọc - Nam sà vào lòng cha mình là anh Vũ Đình Huân (Quận 3), thỏ thẻ: "Mình mở quà nha ba! Tụi con có bao lì xì tết nè, vui quá trời. Lâu lắm rồi tụi con mới thấy ba cười". Anh Huân nói các con ráng đợi thêm vài ngày vì anh muốn đưa món quà đó lên bàn thờ vợ mời chị về ăn tết sớm. Mấy tháng rồi, từ ngày vợ anh bị COVID-19 cướp đi mãi mãi, nhà có bữa nào vui đâu, nói gì bánh trái. Hôm rồi mưa lớn, nước dột ướt hết đồ đạc, quần áo, anh Huân chẳng buồn dọn lau, cứ thơ thẩn nhìn các con. Hồi mẹ mới mất tụi nhỏ ngơ ngác, đòi gặp suốt. Giờ ba anh em đã nguôi ngoai phần nào, thi thoảng nhớ quá lại nói "Ước gì có mẹ ở đây".
Con anh Huân nhỏ xíu, đứa lớn mới lớp năm, đứa út vừa vào lớp 1. Nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, ít khi các con hỏi mẹ với ba, sợ ba buồn. Căn nhà cũ kỹ thuê của người ta mọi khi luôn rộn ràng tiếng cười nói và bữa cơm ngon. Anh Huân làm thợ mộc, vợ ở nhà bếp núc, lo cho các con. Dịch bệnh bùng phát tại TPHCM, anh trở thành F0, may là bình phục nhanh. Nhưng vợ anh không có may mắn đó, vào viện rồi chẳng kịp gặp chồng con lần cuối. Chị mất, anh hụt hẫng suốt thời gian dài, chẳng biết bắt đầu cuộc sống từ đâu. Có lúc muốn "chết đi", nhưng quay qua nhìn ba đứa con đang say ngủ, anh lại dặn mình không được nghĩ quẩn, không được bỏ rơi các con giữa đường đời.
Con trẻ có bánh mứt, lì xì, có bàn học mới, anh Huân thì giảm gánh nặng khi căn nhà tuềnh toàng vừa được các tình nguyện viên đến sửa sang, sơn phết, mới tinh. Tết này, tưởng sẽ hắt hiu, nhưng không, cha con anh đã thấy lòng ấm áp hơn nhiều. Hàng xóm thấy cha con cực khổ cũng chung tay hoặc nhờ anh Huân làm việc này, chuyện kia để có thêm thu nhập chứ cả năm trời thất nghiệp lấy gì chăm tụi nhỏ. "Mấy anh chị tới thăm hay hỏi tui năm mới mong gì. Tui nói thiệt, tui chỉ mong cho ba đứa nhỏ mau lớn chứ nhìn thấy con mồ côi vậy, xót lắm. Mong tụi nhỏ sớm tới trường để tui chạy xe ôm, sẵn đưa đón các con cho tiện. Nhà sửa tạm vầy là đẹp quá rồi, tết đỡ tủi thân. Nói cảm ơn bao nhiêu cho đủ nên tui cất trong lòng, cố mà sống làm điểm tựa cho con", anh Huân tâm sự, tay vẫn miết trên cánh cửa màu xanh các tình nguyện viên vừa đến trang hoàng tuần trước. Mấy ba con nhìn nhau cười, chuẩn bị bữa cơm chiều với vài món người ta tặng hôm rồi, còn dư.
Cùng các tình nguyện viên gõ cửa, mang chút niềm vui đến cho các gia đình trẻ em mồ côi vì COVID-19 trong mấy ngày giáp tết, anh Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, Sinh viên TPHCM thấy lòng ngập tràn thương yêu. Nhìn ánh mắt hạnh phúc của các em nhỏ khi thử áo dài tết mới, cầm phong bao lì xì hay mân mê từng món quà thiết thực, anh Nam biết, chương trình "Mang tết cho em" đã san sẻ bớt nỗi lo của nhiều hoàn cảnh khó khăn. Quà có thể không quá lớn nhưng cách trao đi, cách các tình nguyện viên dành thời gian đến với các em nhỏ để cùng lợp lại mái nhà dột, sơn cánh cửa mới hay đơn giản làm ăn bữa cơm cuối năm đủ thấy tâm tình họ muốn gửi trao.
Một năm đầy sóng gió khép lại, chỉ mong khi mai đào khoe sắc, nhạc xuân rộn ràng, trong căn nhà nhỏ của mình, những đứa trẻ đặc biệt ấy vẫn cảm nhận được tình yêu thương, sự sẻ chia mà mọi người mang đến bấy lâu. Để khi năm mới bắt đầu, các em sẽ có thêm niềm tin, động lực sống những ngày trong trẻo tuổi thơ./.
Khởi Minh