Bài 1: Đề án 06 - Ánh sáng cho những phận đời lận đận ‘nhân thân’

16/11/2024 11:28 AM

(Chinhphu.vn) - Đề án 06 được xem là "ánh sáng cuộc đời" với nhiều công dân có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là các em nhỏ. Còn với những cán bộ hộ tịch, đề án được xem là chỗ dựa vững chắc để họ tự tin, linh hoạt trong việc tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy khai sinh, giấy tờ tùy thân cho người dân có hoàn cảnh éo le...

Bài 1: Đề án 06 - Ánh sáng cho những phận đời lận đận ‘nhân thân’- Ảnh 1.

Công an TPHCM hỗ trợ định danh số cho người yếu thế - Ảnh: VGP/Bảo Phương

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 06/QĐ-TTg, phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06).

Đề án 06 có 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Là một trong hai thành phố lớn nhất cả nước, TPHCM có nhiều trường hợp nhân khẩu đặc biệt, trong đó nổi bật là không có giấy tờ tùy thân. Với nỗ lực để không người dân nào bị bỏ lại phía sau, Thành phố đã tập trung triển khai Đề án 06, ban hành Kế hoạch 1878 nhằm thu thập dữ liệu dân cư, cấp mã số định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn. Kế hoạch được đánh giá là một điểm sáng thể hiện tính nhân văn trong công tác triển khai thực hiện Đề án 06, bước đầu đạt kết quả tích cực, được người dân ủng hộ, đánh giá cao.

Bài 1: Đề án 06 - Ánh sáng cho những phận đời lận đận ‘nhân thân’- Ảnh 2.

Hai bé sinh đôi của gia đình anh Lê Phước Lợi được cấp giấy khai sinh tại phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân - Ảnh: NVCC

"Quả ngọt" từ Đề án 06

Sáng 4/10 vừa qua, tại phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân, hai bé sinh đôi của anh Lê Phước Lợi và chị Nguyễn Lê Thiên Nguyệt được cấp giấy khai sinh sau gần 3 năm chờ đợi. Hai bé sinh ngày 2/6/2021 tại bệnh viện Từ Dũ (Quận 1). Cầm giấy khai sinh của hai con trên tay, vợ chồng anh Lợi mừng rơi nước mắt. Giấc mơ con có bảo hiểm y tế, được đi học không còn xa vời.

Đây là một trường hợp đặc biệt bởi mẹ bé không có bất kì một giấy tờ nào, bệnh viện trước đó không cấp giấy chứng sinh, gia đình nhiều lần thay đổi chỗ ở… Để liên hệ được gia đình và làm các thủ tục, xác định thẩm quyền khai sinh cho 2 bé, các đơn vị hỗ trợ gặp vô vàn khó khăn. Phường Bình Hưng Hoà A phối hợp cùng Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp TPHCM) gửi văn bản thông tin đến các cơ quan chức năng liên quan để có cơ sở xác minh làm đăng kí khai sinh cho các cháu bé.

Phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) là phường đông dân nhất nhì Thành phố. Ông Trương Công Dũng, cán bộ tư pháp - hộ tịch chia sẻ, quyền lợi đầu tiên của con người khi sinh ra là phải có giấy khai sinh, để được hưởng các quyền lợi có liên quan.

"Trẻ không có giấy khai sinh rất thiệt thòi. Thứ nhất, bé không có giấy khai sinh sẽ không có tư cách pháp nhân. Các con không được đăng kí thường trú, không làm được căn cước công dân, không có số định danh cá nhân, không có bảo hiểm y tế", ông Dũng nói. Những năm tháng gắn bó với công việc, ông chứng kiến không ít hoàn cảnh éo le khi người dân không có giấy tờ tuỳ thân, đặc biệt là trẻ em không có giấy khai sinh.

Ông Dũng kể về câu chuyện của cậu bé gần 5 tuổi, sinh ra trong gia đình có ba bị tâm thần, mẹ bỏ đi, sống cùng ba và bà nội ngoài 80 tuổi, kinh tế khó khăn. Dù đã đến tuổi đi học nhưng vì không có giấy khai sinh nên con chỉ loanh quanh ở nhà. Sợ cháu mình thất học, tương lai bấp bênh, bà nội mang cháu lên phường nhờ hỗ trợ bởi "thằng nhỏ khát chữ lắm rồi". Tâm nguyện lớn nhất của bà là mong cháu mình có được giấy khai sinh, được đi học để thay đổi cuộc đời.

"Con mới 4, 5 tuổi thấy bạn cùng tuổi đã đi học mà con không được đi thì thắc mắc, chứ không biết lý do thực sự. Chúng tôi chủ động xác minh. Tiền để làm giám định ADN cũng vận động từ các nhà hảo tâm ở phường hỗ trợ. Đúng 30 ngày sau, bé được cấp giấy khai sinh. Hiện tại, con đã được đi học", ông Dũng nhớ lại và cho hay đó là một trong 10 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được phường Bình Hưng Hoà A quận Bình Tân tiếp nhận và cấp giấy khai sinh trong năm nay.

Bài 1: Đề án 06 - Ánh sáng cho những phận đời lận đận ‘nhân thân’- Ảnh 3.

Hỗ trợ công dân tại phường Bình Hưng A quận Bình Tân - Ảnh: VGP/Bảo Phương

Đề án là chỗ dựa cho cán bộ dám nghĩ, dám làm

Sau hơn 2 năm thực hiện, Ban chỉ đạo Đề án 06 TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để giải quyết cư trú và cấp CCCD cho các trường hợp nhân khẩu đặc biệt như không có giấy tờ tùy thân; con lai chưa xác định được quốc tịch Việt Nam…

Tới nay, Thành phố đã cấp giấy tờ tùy thân cho 3.006 trường hợp là nhân khẩu đặc biệt, thu thập thông tin mẫu ADN thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; tham mưu HĐND Thành phố trong việc giải quyết cấp giấy khai sinh cho trên 400 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chăm sóc nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ ngoài công lập và đẩy mạnh việc xác minh để cấp giấy khai sinh cho gần 1.000 trường hợp được chăm sóc nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý.

Tổ chức thực hiện thí điểm giải quyết thủ tục hành chính Đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến trên địa bàn Thành phố… Bên cạnh đó, tổng số đối tượng nhận chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt qua tài khoản đạt 76,8%.

Trong 9 tháng năm 2024, Thành phố đã tập trung đẩy mạnh nhiều mặt: Rà soát nâng cấp máy tính, an ninh thông tin phục vụ chuyển đổi số và Đề án 06; Ban hành danh mục 47 cơ sở dữ liệu dùng chung của Thành phố; công bố 91 tập dữ liệu mở trong 12 lĩnh vực; thống nhất quy trình ký số, số hóa văn bản điện tử; cấp chữ ký số miễn phí cho người dân; thực hiện có hiệu quả Luật Căn cước năm 2023 trên địa bàn Thành phố; tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Căn cước và Đề án 06 để người dân và cán bộ công chức tham gia…

Với cán bộ tư pháp - hộ tịch như ông Dũng (Phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), Đề án 06 là chỗ dựa vững chắc, là cơ sở để những cán bộ như ông tự tin, dám nghĩ, dám làm khi thực thi các chủ trương, chính sách, giải quyết nhanh giấy tờ nhân thân cho người dân, nhất là việc cấp giấy khai sinh cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt.

Lấy ví dụ từ trường hợp cậu bé ở với bà nội lớn tuổi và ba bị tâm thần kể trên, ông Dũng cho hay khi chưa có Đề án 06, có thể phải mất vài tháng thậm chí hơn bởi đơn vị ông phải chờ đợi văn bản phản hồi từ các đơn vị liên quan khác. 

Theo Đề án 06, những công chức hộ tịch như ông Dũng được cấp một tài khoản để truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Tư pháp cũng cấp cho cán bộ tài khoản về hộ tịch để có thể tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia, việc này hỗ trợ rất nhiều cho công việc.

"Chúng tôi có thể xác minh, tra cứu thông tin để tiến hành các thủ tục pháp lý, đăng ký các thủ tục, quy định về hộ tịch cho những cái người có khó khăn về giấy tờ, về pháp lý rất thuận tiện và nhanh chóng. Khi đăng nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chúng tôi biết được quá trình sinh sống, cư trú của người ta dân để có cơ sở mạnh dạn làm", ông Dũng bày tỏ.

Nguyễn Trà

Top