Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số

26/05/2023 8:22 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 25/5, Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề "Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số".

Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số - Ảnh 1.

Hội thảo Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số được phối hợp tổ chức bởi Đại sứ quán Pháp và Trường Đại học Luật TPHCM - Ảnh: VGP/Ngọc Tấn

Tại buổi Hội thảo, các tham luận đề cập đến hai chủ đề chính, gồm: Tổng quan về bảo vệ dữ liệu cá nhân và thực thi và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong các lĩnh vực cụ thể.

Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, hiện tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng, không có sự đồng ý của khách hàng.

Tuy nhiên, hầu hết các văn bản pháp luật hiện chưa đủ trước sự phát triển như vũ bảo của công nghệ thông tin, công nghệ số và các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kẻ xấu muốn chiếm đoạt, sử dụng một cách bất hợp pháp dữ liệu cá nhân. Hội thảo đã tập trung phân tích tổng quan các vấn đề về bảo vệ dữ liệu cá nhân; về khía cạnh thực thi và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong các lĩnh vực cụ thể…

Trong phần trình bày tham luận "Vai trò của luật sư trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân", Luật sư Isabelle Grenier - Thành viên Ủy ban Kỹ thuật số, Hội đồng các Hiệp hội Luật sư Quốc gia (CNB) cho rằng với vai trò tư vấn, luật sư có thể hỗ trợ công ty thực hiện việc tuân thủ các quy định của luật GDPR, đây là hệ thống các quy định chung của Liên minh châu Âu về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong việc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, luật sư cũng có thể can thiệp khi xảy ra tranh chấp liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân, hoặc vì lợi ích của bên quản lý dữ liệu hoặc cho chủ thể dữ liệu mong muốn bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình.

Luật GDPR quy định hợp đồng phải được ký kết trên nguyên tắc đảm bảo minh bạch và tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việc không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân vi phạm quy định của luật GDPR có thể dẫn đến quyết định hủy hợp đồng.

Bàn về những điểm mới cơ bản trong Nghị định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân, TS. Nguyễn Thị Hoa - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế của Đại học Luật TPHCM đã trình bày những điểm mới quan trọng liên quan đến quyền của chủ thể có dữ liệu cá nhân và các phương thức bảo vệ dữ liệu cá nhân khi có việc vi phạm các quy định về dữ liệu cá nhân.

Theo TS. Nguyễn Thị Hoa, trên thực tế, quyền của chủ thể có dữ liệu cá nhân đã được đề cập đến tại Bộ luật Dân sự 2015. Việc bổ sung và hoàn thiện những quyền này tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân là một điểm mới tiến bộ và phù hợp với thực tế hơn.

Trong thời đại hiện nay, đồng thời với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Do đó, Hội thảo với chủ đề "Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số" là diễn đàn để các nhà khoa học, luật sư, công chứng viên và các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý nói chung trao đổi những vấn đề lý luận, quy định pháp luật và khả năng áp dụng trong thực tiễn các quy định mới của Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, từ đó đưa ra những kiến nghị, góp ý có giá trị.

Theo PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, trước tình hình phát triển mạnh mẽ của môi trường số và các thủ đoạn lừa đảo ngày một tinh vi, do vậy, Hội thảo "Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số" là một diễn đàn khoa học mang tính thời sự và cần thiết.

Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser - Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM đánh giá cao việc Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức Hội thảo. Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser hy vọng Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực pháp luật giữa hai đơn vị, đặc biệt trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973-2023).

Ngọc Tấn

Top