Bộ sưu tập thú vị năm Dần
(Chinhphu.vn) - Mấy ngày tết, nhiều người dân TPHCM tìm đến Lúa cà phê (Q. Phú Nhuận) để ngắm nhìn các hiện vật sưu tầm nơi đây và chụp hình lưu niệm. Bên cạnh những góc trưng bày về Sài Gòn xưa với hơn 18.000 hiện vật, ông chủ Lúa cà phê Huỳnh Minh Hiệp còn có riêng bộ sưu tập mang dấu ấn con cọp, phù hợp để tìm hiểu trong mùa xuân năm nay.
Những trang báo năm Dần
Trong hàng chục hiện vật liên quan đến năm Dần của nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp có 2 trang báo khiến người xem thích thú. Thứ nhất là tờ Gia Định Báo phát hành năm 1890 (năm Canh Dần). Gia Định báo được cho là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới, ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông hoàn toàn mới mẻ khi đó, làm cho chữ Quốc ngữ có cơ hội phổ biến trong dân chúng.
Trong tờ Gia Định báo ra ngày 2/9/1890 mà nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp đang sở hữu có những mục quảng cáo về Ngày Phát Nhựt Trình theo kiểu xưa đọc khá vui như: Mỗi một tháng in ra 4 kỳ, cứ ngày thứ Ba trong tuần lễ thì phát. Hay mục Giá Mua Nhựt Trình được ghi như sau: Ai muốn mua thì tới dinh quan Hiệp lý Nam-kỳ, phòng thông ngôn cho người ta biên tên, mua trót năm thì giá 5 đồng bạc, mua 6 tháng thì 2 đồng rưỡi, mà mua 3 tháng thì 1 đồng 1 quan 2 tiền rưỡi.
Các phần quảng cáo trong tờ báo được trình bày ngắn gọn, thông tin rõ ràng giúp người đọc thời nay có thể hình dung phần nào dấu ấn của giai đoạn đó. Những cái tên quen thuộc một thời với người dân Sài Gòn cuối thế kỷ thứ XIX như nhà hàng hiệu AU-GAGNE-PETIT ở đường Catinat, thuốc hút hiệu Globe, thuốc vấn hiệu Clairon, nước thuốc răng hiệu là R.R.P.P, rượu kêu là Alcool de Menthe… được lưu lại trên trang báo ố màu khiến nhiều người thích thú lẫn tò mò. Phần lời ra của báo là về tiệm thuốc hiệu HOLBE ở đường Catinat số 8, địa điểm giao thương đông đúc thời xưa của người dân Sài Gòn.
Tờ báo khác trong bộ sưu tập của "Hai lúa" Huỳnh Minh Hiệp khiến người xem thích thú là Lục Tỉnh tân văn năm 1938 (năm Mậu Dần). Lục Tỉnh tân văn là một tờ báo tiếng Việt xuất bản tại Sài Gòn, với số báo thứ nhất ra ngày 15 tháng 1 năm 1907, là một trong những tờ báo không Công giáo đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ với tiêu đề được viết bằng cả chữ Quốc ngữ lẫn chữ Hán. Nhựt Báo Đầu Tiên sau khi mua lại tờ Lục Tỉnh Tân Văn đã sát nhập tuần báo Nam Trung Nhựt Báo và Lục Tỉnh Tân Văn thành một và lấy tên LỤC TỈNH TÂN VĂN rồi ra hằng ngày. Đây là một trong những tờ nhựt báo đầu tiên của làng báo Sài Gòn, hoạt động đến năm 1944 thì đình bản.
Hai chiếc xe cổ giá trị
Là người có tiếng trong giới sưu tầm đồ cổ ở miền Nam, bộ sưu tập xe của Huỳnh Minh Hiệp có nhiều chiếc giá trị, khó tìm, chẳng hạn như hai chiếc xe liên quan đến năm Dần mà anh muốn mọi người cùng tìm hiểu. Chiếc đầu tiên là Motobecane AB1 động cơ 125cc, xe 4 thì chạy bằng xăng, sản xuất tại Pháp vào năm 1938 (năm Mậu Dần). Xe có con dấu vào thời chính quyền vua Bảo Đại, sử dụng ở Đà Lạt. Chiếc thứ hai là Motobecane Pony, động cơ 63cc, xe 2 thì, máy dầu chạy bằng xăng pha nhớt. Xe này sản xuất năm 1936, do Hiệu Xe Liên Minh, 246 Gia Long nhập về Sài Gòn cho Thầy Mario Brini (Toà Khâm sứ Sài Gòn), sử dụng từ năm 1959 cho đến năm 1962 (năm Nhâm Dần) xe được chuyển giao lại cho ngài Ngô Đình Thục (anh trai Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm) sử dụng.
Huỳnh Minh Hiệp may mắn còn giữ cả hai giấy tờ thuộc quyền sở hữu của hai nhân vật lịch sử này. Còn có cả biên bản bàn giao xe được thư ký đánh máy lại rất rõ ràng. Chủ Lúa cà phê cho hay phải trầy trật lắm anh mới có thể đưa chiếc xe mang giá trị lịch sử này về tới TPHCM trưng bày để mọi người cùng thưởng lãm. "Nghe thông tin có một nhà sưu tầm ở tỉnh Vĩnh Long đang giữ hai chiếc xe này, tôi liền thu xếp công việc lặn lội về tìm cho bằng được người đang sở hữu nó. Đến khi gặp được thì tôi mừng lắm, nhưng người ta chỉ cho xem chứ không bán vì cũng là dân sưu tầm. Tôi phải đi lên đi xuống 4, 5 lần mới thuyết phục họ nhượng lại cho. Khâu đóng gói và tìm xe chuyển lên Sài Gòn cũng mất nhiều công. Về tới Sài Gòn, tôi mất cả tuần để tìm đúng thợ làm lại máy xe cho ngon lành", anh Hiệp kể lại.
Hai chiếc xe này đã tham gia hầu hết các Festival Xe cổ tại TPHCM và các tỉnh. Thấy chiếc xe đẹp, tuổi đời cao, nhiều người muốn mua lại mà anh Hiệp nhất định không bán. Có người sẵn sàng chi hơn một tỷ đồng để sở hữu hiện vật này, ông chủ Lúa cà phê vẫn lắc đầu. Anh nói, vì quá đam mê nên không muốn chia tay hai món đồ có nhiều kỷ niệm. Mỗi khi nhắc đến bộ sưu tập xe cổ, chưa bao giờ Huỳnh Minh Hiệp quên "khoe" hai chiếc xe này vì với anh những gì gắn với lịch sử bao giờ cũng có giá trị lớn, cần được lan tỏa để nhiều người biết hơn.
Nghệ thuật năm Dần
Là người làm nghệ thuật, tất nhiên, Huỳnh Minh Hiệp dành khá nhiều đất cho các bộ sưu tập liên quan đến lĩnh vực này. Đến nay, bộ sưu tập các tờ quảng cáo phim điện ảnh, cải lương, ca nhạc kịch… giai đoạn từ năm 1935 đến năm 1975 của anh đã lên tới hàng ngàn hiện vật. Năm nay, anh giới thiệu đến bạn bè một mảnh ghép đặc biệt trong bộ sưu tập về phim ảnh của mình. Đó là tờ quảng cáo nội dung phim điện ảnh Việt Nam năm 1938 (năm Mậu Dần) mang tên Trận phong ba do An Nam nghệ sĩ đoàn thực hiện.
Ngay tại không gian trưng bày đặc biệt của Lúa, mới đây, nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp đã có dịp hội ngộ nhân vật liên quan đến một vật phẩm về năm Dần mà anh đang lưu giữ. Đó là ca sĩ hải ngoại Họa Mi. Ghé thăm Lúa, nữ ca sĩ được "chủ nhà" mời xem ấn phẩm xuân cách gần nửa thế kỷ. Trong đó, có bài báo tựa đề "Mùa xuân và tiếng hát của các loài chim quý", với đoạn mở đầu:" Không gì lý tưởng và nên thơ bằng, khi mùa xuân về nghe các loài chim quý cất tiếng hót ca. Đó cũng là biểu hiện của hòa bình và thịnh vượng. Và mùa xuân đã về, chúng ta vẫn có thể thưởng thức được tiếng hát của ít nhất 4 loài chim quý: Bạch Yến, Hoàng Oanh, Sơn Ca và Hoạ Mi… Đó chính là tên hiệu của 4 nữ ca sĩ được ưu chuộng nhất nhì hiện nay trong làng ca nhạc, và dù ít hay nhiều, người ta cũng đã được nghe qua các tiếng hát trên, vang lên trong năm con Cọp vừa qua… Bốn tiếng hát, tạo nên những phút vui tươi, niềm hân hoan triền miên, đến mọi khán thính giả trong mùa xuân mới này...".
Huỳnh Minh Hiệp cho biết, năm con Cọp mà báo đề cập là năm Giáp Dần (năm 1974). Khi đó ca sĩ Họa Mi chỉ mới 19 tuổi. Bài báo giới thiệu: "Hoạ Mi là cô ca sĩ "sinh sau đẻ muộn" mới nổi trong năm con Cọp. Cô có một lối trình bầy điêu luyện, tiếng hát chợt vút cao, nhưng nhẹ nhàng, giản dị, không kém phần tươi vui…". Đọc bài báo viết về mình sau gần 50 năm ngay tại không gian đậm chất Sài Gòn xưa, nữ ca sĩ vô cùng xúc động. Chính lúc đó, anh Hiệp hiểu được rằng những hiện vật mình cất công kiếm tìm, lưu giữ đã giúp nhiều người hoài niệm một thời dấu yêu./.
Khởi Minh