Cải cách hành chính: Cách làm “ngược đời” nhưng người dân hưởng ứng
(Chinhphu.vn) - Trong khi các sở ngành và địa phương đều chọn một trong những phương pháp đánh giá kết quả cải cách thủ tục hành chính là ghi nhận tỷ lệ “hài lòng của người dân và doanh nghiệp” thì Sở Y tế TPHCM đã có thêm một cách làm khác hẳn, mà thoạt nghe lại có vẻ hơi “ngược đời”, tức khảo sát “sự không hài lòng của người dân”!
Nâng tầm hệ thống “tai mắt” “thanh tra nhân dân”
Tổng kết Chương trình Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) năm 2018 của Sở Nội vụ TPHCM cho thấy, số lượng TTHC được thực hiện trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 ngày càng được mở rộng, đến hết năm 2018 đã là 767 dịch vụ. Tỷ lệ hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn bình quân toàn Thành phố là 99,6%. Ngoài ra, trong 3 tháng phát động đợt thi đua cao điểm về cải cách hành chính vừa qua, đã có 307/574 sáng kiến được thực hiện (chiếm 53% số giải pháp và sáng kiến đã đăng ký). Trong số đó, có nhiều sáng kiến dù không hoàn toàn mới nhưng đã tiếp tục được “nâng cấp” và tạo hiệu ứng mạnh.
Đáng chú ý và được đề cập khá nhiều tại Hội nghị Cải cách TTHC của TPHCM mới đây là các giải pháp xây dựng hệ thống ghi nhận ý kiến đóng góp từ người dân và doanh nghiệp về TTHC.
Bước đầu, hệ thống đánh giá sự hài lòng đối với dịch vụ công đã có sự khác biệt lớn giữa các quận huyện, nhất là về “khả năng” thu hút sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp. Nếu như năm qua, số người “bấm nút” trên hệ thống này ở quận Bình Thạnh lên tới 30%, thì tại Quận 1, thống kê cho thấy chỉ khoảng 5% số người tới làm TTHC “chịu khó” thực hiện. Còn xét trên phạm vi toàn thành phố, thì các hệ thống đánh giá cũng chỉ ghi nhận được 0,5% người dân và doanh nghiệp “nhiệt tình” đánh giá sự hài lòng với TTHC.
Về tiếp nhận ý kiến của người dân qua mạng, tốc độ xử lý của các địa phương cũng rất khác nhau. Trong khi quận Bình Thạnh tuyên bố chỉ trong 2 tiếng kể từ lúc nhận được tin nhắn góp ý sẽ có phản hồi từ lãnh đạo của phường có liên quan thì quận 7 cũng “bám đuổi” sát nút với mục tiêu tối đa là 4 tiếng. Quận 1 - trung tâm của các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng - cũng không ngần ngại cho biết “chỉ phản hồi được sau 5 ngày”. Tuy vậy, tại nhiều quận, huyện khác, thời hạn hồi đáp cho thông tin nhận được từ người dân vẫn còn đang “bỏ ngỏ”!
Thực tế cho thấy những con số 2 tiếng, 4 tiếng trên không chỉ là mục tiêu “suông”. Ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” để thu thập ý kiến cư dân trên địa bàn đã phát huy hiệu quả hết sức ấn tượng khi có tới 14 nghìn lượt tải về. Nhờ “tai mắt” của lực lượng “thanh tra nhân dân” ấy mà trong 20 tháng qua đã có hơn 13,3 nghìn tin báo về các sai phạm với độ chính xác lên đến 95%. Qua đó đã giúp địa phương kịp thời xử lý 12 nghìn vi phạm về xây dựng, trật tự lòng lề đường, môi trường… với số tiền phạt hơn 7 tỷ đồng.
“Tôi đề nghị năm nay cần có hội nghị chuyên đề, Sở Thông tin & Truyền thông (Sở TTTT) phải là cơ quan tư vấn để nhân rộng cái gọi là ‘Bình Thạnh trực tuyến’ cho các đơn vị trên toàn Thành phố”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.
Ở một “địa chỉ” hết sức đặc thù khác là Văn phòng UBND TPHCM - với rất nhiều hồ sơ hành chính phức tạp, có tính liên ngành - vị Bí thư Thành ủy cũng cho rằng cần phải sớm công bố thời hạn giải quyết cho từng loại hồ sơ hành chính được đệ trình từ các sở ngành, quận huyện.
Tương tự, nhằm xóa bỏ tình trạng đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp theo kiểu mạnh ai nấy làm, “nơi này bấm 5 nút tiêu chí, nơi kia bấm nút 3 tiêu chí”, người đứng đầu Thành ủy TPHCM cũng đề nghị Sở Nội vụ, Sở TTTT, và Ban Cải cách TTHC “cùng ngồi lại” để chuẩn hóa các tiêu chí, tìm tổ chức đấu thầu cung cấp giải pháp chung và thực hiện ngay trên tất cả các quận huyện trong 6 tháng cuối năm 2019.
Không chỉ đối với người đến khám bệnh, từ tháng 3 này, ngành Y tế TPHCM sẽ triển khai “khảo sát trải nghiệm của người bệnh điều trị nội trú”. Ảnh: VGP |
Đánh giá sự … không hài lòng của người dân!
Trong khi các sở ngành và địa phương đều chọn một trong những phương pháp đánh giá kết quả cải cách TTHC là ghi nhận tỷ lệ “hài lòng của người dân và doanh nghiệp” thì Sở Y tế TPHCM đã có thêm một cách làm khác hẳn, mà thoạt nghe lại có vẻ hơi “ngược đời”, tức khảo sát “sự không hài lòng của người dân” cho dịch vụ của ngành y tế trên địa bàn.
Theo đó, từ tháng 5/2017, song song với triển khai hệ thống khảo sát sự hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn theo yêu cầu của Bộ Y tế, ngành y tế TPHCM cũng cho vận hành hệ thống các kiosk khảo sát sự…không hài lòng của người dân khi đến khám chữa bệnh.
Hệ thống được xây dựng với 15 khâu cụ thể mà bất cứ người bệnh nào cũng có thể trải qua tại một bệnh viện, từ lúc gửi xe, đăng ký khám bệnh, được bác sĩ thăm khám tới lúc chờ mua thuốc… Nếu người bệnh không hài lòng, chỉ cần chạm vào màn hình kiosk thì nội dung này sẽ được chuyển tải ngay về Phòng Chất lượng của Bệnh viện và Sở Y tế. “Cái được lớn nhất của cách khảo sát này là thay đổi nhận thức của những người làm công tác quản lý bệnh viện. Lấy sự không hài lòng của người dân làm mục tiêu để cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”, ông Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định.
Được biết, hệ thống kiosk “ngược đời” trên đã được triển khai đồng bộ ở 53 bệnh viện công lập tại TPHCM và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Những bức xúc lớn nhất của nhiều bệnh viện từ đó đã được “chỉ mặt đặt tên” và tập trung xử lý. Thông qua phần mềm kết nối, lãnh đạo bệnh viện và Sở Y tế có thể giám sát từ xa hoạt động của hệ thống kiosk này.
Và từ tháng 3 tới, ngành Y tế TPHCM sẽ còn triển khai thêm “khảo sát trải nghiệm của người bệnh điều trị nội trú” nhằm cụ thể hóa hơn nữa những điểm “được” và “chưa được” của dịch vụ y tế tại từng bệnh viện. “Đây là cách làm ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Ngành y tế Thành phố đã có công trình nghiên cứu, cũng đã hoàn thành thử nghiệm và tháng sau sẽ triển khai khảo sát luôn!”, người đại diện Sở Y tế TPHCM cho hay.
Cấp phép xây dựng: Thẩm định một “cửa”, thẩm định một lần
Được đánh giá cao từ giới doanh nghiệp xây dựng-bất động sản trong năm qua, một phát kiến khác về cải cách TTHC của Sở Xây dựng cũng đã được ghi nhận. Đó là thành công của thí điểm cơ chế liên thông 1 cửa điện tử cho đồng thời 3 thủ tục gồm: thẩm định thiết kế cơ sở , thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng. Qua đó, rút ngắn tổng thời gian thực hiện các thủ tục này từ 121 ngày như quy định về còn 42 ngày. “Năm nay, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND TPHCM báo cáo đề xuất Bộ Xây dựng cho chính thức rút 3 thủ tục trên về còn 1 thủ tục. Bước 2 là rút ngắn còn 30-35 ngày”, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn cho biết.
Và cũng để chuẩn bị cho mục tiêu ấy, Sở Xây dựng ngay từ năm 2017 đã phát động cuộc thi Thiết kế điển hình chung cư nhà ở xã hội cao tầng. Hoạt động chuyên môn kéo dài trong hơn một năm ròng và tưởng chừng rất “không liên quan” tới cải cách TTHC ấy thực ra đã được thiết kế cho “dụng ý” tiếp tục cắt giảm TTHC về cấp phép xây dựng.
Bởi từ kết quả cuộc thi, Sở Xây dựng TPHCM sẽ cùng chủ nhân các giải thưởng lập hồ sơ báo cáo Bộ Xây dựng để công bố “Bộ thiết kế điển hình nhà ở xã hội cao tầng”. Sau này, các nhà đầu tư khi sử dụng những thiết kế mẫu đã được thẩm định ấy sẽ rút ngắn được khâu chờ duyệt thiết kế cơ sở.
Có vẻ những phát kiến táo bạo của TPHCM về cải cách TTHC sẽ còn chưa dừng lại ở đây, khi mà thời điểm phải chạm tới mục tiêu “đảm bảo cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến vào năm 2020” không còn quá xa.
Phương Hiền