Cải lương

16/06/2011 12:00 AM

Sự kết hợp hài hoà giữa văn hoá người Việt với nét đặc sắc trong văn hoá phương Bắc và phương Tây là nghệ thuật Cải lương khu vực Nam bộ mà điển hình là vùng đất Sài Gòn . Để tìm hiểu thêm về sự kết hợp giữa 3 nền văn hoá này, chúng ta cùng tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này.

Cải lương ra đời cách đây chưa tới một trăm năm. Ngay từ lúc mới ra đời, cải lương đã chịu ảnh hưởng có tính chất quyết định của hai dòng sân khấu: sân khấu tuồng truyền thống của Việt Nam và sân khấu kịch hiện đại của Pháp. Sân khấu tuồng Việt Nam mang đặc trưng chung của sân khấu Châu Á là cấu trúc kịch bản, vở diễn theo kiểu tự sự và sân khấu kịch Pháp mang đặc trưng chung của sân khấu Châu Á là cấu trúc kịch bản, vở diễn theo kiểu A-ri-xtốt. Vì vậy, cải lương cũng đã có hai kiểu vở diễn rất khác nhau, nhưng cả hai lại có chung một nguồn âm nhạc. Các bài bản âm nhạc của cải lương đậm chất dân tộc, có đầy đủ để thể hiện tâm trạng nhân vật với tất cả các trạng thái khác nhau, tạo điều kiện cho diễn viên ca hát kết hợp với diễn xuất dù biểu diễn theo kiểu tuồng Việt Nam hay theo kiểu kịch Pháp.

Trong quá trình phát triển, các bài bản cải lương đã được bổ sung thêm từ nguồn Dân ca, Hò, Lý. Và khi tiếp cận, giao lưu với sân khấu kịch hát Quảng Đông (Trung Quốc) và tân nhạc của phương Tây, cải lương cũng đã chọn lọc một số bài bản, dân tộc hóa để làm giàu thêm vốn âm nhạc sẵn có. Cùng lúc bổ sung thêm các bài bản, dàn nhạc dân tộc của cải lương đã biết cách tiếp nhận các nhạc cụ hiện đại. Những cây đàn vi-ô-lông, măng-đô-lin, ghi-ta của phương Tây được các nghệ sĩ Việt Nam khoét phím để khi chơi đàn, cung bậc và giai điệu phù hợp với dàn nhạc dân tộc đã có sẵn. Cho tới nay, cây đàn ghi-ta phím lõm là nhạc cụ chính của cải lương và đã trở thành cây đàn dân tộc của Việt Nam.

Đến với thành phố Thành Phố Hồ Chí Minh, bạn có thể thưởng thức nghệ thuật cải lương tại các nhà hát của thành phố hoặc các chương trình văn nghệ cuối tuần trên Kênh truyền hình của thành phố.

Top