Cần Giờ hướng đến thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái
(Chinhphu.vn) - Theo Nghị quyết vừa được Thành ủy TPHCM ban hành, đến năm 2030 huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở khu vực.
Trong đó, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển nhanh, đời sống người dân nâng cao, bộ máy quản lý nhà nước được tổ chức tinh gọn, hiệu quả.
Tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2030 của huyện tăng 20,7%/năm; đến năm 2030, tỷ trọng dịch vụ chiếm 74,7% tổng giá trị sản xuất; thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch đạt 100%.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thành ủy TPHCM xác định quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu dự trữ sinh quyền thế giới; trong đó triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030-2040 để Cần Giờ trở thành một hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.
Phát triển kinh tế Cần Giờ trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của địa phương ven biển; trong đó chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản chất lượng cao; có chính sách thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế, đặc biệt ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn có trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến vào các lĩnh vực dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch.
"Phát triển du lịch Cần Giờ theo định hướng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với những sản phẩm mang đặc trưng của thành phố biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. Đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, các điểm đến thuộc nhiều loại hình đặc sắc của vùng đất Cần Giờ với các trụ cột chính là du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng. Kết nối với các tuyến du lịch quốc tế thông qua cảng hành khách quốc tế trên luồng Sài Gòn-Vũng Tàu.
Hỗ trợ triển khai thực hiện "Dự án đầu tư mở rộng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ" theo quy hoạch được phê duyệt. Phấn đấu tổng lượng khách du lịch đến Cần Giờ giai đoạn 2021-2030 đạt 49 triệu lượt, tốc độ tăng bình quân 12,5%/năm," Nghị quyết chỉ rõ.
Nghị quyết của Thành ủy cũng đề ra giải pháp xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu trong thành phố xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường; triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội xã đảo Thạnh An.
Cụ thể, triển khai xây dựng 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu và mô hình xã nông thôn mới thương mại điện tử tại xã Bình Khánh; triển khai có hiệu quả Dự án phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh xã đảo Thạnh An đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tạo sự đột phá về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết hợp phát triển với Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, đưa Thạnh An trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu và là xã đảo xanh, sạch, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong công tác đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết xác định Thành phố chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan nghiên cứu, đầu tư phát triển hệ thông giao thông kết nối giữa các cực phát triển của huyện, giữa huyện với trung tâm thành phố và các tỉnh lân cận theo quy hoạch được duyệt; nâng cấp các tuyến đường nhánh nỗi trung tâm các xã Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Lý Nhơn với đường Rừng Sác; đường vành đai kết nối 4 xã phía Bắc; nút giao thông kết nối đường Rừng Sác với tuyến cao tốc Bến Lức- Long Thành.
Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết nhấn mạnh thu hút đầu tư xây đựng, đưa vào khai thác cảng biển tổng hợp, chuyên dùng, cảng hành khách quốc tế, cảng container trung chuyển quốc tế, gắn với các dịch vụ hỗ trợ tại các vị trí tiếp giáp sông Lòng Tàu, luồng Sài Gòn-Vũng Tàu, luồng Cái Mép-Thị Vải nhằm hình thành hạ tầng logistics kết nối liên thông các địa phương trong nước và quốc tế; mở rộng, nâng cao công suất các tuyến phà hiện hữu như phà Cần Giờ-Vũng Tàu, phả Cần Giờ-Cần Giuộc; quy hoạch, khai thác đồng bộ các tuyến phà kết nối xã Long Hòa, xã Lý Nhơn với thị trần Vàm Láng và xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; nghiên cứu phát triển đường trên cao đọc tuyến đường Rừng Sác vào Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, bảo đảm phát triển giao thông với bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan, môi trường khu vực.
Thành phố cũng xác định thúc đẩy phát triển văn hóa xã hội, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Đăng Khôi