Cần quan tâm tư vấn tâm lý học đường hậu COVID-19
(Chinhphu.vn) - Việc học trực tuyến kéo dài cùng nhiều xáo trộn, khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái âu lo, buồn chán. Khi chưa được lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời, không ít bạn trẻ rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý học đường, là nguy cơ tiềm ẩn nhiều hệ lụy.
Trở ngại từ nhiều phía
"Việc học trực tuyến và ở nhà quá lâu khiến em cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi vô cùng. Ba mẹ bận công việc, một mình em xoay xở với tâm trạng chán nản. Em muốn được lắng nghe nhưng chẳng có ai để tâm sự…".
"Em là người hướng nội, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, em càng thêm hoang mang. Có nhiều thắc mắc, lo lắng, em muốn tâm sự với gia đình nhưng chẳng ai nghe em. Bạn bè thì không được gặp, suốt ngày lẩn quẩn trong phòng, nhiều lúc em muốn bỏ học luôn".
"Cả gia đình nhiễm COVID-19, em thì không. Ai cũng đi cách ly tập trung, mình em ở nhà. Lúc đó em thấy chán nản vô cùng vì có gặp được ai để trò chuyện đâu. Em có bạn bè cũng không dám chia sẻ, sợ mấy bạn biết nhà mình F0. Rồi người thân qua đời vì COVID-19, lúc đó em thấy sốc, đau khổ vô cùng. Mọi thứ dồn lại, thực sự em không biết phải dựa vào đâu".
Đây là ba trong số rất nhiều mối lo mà không ít học sinh tham gia tọa đàm "Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng COVID-19" do báo Tiền Phong tổ chức đã mạnh dạn chia sẻ cùng các chuyên gia. Dịch bệnh xuất hiện với những tác động tiêu cực kéo dài đã và đang làm xáo trộn nếp sống, chuyện học hành, vui chơi của trẻ em. Đó là chưa kể những thiếu thốn, mất mát mà không ít trường hợp phải gánh chịu do mồ côi, đói ăn, chẳng thể tập trung học hành.
Theo Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay, suốt thời gian dài ngồi trước màn hình thiết bị điện tử, các em học sinh sẽ có cảm giác bị cô lập, xa cách, gây căng thẳng, lo âu. Từ đó trẻ dễ gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, cãi lại người lớn, luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi vì khó tập trung chú ý. Do khó quản lý hoạt động trực tuyến, học sinh dễ bị sa vào những trang tin giả hoặc lừa đảo trên mạng. Có em còn bị cám dỗ bởi trò chơi điện tử rồi "nghiện game" lúc nào không hay.
Bên cạnh gián đoạn việc học, vấn đề tinh thần của nhiều bạn trẻ trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 cũng bị tác động liên tục bằng số ca nhiễm, trở nặng, tử vong… Nhiều sự kiện không mong muốn liên tục diễn ra khiến tinh thần bị tổn hại, có trẻ liên tục mất ngủ, bị sang chấn tâm lý, trầm cảm kéo dài. Suốt thời gian dài tham vấn cho các trường hợp bị ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần COVID-19 và hậu COVID-19, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM nhận thấy nhiều mối lo, sự bức bách mà trẻ em đang gặp phải. Các trục trặc tâm lý thường gặp là có biểu hiện rối loạn lo âu hoặc có các dấu chứng trầm cảm từ nhẹ đến nặng.
Trẻ cần được lắng nghe nhiều hơn
Lấy dẫn chứng về một trường hợp học sinh lớp 10 vừa nhờ mẹ đến trường xin bảo lưu kết quả vì "không thể tiếp tục học nữa", Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4) cho rằng những tác động tiêu cực của học trực tuyến kéo dài trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch bệnh lên người học là không hề nhỏ. Từ một cá nhân đạt thành tích cao suốt những năm tiểu học, trung học cơ sở, sau mấy tháng tự xoay xở với các giờ học trực tuyến, em học sinh này cảm thấy buồn chán khi không được giao tiếp, gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Vấn đề nằm ở chỗ, khi em tâm sự với cha mẹ, gia đình bận bịu việc kinh doanh mà chưa lắng nghe, hỗ trợ kịp thời khiến các dấu hiệu lo âu, căng thẳng ngày một gia tăng.
Ngay cả khi được quay trở lại trường trong giai đoạn ngớt dịch, học sinh này cũng không còn thấy mong đợi, háo hức như trước kia. Mọi thứ trở nên xấu hơn khi em ngày càng có xu hướng sợ hãi việc học. Cuối cùng, em chọn giải pháp nhờ mẹ đến trường xin bảo lưu kết quả. Theo ông Đảo, có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý học đường, dịch bệnh kéo dài cũng nằm trong số đó vì hạn chế tiếp xúc/giao tiếp, nhu cầu mà đứa trẻ nào cũng cần: "Lúc ấy, các em cần được gia đình, phụ huynh và nhà trường lắng nghe để kịp thời hỗ trợ. Nếu can thiệp sớm sẽ hạn chế được các rủi ro. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần tìm cách làm thế nào để các em có thể thoát khỏi những vấn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng".
Một khảo sát nhỏ được Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, thực hiện ngay tại hội trường có hơn 400 học sinh THPT cho thấy rất ít em có thể chia sẻ với gia đình hay nhà trường khi gặp các vấn đề tâm lý như các chuyên gia vừa nói. Các em cũng ít nhận được sự hỗ trợ khi gặp những vấn đề tâm lý và tìm sự chia sẻ, đặc biệt có em còn nhận thấy mình bị bỏ mặc hay bị kỳ thị.
Bà Giang cho rằng, việc cần thiết bây giờ là sớm bắt tay vào các nghiên cứu, khảo sát để nắm được thông tin liên quan đến chất lượng hỗ trợ mà trẻ em, thanh thiếu niên nhận được khi gặp phải các vấn đề tâm lý. Theo bà Giang, cái khó hiện nay là cộng đồng chưa nhận thức rõ về sức khỏe tâm thần, chưa có sự quan tâm đúng mức. "Có nhiều học sinh khi thấy bạn mình bước ra từ phòng tư vấn tâm lý tại trường còn trêu chọc. Hay có những phụ huynh không chấp nhận việc con mình đang gặp phải vấn đề về tâm lý. Điều này càng khiến vấn đề trở nên khó khăn hơn. Nếu học sinh không tìm đến các chuyên gia khi gặp vấn đề, ai sẽ giúp các em đây? Trong mỗi gia đình, người ta hay chú trọng tủ thuốc cá nhân để chăm sóc sức khỏe nhưng chăm lo cho các vấn đề tâm lý thì lại chưa", bà Giang phân tích thêm.
Thạc sĩ tâm lý Cao Thị Thùy Trang, giảng viên Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng cho rằng, việc không được lắng nghe đúng lúc cần chia sẻ khiến nhiều bạn trẻ trở nên rụt rè, chẳng biết dựa vào ai khi bước đầu xuất hiện dấu hiệu căng thẳng, trầm cảm: "Nhiều người không tin các em đang gặp vấn đề cần giúp đỡ và có những nhận xét kiểu như "Nó làm biếng đó cô", "Mày lười học chứ gì? Tao thấy mày lười học chứ có bệnh gì đâu"… Có một sự thật, nếu chúng ta gãy tay, gãy chân hay đau ruột thừa thì rất nhiều người quan tâm nhưng những vết thương về tinh thần, những tổn thương về tâm lý thì vô hình và chúng khó nhìn thấy được. Khi không ai quan tâm đúng lúc, nhiều bạn cố cho qua và nghĩ rằng mình ổn nhưng mọi chuyện đâu đơn giản như vậy".
Vậy nên, thạc sĩ Trang cho rằng, bước đầu tiên bạn trẻ cần làm là lắng nghe cơ thể để sớm nhận diện những dấu hiệu kiệt sức tinh thần, tổn thương tâm lý. Khi thấy rõ ràng bản thân có vấn đề về tâm lý, hãy nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ thông qua nhiều kênh kết nối như gia đình, bạn bè, thầy cô. Còn Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Quận 8) thì đánh giá rất cao tầm quan trọng của chuyên viên tư vấn tâm lý học đường trong việc hỗ trợ học sinh tháo gỡ khó khăn về mặt tinh thần. Khi học sinh muốn được lắng nghe, giúp đỡ, các thầy cô phụ trách công tác này cần thể hiện tốt nhất vai trò kết nối, tháo gỡ khó khăn, giúp các em cảm thấy an tâm, từng bước tháo gỡ vấn đề đang gặp phải./.
Khởi Minh