Chủ động, chuẩn bị kỹ để triển khai dự án đường Vành đai 3
(Chinhphu.vn) - Theo Chủ tịch UBND TPHCM, đường Vành đai 3 đi qua TPHCM và các tỉnh, thành phố nơi có tốc độ đô thị hóa rất cao, mật độ cư dân dày, nên việc giải phóng mặt bằng là khó khăn. Nếu không chủ động, không chuẩn bị kỹ các bước công việc thì sẽ ảnh hưởng tiến độ xây dựng và cũng cần cơ chế phối hợp giữa các địa phương với các bộ, ngành.
Chiều 15/7, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai dự án đường Vành đai 3. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi khẳng định, chủ trương xây dựng đường Vành đai 3 là quyết sách quan trọng, phát triển hạ tầng giao thông cho Thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; mở ra không gian mới, động lực mới cho sự phát triển của Vùng; đồng thời, giúp TPHCM giữ vững vị thế vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Đây là dự án rất lớn về quy mô, về khối lượng công việc, diễn ra tại 4 địa phương như TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Thời gian triển dự án ngắn, dự kiến cơ bản thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025, hy vọng hoàn thành dự án trong năm 2026, như vậy chỉ có 3,5 năm để thực hiện.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền Thành phố, đường Vành đai 3 đi qua TPHCM và các tỉnh, thành phố nơi có tốc độ đô thị hóa rất cao, mật độ cư dân dày, nên việc giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn. Nếu không chủ động, không chuẩn bị kỹ các bước công việc thì sẽ ảnh hưởng tiến độ xây dựng và cần cơ chế phối hợp giữa các địa phương với các bộ, ngành. Chính vì vậy, ngay sau khi Quốc hội thông qua, TPHCM với vai trò đầu mối đã tổ chức một cuộc họp với các tỉnh, thống nhất được kế hoạch và quy chế phối hợp giữa các địa phương. Thành phố cũng đã đang tham mưu Chính phủ có Nghị quyết về triển khai dự án này. Theo thông tin từ Bộ KH&ĐT thì trong tháng 7 này, Chính phủ sẽ có Nghị quyết.
Ông Mãi cho biết thêm, vừa rồi, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi kiểm tra các dự án trọng điểm phía nam có giao nhiệm vụ cho TPHCM và các địa phương cố gắng khởi công dự án vào tháng 6/2023, sớm hơn dự kiến là cuối năm 2023. Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị khẩn trương thực hiện các công việc, tính toán các điều kiện để có thể khởi công vào tháng 6/2023.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 có quy mô khoảng 76,34 km, chia thành 08 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Nhu cầu sử dụng đất khoảng là 642,7 ha (TPHCM 408,81 ha, Đồng Nai 65 ha; Bình Dương 119,35 ha; Long An 49,54 ha). Số hộ bị ảnh hưởng là khoảng 3.863 hộ, số hộ tái định cư khoảng 1.476 hộ (trong đó địa bàn Thành phố, số hộ bị ảnh hưởng khoảng 2.377 hộ, số hộ tái định cư khoảng 741 hộ).
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) của dự án là 75.378 tỷ đồng (bao gồm: Giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 14.322 tỷ đồng).
Ủy ban nhân dân TPHCM là cơ quan chủ quản 02 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1: Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TPHCM (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc), với tổng mức đầu tư là 22.412 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua TPHCM với tổng mức đầu tư là 25.610 tỷ đồng.
Ngày 14/7, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 2376 giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 trên địa bàn TPHCM cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông.
Anh Thơ