Chuẩn bị nhiều chiến lược quan trọng để TPHCM trở lại trạng thái "bình thường mới"

15/09/2021 9:00 AM

(Chinhphu.vn) - Hội nghị lần thứ 8 mở rộng Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) chiều 14/9 thống nhất cao với nhiều chiến lược và kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TPHCM từ sau 15/9.

Hội nghị lần thứ 8 mở rộng Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025)

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tới điểm cầu tại TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 và thảo luận, cho ý kiến về tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND TPHCM về kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TPHCM từ sau 15/9.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh đây là kế hoạch rất quan trọng không chỉ đối với TPHCM mà còn tác động đến cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cơ sở pháp lý để TPHCM chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, từng bước thực hiện các giải pháp và thực thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra.

TPHCM đạt nhiều kết quả tích cực

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, hội nghị đã thống nhất nhận định, trong hơn 1 tháng qua, đặc biệt là thời gian 3 tuần tăng cường thực hiện giãn cách triệt để từ ngày 23/8, toàn hệ thống chính trị cùng với nhân dân TPHCM đã chấp hành, thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời TPHCM thực hiện hướng dẫn chuyên môn từ Bộ Y tế, hướng dẫn của các ban, bộ ngành Trung ương trong quá trình thực hiện các giải pháp phòng chống dịch trên địa bàn thành phố.

Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá, TPHCM đã tổ chức thực hiện một cách triệt để nghiêm ngặt, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, huy động lực lượng xét nghiệm trên diện rộng một cách “thần tốc” theo kế hoạch đề ra. Đến nay các quận huyện đã thực hiện xét nghiệm xong 3 giai đoạn đã xét nghiệm được 7,4 triệu mẫu, phát hiện 189.000 F0 và tổ chức thu dung, phân loại, phát thuốc điều trị kịp thời cho F0.

Bên cạnh đó, đã tập trung chuyển trọng tâm điều trị xuống cơ sở, thành lập 512 trạm y tế lưu động, bổ sung tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị… đáp ứng ngày càng tốt tại tuyến cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá TPHCM đặc biệt quan tâm công tác an sinh xã hội. Trong đó nhiều địa phương đã chủ động vận động chăm lo kịp thời cho người dân gặp khó khăn. Có nhiều nơi huy động, tiếp nhận và phân phối rất nhiều nguồn từ thiện để chung tay chăm lo cho người dân. TPHCM cơ bản giải quyết kịp thời vấn đề đảm bảo lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu, không để người dân quá khó khăn, thiếu thốn.

Đặc biệt, TPHCM đã mở lại 2 điểm tập kết trung chuyển hàng hóa ở chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn nhằm bổ sung nguồn hàng hóa cung ứng cho thành phố cũng như nối lại chuỗi cung ứng từ 37 tỉnh, thành trong cả nước.

Về các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, đến nay TPHCM đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó có 3 quận huyện gồm Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ cơ bản đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh. Nhiều quận huyện đang tiến tới ngưỡng tiêu chí kiểm soát dịch bệnh. Trên 60% địa bàn dân cư, tổ dân phố đã trở thành “vùng xanh”, “cận xanh”. 

Tiếp tục các nhiệm vụ trọng tâm

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh một số điểm. Trong đó tiếp tục tăng cường các nhiệm vụ, biện pháp phòng chống dịch theo Nghị quyết 86 của Chính phủ và các công điện của Thủ tướng Chính phủ. TPHCM tiếp tục giãn cách xã hội vì đây là yếu tố quyết định để ngăn chặn, kiểm soát nguồn lây ra cộng đồng.

Đồng thời, tiếp tục xét nghiệm trên diện rộng theo tinh thần “thần tốc” đúng theo kế hoạch đề ra. Đây cũng là nhiệm vụ then chốt để kịp thời phát hiện F0 trước khi lây lan ra cộng đồng. Đặc biệt, ưu tiên hàng đầu là TPHCM tiếp tục điều trị để giảm tử vong. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, hiện tại số người tử vong vẫn còn cao, các trung tâm hồi sức điều trị cho người bệnh nặng còn nhiều. 

Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý việc tiếp thu ý kiến để hoàn thiện các kế hoạch, chiến lược phục hồi kinh tế sau ngày 15-9. Về cơ bản, Thành ủy TPHCM bày tỏ, thống nhất cao với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND TPHCM và đánh giá rất cao các kế hoạch, chiến lược trong dự thảo.

Theo đồng chí, hội nghị đã thống nhất một số quan điểm, phương châm chỉ đạo. Trên tinh thần đó là, trong quá trình phòng chống dịch COVID-19, mục tiêu tối thượng của TPHCM là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Vì thế, khi tình thế buộc phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, luôn luôn phải tính đến các yếu tố làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và “sức khỏe” nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi tình hình đã cơ bản kiểm soát được có nghĩa là nguy cơ đã giảm dần, TPHCM thực hiện kế hoạch, chiến lược phục hồi kinh tế. Trong đó TPHCM từng bước mở cửa nền kinh tế, đó là yêu cầu cấp thiết. Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đây không chỉ là trách nhiệm của TPHCM đối với khu vực, đối với cả nước mà còn là trách nhiệm trong quá trình đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chọn một số quận huyện, khu vực hoạt động trở lại và có kiểm soát

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh:Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu, phương châm của TPHCM là không quá chậm so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra khi có cơ hội nhưng không được chủ quan, nôn nóng, thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, không mở cửa nếu chưa an toàn. “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh tại hội nghị.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, hội nghị thống nhất phương án vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bởi những việc TPHCM đã và đang làm chưa có tiền lệ, nhiều nước trên thế giới vẫn căn cứ vào tình hình dịch bệnh mà có những giải pháp, phương châm phù hợp với tình hình.

Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đánh giá cao lãnh đạo huyện Cần Giờ, Củ Chi và Quận 7 đã cam kết quyết tâm cùng Đảng bộ TPHCM để bảo đảm cho được các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn, đồng thời xúc tiến ngay các hoạt động mở cửa đón khách du lịch trong thời gian tới. Đồng chí đánh giá Quận 7 có điều kiện không giống như 2 huyện Cần Giờ và Củ Chi nên thận trọng hơn và cần có thời gian chuẩn bị chắc chắn hơn.

Ngoài 3 địa phương này, còn nhiều địa phương khác đang ấp ủ để từng bước thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách.

Dự kiến có 14 chiến lược quan trọng để trở lại "bình thường mới"

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, Thành ủy TPHCM thống nhất cao với hơn 11 nội dung chiến lược trong kế hoạch mà Ban Cán sự đảng UBND TPHCM trình tại hội nghị. Trong đó, chiến lược về y tế và giãn cách xã hội; chiến lược phục hồi kinh tế; về an sinh xã hội; đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm cho người dân; công tác đảm bảo các vấn đề xã hội cho nhân dân; công tác huy động các nguồn lực; ứng dụng khoa học công nghệ; giáo dục đào tạo; chăm sóc sức khoẻ tinh thần; công tác thông tin truyền thông; đối ngoại, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời đồng chí Nguyễn Văn Nên thông tin, Thường vụ Thành ủy TPHCM giao các ban, đảng thực hiện thêm 2 chiến lược về công tác dân vận trong tình hình mới và chiến lược tăng cường xây dựng, củng cố kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở. Đồng chí cũng gợi ý đề nghị thêm chiến lược công tác tư tưởng trong tình hình mới.

Đặc biệt, Ban Cán sự đảng UBND TPHCM sớm ban hành các chính sách đối với các doanh nghiệp khi phục hồi kinh tế; các chính sách nhằm thu hút mọi nguồn lực xã hội vào lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhất là hệ thống y tế. Đồng thời rà soát các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM đề ra cho phù hợp với giai đoạn mới.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, trong các chiến lược, chiến lược về y tế là trung tâm. Hiện nay trong phòng chống dịch, chiến lược này quan trọng nhất. Bí thư Thành ủy TPHCM gợi ý, trong chiến lược cần đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, thực trạng của hệ thống y tế TPHCM.

Đồng thời lưu ý trong chiến lược y tế cũng phải nêu lên đặc điểm dân số, điều kiện sống, những điều kiện tiếp cận y tế của người dân trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời quan tâm đến cơ chế phòng bệnh, yếu tố lao động, nhà ở trong từng khu vực hiện nay… Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, trong từng khu vực có nhiều nơi khi phòng chống dịch COVID-19 phát hiện nhiều bất cập, rất đáng lo ngại… Đây là những nơi đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức rất lớn nếu xuất hiện dịch bệnh với những chủng mới.

Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý thêm về đặc biệt của hệ thống y tế cơ sở tính từ trạm y tế phường, xã đến trung tâm y tế các quận huyện, các bệnh viện tuyến quận huyện đến cấp thành phố, trung ương… Trong chiến lược này cần điểm lại, đánh giá lại, rà soát lại để sắp xếp lại. Thực tế, trong phòng chống dịch đã bộc lộ ra những điểm yếu mà TPHCM cần khắc phục sớm đối với hệ thống y tế.

Trước mắt, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị, mở một cơ chế cho tất cả người dân đều có thể tiếp cận hệ thống y tế thuận tiện, công bằng. Hiện nay, những bệnh nhân mắc các loại bệnh khác, không phải mắc COVID-19 đang gặp khó khăn khi tiếp cận y tế, thuốc men khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội. Các bệnh viện, trạm xá, phòng khám tư phải mở cửa để hoạt động nhanh nhất có thể.

Bí thư Thành ủy TPHCM đặc biệt lưu ý việc cấp bách thứ hai trong chiến lược y tế những ngày tới là hạn chế tử vong. Đồng thời, củng cố nhân lực của ngành.

Đồng chí lưu ý triển khai gói an sinh thứ ba phải định ra tiêu chí cho phù hợp, lên danh sách cụ thể và có hội đồng xét duyệt danh chính ngôn thuận, đảm bảo tính pháp lý và công bằng. Việc chi hỗ trợ phải công khai, minh bạch cho người dân.

Theo SGGP

Top