Chung kết khởi nghiệp khu vực phía Nam: Sản phẩm công nghệ lên ngôi
(Chinhphu.vn) - Hai dự án được vinh danh nhất, nhì ở vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Khu vực phía nam do VCCI tổ chức ngày 11/11 vừa qua tại TPHCM đều đến từ các nhóm sinh viên thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học và hóa phân tích.
Nếu chỉ chạy theo xu hướng mà không có quy trình hoàn chỉnh, chặt chẽ hoặc hệ thống quản lý hiệu quả thì về lâu dài, startup khó có thể cạnh tranh, tồn tại và phát triển. |
Nông nghiệp và thực phẩm: Thị trường tiềm năng cho sản phẩm công nghệ
Sau 4 tiếng tranh tài căng thẳng giữa các đội thi và trực tiếp thuyết trình, trả lời chất vấn trước Ban giám khảo, giải nhất của cuộc thi Khởi nghiệp phía Nam 2018 đã thuộc về nhóm sinh viên Đại học Mở TPHCM, với các chế phẩm vi sinh dùng ủ đất trồng trọt và thức ăn chăn nuôi nhằm tăng chất lượng cho cây trồng, vật nuôi.
Đáng chú ý, các chế phẩm của dự án được những nhà sáng chế trẻ nghiên cứu, sản xuất còn hướng đến mục tiêu giúp giảm thiểu lượng hóa chất độc hại phát thải ra môi trường do hoạt động canh tác hóa học và chất thải trong nuôi trồng gia súc, gia cầm, thủy hải sản... Từ đó góp phần giảm bớt hiệu ứng nhà kính lên môi trường sống.
Dự án cũng nhận được nhiều “phiếu thuận” nhờ liên tục giải đáp lưu loát các câu hỏi “hóc búa” về mặt công nghệ sinh học từ một số giám khảo “có nghề”. Một điểm cộng khác cho dự án trên là khả năng cạnh tranh lớn với nhiều mặt hàng cùng chủng loại hiện đang có mặt trên thị trường xét về hiệu quả kinh tế với người trồng trọt, chăn nuôi.
Cụ thể, với chế phẩm vi sinh được bán ở mức giá 140 nghìn đồng/kg như dự kiến, người dùng có thể ủ được 5 tấn thức ăn chăn nuôi. Như vậy, đây đã là lợi thế lớn so với một số sản phẩm đối thủ khác - có giá dù rẻ hơn vài chục phần trăm nhưng chỉ có thể ủ được 200kg-500kg.
Giải nhì của cuộc thi đã thuộc về Dự án Test Kit của nhóm sinh viên ngành hóa phân tích từ Đại học Thủ Dầu Một.
Đây là nhóm khởi nghiệp ấp ủ ý tưởng sản xuất 5 chế phẩm có thể dùng để kiểm tra, tìm kiếm dấu vết của hàn the, cacbon, ure, thuốc bảo vệ thực vật và phẩm màu độc hại trên thực phẩm - những hiện tượng mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây quan ngại lớn nhất cho nhiều người tiêu dùng hiện nay.
Sản phẩm được nhóm “chủ dự án” công bố có độ nhạy gấp nhiều lần những mặt hàng tương tự đang có trên thị trường. Theo đó, nếu như một số mẫu thử phổ biến có thể phát hiện lượng hàn the ở mức 50ppm thì sản phẩm của Test Kit có độ nhạy gấp 10 lần, tức có thể phát hiện hàn the ở mức 5ppm.
Hai giải khuyến khích được trao cho các dự án ứng dụng công nghệ để khai thác tài nguyên bản địa từ khu vực nông nghiệp, gồm: Thực phẩm - dược liệu từ cây đinh lăng sạch (Đại học Nông lâm TPHCM) và Xà phòng thiên nhiên Verde (Đại học Đồng Tháp).
Giải ba được trao cho “Ứng dụng trao đổi sách cũ” được vận hành trên nền tảng kinh tế chia sẻ (Đại học Mở TPHCM).
Những dấu “chấm lửng” cần được “làm đầy”
Trên vị trí “ghế nóng”, nhiều giám khảo từng đồng hành cùng cuộc thi những năm qua là các nhà quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp đều cho rằng dù đã tiến bộ nhiều so với các năm trước, nhưng nhìn chung các dự án khởi nghiệp vẫn mới ở tâm thế “đi thi”, chưa quan tâm nhiều tới tính “khả thi”.
Nếu như điểm mạnh của các dự án là đều có “bí kíp” công nghệ riêng nổi trội và đặc thù thì yếu điểm chung lại là phân tích tài chính doanh nghiệp còn sơ sài, nặng phần lý thuyết “sách vở”.
Ngoài ra, các hoạt động quản trị khác trong doanh nghiệp cũng chưa được “quy thóc” một cách cụ thể để có bài toán lãi-lỗ thực sự thuyết phục nhà đầu tư góp vốn. Vì vậy, có những lần “chủ dự án” đã phải “ngắc ngứ” trước đề xuất táo bạo của giám khảo kiểu như “nếu tôi đầu tư 200 triệu đồng thì sẽ có vị trí nào ở doanh nghiệp này?” hay “hơn chín mươi mấy phần trăm vốn dành để đầu tư thiết bị, máy móc và mở rộng thị trường, vậy còn các chi phí hoạt động khác của doanh nghiệp thì sao???”.
“Các bạn nói công ty có doanh thu lên tới chục tỷ đồng nhưng chi phí hoạt động lại chỉ có mấy trăm triệu là hơi thiếu hợp lý. Các chi phí về marketing, khấu hao, thuê văn phòng, nhân công, máy móc thiết bị… cũng chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng chi phí vận hành của doanh nghiệp nhưng gần như chưa được nói tới”, ông Hà Huy Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp Phía Nam (VCCI) – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình - nêu ví dụ về hiện tượng xa rời thực tiễn kinh doanh.
Còn theo bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giao nhận Vận tải Mỹ Á - với yêu cầu sẽ còn khắt khe hơn nhiều lần ở vòng chung kết cấp quốc gia, các dự án đã giành giải cao ở phía Nam vẫn cần được hoàn thiện thêm rất nhiều về các kế hoạch marketing, nhân sự, sản xuất, tài chính…
“Tất cả phải được định lượng hết, từ nguồn vốn đầu tư là bao nhiêu, cơ cấu vốn thế nào, chủ dự án bỏ ra bao nhiêu, phần nào kêu gọi các cổ đông khác, phần nào từ quỹ đầu tư, bao nhiêu là vốn vay ngân hàng. Phần vốn rót cho từng chặng phát triển của doanh nghiệp cũng phải có cấu trúc phân bổ chi tiết, bao nhiêu cho tài sản cố định, bao nhiêu cho vốn lưu động, bao nhiêu cho quỹ lương…”, nhà quản trị doanh nghiệp logistics nhiều năm song hành cùng cuộc thi giải thích thêm đồng thời cho hay Hội đồng tư vấn Khởi nghiệp Phía Nam (VCCI) sẽ mời các nhóm có dự án đạt giải tới để nghe cụ thể nhằm giúp biến những ý tưởng trên giấy có thể vận hành được vào thực tế.
Nhìn chung, các giám khảo đều thống nhất “bỏ phiếu” cho những sản phẩm đã “thành hình”, được thương mại hóa và đưa ra thị trường thực sự. Bởi điều này bước đầu sẽ góp phần khẳng định được tính khả thi và giá trị thực tế của dự án khởi nghiệp.
Phương Hiền