Công an TPHCM: Người dân cần vốn nên vay ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính được cấp phép
(Chinhphu.vn) - Hơn 32 app cho vay tiền online hoạt động với phương thức, thủ đoạn đòi nợ mang tính chất đe dọa, khủng bố nhằm gây áp lực để người vay phải trả tiền bị Công an TPHCM phát hiện.
Chủ của hơn 32 app cho vay tiền online hầu hết là người nước ngoài
Theo Công an TPHCM, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an Thành phố phát hiện có rất nhiều quảng cáo về các ứng dụng (app) cho vay tiền online, không cần thế chấp, không cần làm hồ sơ vay...; cách thức cài đặt ứng dụng đơn giản, người dân có nhu cầu cần vay tiền chỉ cần thao tác trên điện thoại để tải và cài đặt theo hướng dẫn mà không biết rằng để được vay tiền phải cho phép ứng dụng đó truy cập vào danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân và thu thập thông tin người dùng thiết bị...; thời hạn thanh toán ngắn hạn trong vòng từ 7 đến 10 ngày với lãi suất cao (biến tướng gọi là "thu phí dịch vụ").
Khi người vay tiền không trả nợ đúng hạn, nhân viên sẽ tiến hành gọi điện thoại, nhắn tin để nhắc nợ; trường hợp khách vay không trả hoặc cắt liên lạc thì nhân viên sẽ gọi điện thoại đe dọa, "khủng bố" người thân, bạn bè của người vay để gây áp lực buộc trả tiền.
Bên cạnh đó, các nhóm đối tượng sẽ trực tiếp hoặc thuê người hủy hoại tài sản của người vay tiền bằng nhiều hình thức (tạt sơn, tạt chất bẩn…), gây mất an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.
Trước thực trạng trên, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự xác lập chuyên án mang bí số "223CĐ", phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, các cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an thành phố Cần Thơ tập trung lực lượng đấu tranh với nhóm đối tượng hoạt động công nghệ cao đe dọa, khủng bố tinh thần người vay.
Kết quả, Công an Thành phố đã xác minh thu thập tài liệu, xác định hơn 32 app cho vay tiền online hoạt động với phương thức, thủ đoạn đòi nợ mang tính chất đe dọa, khủng bố theo nhiều cấp độ, nhằm gây áp lực để người vay phải trả tiền.
Quá trình điều tra còn phát hiện người đứng đầu (chủ các app cho vay) thường là người nước ngoài, tạo và điều hành nhiều app cho vay; thuê nhân viên người Việt Nam làm giám đốc điều hành; phân công thành nhiều bộ phận như bộ phận thẩm định vay, bộ phận quản lý hệ thống, bộ phận nhắc nợ và thu nợ đúng hạn, bộ phận quản lý nhân viên đòi nợ, bộ phận bán nợ (sau khi đòi nợ không hiệu quả sẽ bán nợ cho các công ty luật núp bóng, công ty mua bán nợ, công ty tài chính... để tiếp tục đòi nợ bằng các thủ đoạn gọi điện khủng bố, đe dọa người thân, ghép ảnh vu khống đăng lên mạng xã hội nhằm bôi xấu, hạ thấp uy tín danh dự người vay và người thân).
Khởi tố 11 đối tượng về tội "Cưỡng đoạt tài sản"
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TPHCM đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 11 đối tượng là Giám đốc, trưởng nhóm, nhân viên của các công ty Tiếng nói hay, Golden, Bamboo và các app cho vay tài chính về tội "Cưỡng đoạt tài sản" với thủ đoạn như trên gồm: Nguyễn Mạnh Hải (sinh năm 1993, hộ khẩu thường trú: tỉnh Khánh Hòa, Giám đốc Công ty Tiếng nói hay), Vũ Ngọc Minh Khánh (sinh năm 1995; hộ khẩu thường trú: Quận 7; Trưởng nhóm công ty Tiếng nói hay), Nguyễn Thị Thùy Vân (sinh nam 1995; hộ khẩu thường trú: Quận 7), Trần Chí Hào (sinh năm 1997, hộ khẩu thường trú: Quận 6, nơi ở hiện nay: quận Bình Tân), Châu Khả Nghi (sinh năm 1997, hộ khẩu thường trú: quận Bình Tân), Trần Thị Mai (sinh năm 1996, hộ khẩu thường trú: tỉnh Ninh Thuận, nơi ở hiện nay: thành phố Thủ Đức), Trần Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Cẩm Hồng (sinh năm 2001; hộ khẩu thường trú: tỉnh Trà Vinh; nơi ở hiện nay: tỉnh Tây Ninh), Trần Tân Tiến (sinh năm 1987, hộ khẩu thường trú: tỉnh Đồng Nai, nơi ở hiện nay: quận Bình Thạnh), Nguyễn Vạng Trung (sinh năm 1991, hộ khẩu thường trú: quận Bình Thạnh), Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1997, hộ khẩu thường trú: tỉnh Vĩnh Long, nơi ở hiện nay: Quận 7). Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Thành Phố Hồ Chí Minh tiếp tục đấu tranh mở rộng, truy xét bắt giữ các đối tượng giúp sức hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Cưỡng đoạt tài sản".
Qua các vụ việc đã khám phá trong thời gian qua và tình hình cho vay qua các ứng dụng trên không gian mạng, Công an TPHCM khuyến cáo, đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, khi cần nguồn vốn làm ăn, kinh doanh nên liên hệ ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động để vay với lãi suất phù hợp theo quy định.
Không nên vay tiền qua các ứng dụng di động trên không gian mạng hoạt động trái phép sẽ có nguy cơ bị lộ lọt thông tin, danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân và để các đối tượng quấy rối, cố ý hư hỏng tài sản gây ảnh hưởng đến bản thân và gia đình. Ngoài ra, các đối tượng có thể sẽ bán thông tin cá nhân cho các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo hoặc thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.
Ngọc Tấn