Ngày 25-9, bên lề phiên thảo luận cấp cao chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69 ở New York, Mỹ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã tổ chức cuộc họp cấp cao, bàn về dịch bệnh Ebola, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama và nguyên thủ quốc gia, trưởng đoàn đại biểu các nước Liberia, Guinea và Sierra Leone đang có mặt ở New York để tham dự phiên thảo luận cấp cao chung kể trên.
Phát biểu trước các đại biểu, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết bất chấp những cố gắng không mệt mỏi của các quốc gia đang bị dịch bệnh Ebola hoành hành ở khu vực Tây Phi, cũng như sự làm việc tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ, song mỗi ngày qua đi, dịch bệnh nguy hiểm này lại cướp đi sinh mạng của khoảng 200 người, trong đó 2/3 là phụ nữ và trẻ em.
Ông Ban Ki-moon cho biết nhiều quốc gia đang quyết tâm chống sự lây lan của virus Ebola bằng cách đóng cửa biên giới, ngừng các chuyến bay thương mại tới những nước đang có dịch, hay hạn chế tối đa việc tàu biển cập cảng các nước này. Theo ông, tại thời điểm hiện tại, tuyệt đối không nên "cách ly" các nước có dịch, bởi hơn bao giờ hết, lúc này các nước ấy đang rất cần sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Tính đến nay, dịch bệnh Ebola đã cướp đi mạng sống của 300 cán bộ, nhân viên y tế, song các chuyên gia y tế của Liên hợp quốc đã và đang rất sẵn sàng có mặt tại các quốc gia Tây Phi để giúp dập dịch, và hiện đã có không ít hơn 4.000 lá đơn tình nguyện vì mục đích nhân đạo cao cả này.
Theo ông, nếu không sớm dập được dịch bệnh này, khu vực Tây Phi sẽ đối mặt với một thảm họa nhân đạo vô cùng thảm khốc. Ông cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, mọi cuộc khủng hoảng khu vực nếu không được giải quyết tận gốc một cách sớm nhất, nó sẽ nhanh chóng biến thành cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu, vì thế, dập dịch Ebola sẽ là lợi ích chung của toàn thế giới.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, nếu không sớm được chặn lại, chỉ đến đầu tháng 11 tới, căn bệnh Ebola sẽ lây lan không dưới 20.000 người.
Ngày 27-9, Senegal - nước đóng cửa biên giới với Guinea hồi tháng 8 nhằm ngăn chặn dịch Ebola lây lan - cho biết đã thiết lập một hành lang nhân đạo bằng đường hàng không nhằm giúp đẩy nhanh hoạt động viện trợ cho các nước bị dịch bệnh Ebola.
Trước đó, hồi đầu tháng này, Cote d’Ivoire - cũng đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn Ebola lây lan - đã thiết lập một hành lang nhân đạo tới Guinea và Liberia láng giềng.
Ngày 25-9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua nhanh khoản viện trợ 130 triệu USD cho cuộc chiến chống dịch Ebola ở các quốc gia Tây Phi đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Khoản viện trợ trên sẽ được chuyển giao ngay lập tức cho ba nước Guinea, Liberia và Sierra Leone với khoản tiền tương ứng từng nước là 41 triệu USD, 49 triệu USD và 40 triệu USD.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng công bố tăng thêm 170 triệu USD viện trợ cho chiến dịch chống Ebola, nâng tổng số tiền tổ chức này cam kết viện trợ lên 400 triệu USD.
Chính phủ Canada cũng đã thông báo góp thêm 30 triệu USD vào nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy lùi dịch bệnh Ebola ở châu Phi.Khoản viện trợ này tập trung vào ba lĩnh vực chính gồm chữa trị cho các bệnh nhân Ebola tại các cơ sở y tế cộng đồng; ngăn chặn virus Ebola lây lay thông qua truyền thông xã hội và giáo dục sức khỏe; cung cấp lương thực, chất dinh dưỡng và dịch vụ y tế không liên quan trực tiếp tới Ebola.
Trong khi đó, Cuba thông báo sẽ cử thêm khoảng 300 bác sỹ và y tá tới các quốc gia Tây Phi để hỗ trợ cuộc chiến chống virus Ebola, nâng tổng số nhân viên y tế của nước này sẽ tham gia nỗ lực quốc tế chống Ebola lên 461 người. Theo kế hoạch, lượt y bác sỹ Cuba đầu tiên gồm 165 người sẽ tới Sierra Leone vào đầu tháng Mười. Đợt thứ hai gồm 296 nhân viên y tế sẽ tới Liberia và Guinea.
Liên hợp quốc và WHO ngày 16-9 vừa qua đã đưa ra thông báo cần quyên góp 1 tỷ USD trong 6 tháng tới nhằm ngăn chặn dịch bệnh, chữa trị người bị nhiễm, đảm bảo các dịch vụ quan trọng, giữ sự ổn định và ngăn chặn dịch bệnh tại các nước chưa bị ảnh hưởng.
Ngày 26-9, chuyên gia và viện sĩ về sức khỏe cộng đồng ở 16 nước châu Âu gồm ( Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hungary, Ireland, Israel, Italy, Pháp, Serbia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh) kêu gọi chính phủ các nước này huy động những nguồn lực lớn để dập dịch Ebola đang hoành hành ở Tây Phi và có nguy cơ đe dọa toàn thế giới.
Liên minh châu Âu (EU) cam kết hỗ trợ 150 triệu euro (190 triệu USD); Mỹ đã chi 100 triệu USD cho các nỗ lực này; Ngân hàng Thế giới cam kết 200 triệu USD; Ngân hàng Phát triển Tây Phi hỗ trợ 60 triệu USD. WHO, Tổ chức Bác sĩ không biên giới, Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Phi đã cử vài trăm nhân viên y tế đến Tây Phi và cam kết tiếp tục đưa nhân viên đến khu vực này hỗ trợ dập dịch.
Theo số liệu thống kê mới nhất được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố mới nhất, đã có trên 3.300 người tử vong trong tổng số trên 7.000 ca nhiễm virus Ebola ở 5 quốc gia Tây Phi đang bị dịch bệnh này hoành hành.
Liberia tiếp tục là "tử địa" của bệnh nhân nhiễm Ebola với 1.830 ca tử vong, trong khi ở Guinea là 648 ca và Sierra Leone là 622 ca. Hai quốc gia khác cũng nằm trong vùng dịch là Nigeria và Senegal tiếp tục thông báo không có ca nhiễm mới hay tử vong do Ebola.
NS (Tổng hợp)