DN công nghiệp hỗ trợ chủ động nắm bắt cơ hội, tham gia chuỗi cung ứng

12/12/2023 9:36 AM

(Chinhphu.vn) - Doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực nguồn lao động chất lượng cao, từng bước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong chuỗi giá trị toàn cầu.

DN công nghiệp hỗ trợ chủ động nắm bắt cơ hội, tham gia chuỗi cung ứng- Ảnh 1.

TPHCM đã ban hành chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) ngành cơ khí-tự động hóa giai đoạn năm 2020-2030, trong đó hỗ trợ kết nối với DN FDI thông qua hàng loạt hoạt động xúc tiến giao thương - Ảnh: VGP/Anh Lê

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng, ngành công nghiệp luôn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu tăng trưởng kinh tế của thành phố. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đạt trung bình 7,83%. Điều này cho thấy sự nỗ lực vươn lên rất lớn từ phía doanh nghiệp (DN). Việc chủ động nâng cao năng lực sản xuất của DN góp phần gia tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh vốn đầu tư ngoại đang tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam như hiện nay.

Để nắm bắt và tận dụng được các cơ hội hơn nữa, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho rằng, DN cần chủ động đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực nguồn lao động chất lượng cao, từng bước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm CNHT trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Về phía Thành phố đã ban hành chương trình hỗ trợ các DN và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa giai đoạn năm 2020-2030. Xác định danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành cơ khí - tự động hóa giai đoạn 2021-2025 để có giải pháp thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, ngoài những hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi thông qua chương trình kích cầu, DN còn được hỗ trợ kết nối DN FDI thông qua hàng loạt hoạt động xúc tiến giao thương, kết nối trực tiếp đơn hàng…

Nhiều ý kiến của các DN ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ của Thành phố đề xuất, bên cạnh việc xây dựng hay liên kết để hình thành các nhóm sản phẩm chủ lực thì các cơ quan chức năng cần có giải pháp để DN FDI hỗ trợ DN trong nước được mua hoặc chuyển giao các công nghệ lõi, công nghệ đặc biệt của ngành, của nhóm sản phẩm chủ lực có tính đột phá, nhằm thúc đẩy nhanh và sâu hơn tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm CNHT trong chuỗi cung ứng.

Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí-điện TPHCM, cho rằng, trong lĩnh vực cơ khí và tự động hóa, việc đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị nhằm mục đích nâng cao năng suất, sản lượng, tối ưu chi phí, nâng tầm chất lượng, hay đổi mới công nghệ là vấn đề hết sức quan trọng. Thế nhưng, các tổ chức tín dụng chưa có những chính sách chiến lược cho loại tài sản này; chỉ có một số ít tổ chức, hay loại hình thuê tài chính đã có chính sách phù hợp, thủ tục dễ dàng hơn, tuy nhiên, lãi suất của loại hình này rất cao.

Cùng với đó, các DN ngành cơ khí - điện đề xuất Thành phố sớm hình thành các khu, cụm công nghiệp đặc thù, vận hành theo cơ chế thị trường; xây dựng tiêu chí thật cụ thể, chi tiết, rõ ràng để nhận dạng, phê duyệt hỗ trợ về phí hạ tầng, thuế, cơ sở lưu trú công nhân cho DN. Các cụm, khu công nghiệp này có thể đặt trong hoặc ngoài địa bàn Thành phố, nhưng phải chú trọng yếu tố tương đồng về chuỗi cung ứng, quy hoạch đầy đủ các dịch vụ liên quan như hạ tầng, cơ chế cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, môi trường sống cho người lao động.

Anh Lê

Top