DN kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về PCCC trong hoạt động sản xuất kinh doanh

22/04/2023 2:33 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 21/4, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức hội nghị phổ biến công văn số 1678/CATP-PC07 ngày 11/4 của Công an TPHCM về việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

DN kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về PCCC trong hoạt động sản xuất kinh doanh - Ảnh 1.

Nhiều DN cho biết vẫn còn vướng mắc trong lĩnh vực PCCC trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: VGP/Lê Anh

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch HUBA nhấn mạnh: hội nghị này để lắng nghe những hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC tại TPHCM, đồng thời cũng là cơ hội để các DN trong thành phố chia sẻ những khó khăn gặp phải khi thực hiện các quy định về PCCC. Làm sao để công tác PCCC an toàn, hiệu quả, giúp người lao động và DN có thể hiểu rõ những quy định mới về PCCC, nhưng cũng giúp các DN hoạt động thuận lợi hơn trong bối cảnh hiện nay

Bà Lý Kim Chi, Phó chủ tịch HUBA, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết, thời gian qua có quá nhiều văn bản về PCCC khiến các DN phải thường xuyên cập nhật, cho người đi học các lớp tập huấn rất mất thời gian cũng như gây ra nhiều khó khăn cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi công văn Số 1091/C07-P3,P4,P7 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong PCCC được ban hành thì đã giúp giải tỏa được rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho DN.

Vẫn còn bất cập trong PCCC

Mặc dù vậy, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi cũng cho rằng, theo quy chuẩn mới, vẫn còn những bất cập trong các quy định về phòng cháy hiện nay, ví dụ như một nhà xưởng xây dựng khoảng 1.000-1.300 m2 nhưng yêu cầu phải có bể chứa nước sử dụng được trong 3 giờ đồng hồ, dẫn đến chi phí bể chứa nước chiếm đến 1/3 chi phí xây dựng. Đồng thời, việc quy định các giải pháp chống cháy bằng vách tường trong cùng một khuôn viên xưởng không hợp lý vì một dây chuyền sản xuất phải liên tục. Ngoài ra, một số nguyên vật liệu, sơn chống cháy theo quy định không có tại Việt Nam, muốn có được phải nhập khẩu sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, ép giá...

Nhiều DN cũng phản ánh, do các quy định mới về phòng cháy mà việc cấp giấy phép PCCC bị gián đoạn, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của DN, do khi xuất hàng cho các đối tác nước ngoài, giấy phép về PCCC là một trong những yêu cầu bắt buộc, nếu không đáp ứng được, DN sẽ bị từ chối đơn hàng.

Bên cạnh đó, các DN cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng khi ra các quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cần suy xét tổng thể nhiều mặt, xem xét đến các yếu tố về thời gian khi áp dụng các tiêu chuẩn về PCCC. Cùng với đó, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền việc cấp phép về PCCC cho các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ cho DN, giúp DN tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh quá trình sản xuất kinh doanh.

DN kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về PCCC trong hoạt động sản xuất kinh doanh - Ảnh 2.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó trưởng phòng PC07 chia sẻ về các quy định mới tromg PCCC và CNCH với các DN. Ảnh: VGP/Lê Anh

Cơ sở hoạt động tại thời điểm nào thì áp dụng văn bản quy chuẩn tại thời điểm đó

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó trưởng phòng PCCC và CNCH Công an TPHCM (PC07),cho biết, thời gian gần đây nhiều DN phản ánh về những khó khăn trong lĩnh vực PCCC. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu các bộ, ban ngành phải có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho trong công tác quản lý quản lý Nhà nước về PCCC. Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã ngồi lại với nhau để thống nhất, ban hành các văn bản tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan cũng thừa nhận, hiện nay do có quá nhiều các văn bản về PCCC dẫn đến tình trạng các công ty tư vấn thiết kế khó cập nhật được chính xác. Ngay bản thân những người làm công tác PCCC cũng cảm thấy khó khăn vì sự thay đổi liên tục trong các quy định này.

Tại TPHCM có 117.000 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Trong đó các cơ sở được phân cấp theo quy mô để tiện cho việc quản lý. Cấp một là các cơ sở do công an quản lý, cấp hai là các cơ sở thuộc UBND xã, phường quản lý.

Hiện tại, việc thực hiện quy chuẩn PCCC mới, một số nơi còn chưa đảm bảo an toàn, tuy nhiên, quan điểm của Bộ Công an là không gây khó khăn cho cơ sở sản xuất mà sẽ linh động để tạo điều kiện cho DN bổ sung phương án PCCC mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. "Cơ sở hoạt động tại thời điểm nào thì áp dụng văn bản quy chuẩn tại thời điểm đó, áp dụng quy chuẩn mới thì DN chưa kịp đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu quy chuẩn mới có điều gì hơp lý hơn thì có thể áp dụng", Đại tá Huỳnh Ngọc Quan nói.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan cũng cho biết, tại TPHCM, các cơ sở bị đình chỉ hoạt động chủ yếu là các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực karaoke, vũ trường, quán bar... nơi đông dân cư. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, cần thực hiện nghiêm các biện pháp PCCC để đảm bảo an toàn cho người, tránh gây thiệt hại về người và của như vụ cháy ở Bình Dương vừa qua. Còn với những cơ sở sản xuất, khu công nghiệp thì không áp dụng việc đình chỉ hoạt động vì sẽ gây ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất, làm đình trệ hoạt động của DN.

Hiện nay, Bộ Công an cũng đang yêu cầu các địa phương tập hợp các vướng mắc trong quá trình thực thi, tổng hợp gửi Bộ để xem xét, điều chỉnh với tình hình thực tế, qua đó tạo thuận lợi nhất cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, vừa  đảm bảo các quy định về PCCC.

Lê Anh

Top