Dòng tiền vào thị trường bất động sản TPHCM tiếp tục phục hồi
(Chinhphu.vn) - Dòng tiền vào thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi kết quả là doanh thu 5 tháng tăng 7,4% và thu thuế từ nhà, đất tăng 44,8%.
Chiều 31/5, phát biểu tại Phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm do UBND TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Khắc Hoàng cho biết, kinh tế Thành phố trải qua quý I/2024 với mức tăng khá. Bước sang quý II, sản xuất công nghiệp, xây dựng tiếp tục cải thiện, góp phần duy trì đà tăng trưởng, tuy nhiên đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại khi tiêu dùng e dè, xuất nhập khẩu tăng chậm, giải ngân vốn đầu tư công chưa có tiến triển tích cực để đạt tiến độ kế hoạch đề ra.
Đi vào cụ thể, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố phân tích, dư nợ tín dụng đã khởi sắc khi dư nợ tín dụng tháng sau cao hơn tháng trước và vốn huy động 5 tháng tăng 8,3% so với cùng kỳ và dư nợ tăng 9,8%. Đây là tín hiệu tích cực của nền kinh tế khi nhu cầu vay vốn tăng trưởng trở lại.
Bên cạnh đó, diễn biến thị trường chứng khoán mặc dù có nhiều biến động nhưng nhìn chung có xu hướng tích cực khi khối lượng giao dịch 4 tháng đầu năm tăng 53,1% và giá trị gấp 2 lần.
Dòng tiền vào thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi kết quả là doanh thu 5 tháng tăng 7,4% và thu thuế từ nhà, đất tăng 44,8%.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công chưa có chuyển biến tích cực. Tính đến hết ngày 30/5/2024, Thành phố giải ngân 6.889 tỷ đồng, đạt 8,7% so với Kế hoạch vốn năm 2024, giảm 24,2% so cùng kỳ (cùng kỳ đạt 21,9% kế hoạch vốn), cho thấy tiến độ giải ngân rất chậm so với mục tiêu đề ra.
Đối với dự án FDI, đăng ký mới tăng 24,1%, doanh nghiệp trong nước cấp phép tăng 8,7%, nhưng vốn FDI lại giảm 3,3% và vốn doanh nghiệp trong nước cũng giảm 23%. Điều này cho thấy doanh nghiệp ngoài nhà nước phần lớn quy mô nhỏ và tâm lý thận trọng, chờ đợi để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Lạm phát được kiểm soát tốt khi giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,24% (thấp hơn cùng kỳ 2023 tăng 4,01% và thấp hơn cả nước 4,03%). Tuy nhiên, Thành phố cần duy trì chương trình bình ổn giá trong bối cảnh tỷ giá đô la Mỹ tăng 5,1%, gây sức ép lên lạm phát, doanh nghiệp vay nợ và nhập khẩu.
Cũng theo ông Hoàng, một thông tin cho thấy kinh tế Thành phố đang tăng trưởng tích cực là thu ngân sách nhà nước tiếp tục tăng 14,3%, trong đó thu nội địa tăng 25,3%, trong đó thu xuất nhập khẩu vẫn còn giảm 8%. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu đạt 22,8 tỷ USD tăng 6,3%. Nguyên nhân thu giảm do nhập khẩu của một số mặt hàng chính giảm mạnh (như ô tô, máy móc thiết bị) và tác động của chính sách giảm 2% thuế GTGT từ 01/01/2024-30/6/2024 (cùng kỳ chính sách này chưa áp dụng).
Chi ngân sách chỉ tăng 2,7%, trong đó chi thường xuyên giảm 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,5%) và chỉ bằng 27,5% dự toán.
Ngoài ra, môi trường kinh doanh Thành phố chưa cải thiện nhiều. Trong 5 tháng, Thành phố có 27.781 doanh nghiệp tham gia vào thị trường nhưng cũng có đến 20.516 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (cứ 10 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì tương ứng có 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3%, công nghiệp phục hồi khá chậm và còn nhiều khó khăn khi thấp hơn chỉ số sản xuất cả nước (6,8%), 11/30 ngành cấp II có chỉ số sản xuất giảm; chế biến, chế tạo là trụ cột của ngành công nghiệp Thành phố nhưng chỉ tăng 4,9% (thấp hơn IIP toàn ngành); lao động giảm 5,7%.
Mặc dù thị trường nước ngoài tăng, thể hiện qua hoạt động xuất khẩu tích cực và các doanh nghiệp có đơn hàng quay trở lại nhưng thời gian đơn hàng ngắn và giá không tăng, trong khi chi phí đầu vào tăng khiến biên lợi nhuận của nhiều ngành bị co hẹp.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,2% đây mức tăng có dấu hiệu tăng chậm lại, do dịch vụ ăn uống giảm từ đầu năm đến nay đã làm giảm đà tăng trưởng chung của toàn ngành. Riêng bán lẻ hàng hóa tăng 9,3%, tuy nhiên bán buôn chỉ tăng 6,6%, nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng còn thấp, trong khi bán buôn chiếm đến 80% ngành thương mai, do đó sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung ngành thương mại.
Doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 65,1% và doanh thu lưu trú tăng 49,9%, nhưng ăn uống chỉ tăng 3,8%, trong thời gian qua một số nhà hàng lớn, quán ăn nổi tiếng trên địa bàn ngưng hoạt động, hoặc chuyển địa điểm cho thấy người dân tiêu dùng thắt chặt hơn và đặc biệt chi phí mặt bằng khá lớn đã ảnh hưởng đến việc duy trì kinh doanh.
Dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, cần quyết liệt các giải pháp
Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố nhận định, qua số liệu 5 tháng năm 2024, nhìn chung kinh tế Thành phố vẫn duy trì xu hướng tích cực nhưng chưa có dấu hiệu tăng tốc mà có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Vì vậy, để tạo động lực cho tăng trưởng các quý còn lại trong năm, Thành phố cần đẩy mạnh, quyết liệt các giải pháp.
Trong đó, tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính của tăng trưởng nhưng khá thấp so với tiềm năng của Thành phố. Vì vậy, cần đẩy mạnh chi ngân sách, đảm báo tiến độ dự toán vì đây là cấu phần quan trọng trong tiêu dùng của nhà nước, tạo kích cầu cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, theo ông Hoàng, vốn đầu tư công được xem là động lực quan trọng bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác. Trong bối cảnh tiêu dùng tăng trưởng chậm, giải ngân đầu tư công chưa đột phá, đầu tư tư nhân (FDI, ngoài nhà nước) chưa khởi sắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là trọng tâm chính để dẫn dắt thị trường.
Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cũng cho rằng cần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu;xây dựng Đề án cải thiện năng suất lao động Thành phố; đồng hành cùng doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục tháo gỡ khó khăn; khơi thông các nguồn lực tăng trưởng với tinh thần khẩn trương, gắn tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị.
Anh Thơ