Dự án đường Vành đai 3 vẫn thiếu cát đắp nền

16/05/2024 1:17 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, các nhà thầu thi công Dự án đường Vành đai 3 đã rất nỗ lực để tìm kiếm các nguồn vật liệu cát đắp nền đường, tuy nhiên khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng nhu cầu của dự án.

Dự án đường Vành đai 3 vẫn thiếu cát đắp nền- Ảnh 1.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM trình bày báo cáo về dự án Vành đai 3 TPHCM - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Thông tin trên được ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết tại buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM với UBND Thành phố về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn diễn ra sáng 16/5 để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sắp tới.

Ông Phan Công Bằng cho biết, Thành phố đảm nhận việc thực hiện dự án Thành phần 1 và dự án Thành phấn 2 trong tổng số 8 dự án thành phần của đường Vành đai 3.

Về tình hình triển khai, tại dự án Thành phần 1, hiện đã hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật cùng dự toán 10/14 gói thầu xây lắp chính. Còn 4 gói thầu phục vụ vận hành khai thác đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt, dự kiến bắt đầu triển khai cuối năm 2024 theo tiến độ thực hiện các gói thầu Xây lắp chính.

Về công tác thi công, 4 gói thầu xây lắp chính (XL3XL6, XL8, XL9) đã triển khai từ tháng 7 năm 2023, đang tăng tốc thi công hạng mục cầu hầm trên tuyến; thi công nền đường đoạn xử lý đất yếu bằng đào thay đất đóng cừ tràm và CDM. Ông Bằng cho biết, hiện nay, do đang thiếu nguồn cát san lấp nên đối với phần tuyến, hạng mục xử lý nền bằng bấc thấm, gia tải cát đang gặp khó khăn. Khối lượng thực hiện khoảng 780/7.080 tỷ đồng (đạt khoảng 11% giá trị xây lắp).

Ngoài ra, 6 gói thầu Xây lắp chính còn lại (XL1, XL2, XL4XL5, XL7, XL10) đã khởi công cuối tháng 1 năm 2024, hiện các nhà thầu đang tích cực huy động nhân sự, thiết bị phục vụ thi công.

Đối với dự án Thành phần 2, ông Bằng thông tin, công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất đến ngày 30/3/2024, tổng diện tích đất đã thu hồi, bàn giao khoảng 404,897/410,439ha, đạt 98,6%.

Dự án thành phần 2 dự kiến tận dụng 7 khu tái định cư có sẵn để bố trí cho 404 hộ đủ điều kiện tái định cư bằng nền đất và 226 trường hợp không đủ điều kiện tái định cư sẽ được bố trí căn hộ chung cư.

Về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, dự án có tổng số 225 vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời (gồm 103 vị trí công trình điện, 66 vị trí công trình viễn thông, 56 vị trí công trình cấp nước). Hiện chủ đầu tư đã ký hợp đồng bồi thường theo hiện trạng với các chủ sở hữu và sẽ hoàn thành công tác di dời tái lập vào tháng 12/2024

Đề nghị các địa phương lân cận ưu tiên cân đối nguồn vật liệu cho dự án Vành đai 3

Thông tin thêm về vấn đề thiếu cát đắp nền đường, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, ngày 29/3/2024, UBND TPHCM có văn bản số 1560 báo cáo và kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì tổ chức buổi làm việc với Bộ TN&MT; Bộ GTVT và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về chủ trương hỗ trợ cát đắp nền cho dự án theo đề nghị của UBND TPHCM.

Ngày 3/4/2024, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về đảm bảo nguồn vật liệu cho dự án Vành đai 3 và các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở đó, ngày 10/4/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư) đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang để thống nhất danh sách và kế hoạch triển khai khảo sát, lấy mẫu thí nghiệm, đánh giá chất lượng các mỏ cát, làm cơ sở để đề xuất cụ thể vị trí, khối lượng các mỏ cung cấp cho Dự án.

Tại buổi làm việc, các bên đã thống nhất danh sách khảo sát dự kiến gồm 52 mỏ, thời gian khảo sát từ ngày 11/4/2024 đến ngày 22/4/2024; trong đó: Vĩnh Long có 28 mỏ; Tiền Giang 20 mỏ và Bến Tre 4 mỏ. Dự kiến, ngày 25 tháng 4 năm 2024, sau khi có kết quả thí nghiệm các mỏ khảo sát tại các tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông sẽ tổng hợp, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố, UBND Thành phố danh sách các mỏ đạt chất lượng và kiến nghị cụ thể khối lượng cát đất nền đường tại từng địa phương cung cấp cho Dự án.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT, các nhà thầu thi công Dự án đường Vành đai 3 đã rất nỗ lực để tìm kiếm các nguồn vật liệu cát đắp nền đường, tuy nhiên khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng nhu cầu của dự án. Trong đó, khó khăn chủ yếu là do các tỉnh đang ưu tiên cung cấp cát cho các dự án trong tỉnh và cấp cho các dự án cao tốc Bắc Nam (trục dọc trục ngang), chưa có chủ trương cấp cho các dự án ngoài tỉnh khác.

Vì vậy, ông Phan Công Bằng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo UBND các tỉnh (Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang) ưu tiên cân đối nguồn vật liệu cát san lấp cho dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long đẩy nhanh các thủ tục gia hạn mỏ và chủ trương cung cấp cho dự án; tỉnh Tiền Giang đẩy nhanh thủ tục cấp phép lại 3 mỏ (Vàm Cái Thia, Hòa Khánh 1 và Nam Cồn Đa) đã thống nhất cho dự án; tỉnh Bến Tre xem xét cấp phép khai thác không qua đấu giá đối với 04 mô (Quới Sơn, An Hiệp - An Ngãi Tây, An Đức -An Hòa Tây và nạo vét khu vực sông Ba Lai) nhằm sớm khai thác cho dự án Vành đai 3.

Đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành quy trình, quy chuẩn sử dụng cát biển phục vụ đắp nền đường các dự án vành đai cao tốc để góp phần tháo gỡ khó khăn trong vấn đề vật liệu cho các dự án này.

Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai mở rộng dự án thành phần 1A (xây dựng bổ sung cầu Nhơn Trạch 2) của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ thuận rà soát, điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật đường cao tốc của dự án thành phần 1A thuộc dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1, bảo đảm khai thác đồng bộ với toàn dự án Vành đai 3 TPHCM (giaiđoạn phân kỳ).

Anh Thơ

Top