Du xuân “check in” ngay 5 địa điểm ăn chơi ở Chợ Lớn chỉ trong buổi sáng
(Chinhphu.vn) - Ngày đầu năm, nếu muốn du xuân mà không phải di chuyển quá xa, hãy thử “tour Chợ Lớn” dưới đây. Đặc biệt, bạn hoàn toàn có thể đi bộ tới cả 5 điểm để ăn sáng, thăm 3 chùa, hội quán thờ Tề Thiên Đại Thánh, uống cà phê chỉ trong một buổi sáng. Với những ai yêu nhiếp ảnh thì đây sẽ là một hành trình đầy chất liệu để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật ưng ý.
Ăn sáng kiểu người Hoa
Bắt đầu từ chợ Phùng Hưng, lao xao, ồn ào, khách lãng du không vội bước, ngồi xuống làm một phần há cảo rồi hẵng đi.
Nếu nói riêng về các món ăn sáng của người Hoa trong Chợ Lớn thì khó có thể liệt kê gọn vài dòng. Nhưng tiện lợi lại ấm bụng có lẽ nên chọn ngay há cảo.
Xe há cảo Kiều Ký nằm ở gần ngã ba chợ, đối diện quán cà phê Ba Lù, gần cơ man nào là hàng khổ qua, cà, ớt, xôi, bánh,… Xe có há cảo tôm, há cảo tôm cua, há cảo hải sản ngũ sắc, há cảo sò điệp, bánh xếp tôm, xíu mại tôm, xíu mại khô, xíu mại cuộn trứng.
Khách gọi xong sẽ được phục vụ liền một xửng nhỏ bảng lảng khói đủ loại há cảo, đặt nhẹ lên chiếc bàn vốn để bán hủ tiếu của cô hàng xóm. Trong Chợ Lớn là vậy, bà con tiểu thương nương, giúp nhau chứ hiếm có cảnh tranh chỗ như nhiều nơi khác.
Ngồi ăn sáng tại đây, thực khách có thêm rất nhiều lựa chọn về đồ uống cũng như ăn thêm nhiều món ngon nữa nhưng chớ sa đà quá vào mục ẩm thực, còn tận 3 nơi thờ Tề Thiên Đại Thánh và một tiệm cà phê trên cao đang chờ bạn quá bộ qua đó.
Ba chùa, hội quán thờ Tề Thiên Đại Thánh của người Hoa Phúc Kiến
Từ chợ Phùng Hưng, đi bộ thêm 200 m là tới chùa Ôn Lăng hay còn gọi là chùa Quan Âm, hội quán Ôn Lăng. Nơi đây được xây dựng năm 1740, với diện tích khuôn viên lên tới 1.800 m2, thờ 16 vị thần tiên, bà Thiên Hậu, Quan Âm, thần Tài, Thái Tuế...
Tượng Tề Thiên Đại Thánh được đặt ở bên hông chùa cùng nhiều vị khác. Ngài được nhiều người đi chùa ghé thăm, kính cẩn lễ mong cầu sự tốt lành. Trong cuộc di dân khoảng thế kỷ 17 - 19, người Hoa gốc Phúc Kiến đã mang theo nhiều tập tục, văn hóa tới đất Chợ Lớn, trong đó có lệ thờ Tề Thiên Đại Thánh tức Đấu Chiến Thắng Phật.
Ngày đầu năm, ghé tới nơi này nhiều người không khỏi thích thú với tục "Đánh kẻ tiểu nhân". Người tới chùa dùng dép đập mạnh vào hình nhân tượng trưng cho điều xấu trên sàn để chúng không hại người.
Nhìn từ bên ngoài chùa có vẻ nhỏ bé, nhưng bước vào bên trong không gian rộng, thoáng bất ngờ. Khói hương rất nhiều nhưng lại không bị ngột ngạt hay cay mắt.
Chỉ cách chùa Ôn Lăng 300 m, du khách có thể dễ dàng rảo bước tới hội quán Hà Chương. Hội quán được xây năm 1809, có kiến trúc mái đầu đao cong như chiếc thuyền, trên mái có đắp tượng mảnh gốm Li Vẫn (hay còn gọi là Si Vẫn) ngụ ý trấn hỏa, bảo vệ bình an cho công trình. Ngoài ra còn có tượng người cưỡi Long Mã vượt qua vòng lửa trên đỉnh gờ mái, tượng trưng cho chí nam nhi ngang dọc bốn bể.
Từ cửa bước vào tới điện chính, điểm làm nhiều người thấy ấn tượng là 4 cây cột đá nguyên khối rồng quấn tinh xảo đã sạm đen màu thời gian. Tương truyền, người xưa đã dùng thuyền mang từ Phúc Kiến sang đây 6 cây để lập hội quán với hàm ý không quên nguồn cội, nhưng theo diễn tiến lịch sử, giờ chỉ còn 4 cây.
Chánh điện của hội quán thờ bà Thiên Hậu, Tề Thiên Đại Thánh được thờ trong một gian riêng bên cạnh. Hai bên tượng ngài còn có hình đắp nổi hành trình thỉnh kinh, ngả màu nâu cánh gián rất đẹp.
Học giả Vương Hồng Sển cũng từng có lời khen ngợi hội quán: "Ở đường Nguyễn Trãi, có một chùa của người Phước Kiến, hiệu đề: "Hà Chương Hội quán". Chùa đồ sộ và khéo nhứt thời xưa, cho nên ngày nay người cố cựu Chợ Lớn còn quen dùng danh từ "lớn bằng chùa ông Hược", vì thời trước chỉ có chùa nầy là nguy nga nhứt".
Tham quan xong 2 nơi, nếu đã thấm mệt, du khách nên ghé qua tiệm cà phê Cam Cam gần hội quán Hà Chương, tĩnh lại với một ly cà phê thuốc bắc đặc trưng của quán. Tại đây có thể nhìn xuống toàn cảnh hội quán với phần mái đẹp mắt. Quán có phong cách hơi hoài niệm nhưng cũng rất trẻ trung. Đặc biệt, cà phê Cam Cam có treo những hình vẽ chi tiết kiến trúc mái của hội quán Hà Chương và chú giải rõ ràng.
Để khép lại thời gian của buổi sáng trong Chợ Lớn, du khách có thể di chuyển thêm khoảng 350 m tới Miếu Nhị Phủ hay còn gọi là chùa Ông Bổn. Nơi đây lấy tên Nhị Phủ là bởi được người Hoa gốc phủ Tuyền Châu và Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Hoa cùng góp công xây dựng.
Tới nay, vẫn chưa khẳng định miếu xây năm nào. Nhưng miếu từng được nhắc tới trong Cổ Gia Định Phong cảnh vịnh, tả Gia Định từ 1770 tới 1815: "Coi chùa ông Bổn Đầu Cân/Dám quên chữ ngọn rau tấc đất". Theo nhiều nghiên cứu, miếu được cho là xây trước chùa Ôn Lăng và hội quán Hà Chương.
Khuôn viên miếu rộng khoảng 2.500 m2. Miếu có hình thức vì kèo chồng rường - giá chiêng khiến phần mái hơi cong, thêm kiến trúc mái hai tầng nom xa như một chiếc thuyền rồng. Bên trong miếu có nhiều cột màu đỏ, cửa sang khuôn viên bên cạnh hình cong tròn.
Khác với hội quán Hà Chương và chùa Ôn Lăng, Miếu Nhị Phủ thờ chính là ông Bổn tức Phúc Đức chánh thần. Ngoài ra còn có các vị Quảng Trạch tôn vương, Thái Tuế gia gia, Ngọc Hoàng đại đế, Thích ca Phật tổ, Quan Âm Bồ tát,… và tất nhiên không thể thiếu Tề Thiên Đại Thánh. Tại đây, ngài cũng được ngự tại gian riêng, hai bên còn có hình vẽ ngài cùng Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh đi thỉnh kinh.
Với thời gian từ khoảng 7-8h sáng tới trưa du khách có thể hoàn thành một tour du lịch nhỏ ngày đầu năm mới đầy màu sắc với hình thức đi bộ không hề khó khăn như trên.
Thùy Dương