Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp: Không nói chung chung

28/03/2024 5:59 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như chính sách hỗ trợ về tài chính, vốn một cách cụ thể chứ không nói chung chung.

Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp: Không nói chung chung- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với đại diện doanh nghiệp ĐMST tại buổi gặp gỡ - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sáng 28/3, UBND TPHCM tổ chức Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố với cộng đồng đổi mới sáng tạo.

Tham dự buổi gặp gỡ có: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các sở, ngành và gần 30 doanh nghiệp khởi nghiệp, các thành viên của cộng đồng đổi mới sáng tạo Thành phố, các nhà báo, nhà nghiên cứu quan tâm và đồng hành với cộng đồng trong thời gian vừa qua.

Ngày 1/3/2021, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 672/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021 - 2025. Một trong những mục tiêu của đề án là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, trong khu vực cũng như trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia đang nổi lên để trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở Đông Nam Á. Xếp hạng của các tổ chức uy tín đã khẳng định điều này và giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư.

Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp: Không nói chung chung- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi gặp gỡ - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sự lớn mạnh của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam ngày càng phát triển và thứ hạng cải thiện qua từng năm. Ngoài ra, điều đáng mừng là nhiều nhà khởi nghiệp thành công và trở thành kỳ lân đều trưởng thành và củng cố vị trí của mình từ TPHCM.

Ông Mãi nêu, trong 4 kỳ lân của Việt Nam thì có đến 3 doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ với kinh tế-xã hội Thành phố; khẳng định Thành phố là nơi mà các nhà khởi nghiệp có thể chọn để phát triển sự nghiệp cũng như khẳng định sự cam kết của chính quyền Thành phố trong xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

"Tại cuộc gặp gỡ này, lãnh đạo UBND Thành phố muốn chính thức thông báo đến cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam là TPHCM đang tập trung xây dựng để trở thành Trung tâm ĐMST khu vực Đông Nam Á và tầm châu lục. Chúng tôi rất mong muốn cộng đồng khởi nghiệp tiếp tục chọn TPHCM, đồng hành cùng chính quyền TPHCM để xây dựng chiến lược, chính sách và sáng tạo môi trường, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Thành phố", ông Mãi nói.

Thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Giám đốc điều hành và là nhà sáng lập Selex Motor, một doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sạch cho rằng, TPHCM có 8 triệu xe máy xăng và trong năm tới có thể chuyển đổi 1 triệu xe máy xăng sang xe điện. Để làm được điều này, Thành phố cần có lộ trình phát triển để doanh nghiệp yên tâm chuyển đổi, trong lộ trình đó có ưu tiên rõ ràng, đặc biệt là ưu tiên trong lĩnh vực vận tải.

Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp: Không nói chung chung- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Giám đốc điều hành và là nhà sáng lập Selex Motor, nêu đề xuất tại buổi gặp gỡ - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Ngoài ra, ông Nguyên cho rằng phát triển xe điện mà không có hạ tầng thì rất khó, vì vậy cần có chính sách xây dựng hạ tầng năng lượng. Ông đề xuất phát triển hệ thống đổi pin chia sẻ với hy vọng trong 3 năm tới có thể đạt 1.000 điểm chia sẻ tại TPHCM và mong Thành phố hỗ trợ để triển khai nhanh việc này.

Còn ông Trung Phạm, Giám đốc Tài chính và Vận hành DatBike đề xuất có chính sách khuyến khích cho vay đối với khách hàng tiêu dùng xe điện để kích cầu.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO và là nhà đồng sáng lập của mô hình quỹ đầu tư nhượng quyền Go Global Franchise Fund (GGFF) đề xuất hình thành một mạng lưới cộng đồng khởi nghiệp do lãnh đạo Thành phố đứng đầu để có thể thường xuyên gặp gỡ và trao đổi, vừa là nguồn động viên vừa là sự tham gia thực sự của lãnh đạo Thành phố để tác động vào hoạt động khởi nghiệp.

Ngoài ra, tại buổi gặp gỡ, cộng đồng đổi mới sáng tạo cũng đề xuất các nguồn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, các chính sách, khung pháp lý thử nghiệm các mô hình thu hút nguồn tài chính cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thu hút các nguồn tài chính xanh, quỹ xanh; Xây dựng một địa điểm tập trung (Hub) để thí điểm, thử nghiệm các chính sách, tập trung vào nhận thức và nguồn nhân lực cho chuyển đổi xanh; Thí điểm, thử nghiệm các chính sách về chuyển đổi số của thành phố, tập trung vào nhận thức và nguồn nhân lực cho chuyển đổi số; Thu hút các nhà đầu tư chiến lược về đổi mới sáng tạo cho thành phố, qua đó kết nối các "đại bàng" với cộng đồng và đề xuất các chính sách, khung pháp lý thử nghiệm cho các nhà đầu tư chiến lược về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp: Không nói chung chung- Ảnh 4.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên kết luận buổi gặp gỡ - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Kết luận buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ tự hào về thành công của các doanh nhân trẻ khởi nghiệp, đồng thời khẳng định việc tổ chức các cuộc gặp gỡ, lắng nghe là tốt nhưng chưa đủ mà phải có kế hoạch xử lý, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đối với nhiệm vụ của chính quyền Thành phố, Bí thư Thành ủy đề nghị có 6 điểm cơ bản phải làm để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đó là chuẩn bị hệ thống hạ tầng, có kế hoạch quy hoạch những khu đặc biệt, khu công nghệ cao dành cho cộng đồng khởi nghiệp.

Thứ hai là có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ về tài chính, vốn một cách cụ thể chứ không nói chung chung.

Thứ 3, theo Bí thư Thành ủy, cần có chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư và chính sách đó phải vượt trội thì mới tương xứng với tiềm năng và vị thế đầu tàu kinh tế của TPHCM.

Thứ 4, đối với chính sách đào tạo nguồn nhân lực, ông Nên cho rằng Thành phố có quá nhiều trường lớp nhưng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì vẫn cần tiếp tục trao đổi và tính toán.

Thứ 5, cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lành mạnh. Thứ 6, có cơ chế hợp tác, phối hợp, tạo mối quan hệ gắn bó giữa các bên, giữa doanh nghiệp với nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà báo, nhà nước…

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, dự kiến trong tháng 7, sẽ trình HĐND TPHCM thông qua các chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cho lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, TPHCM còn có chính sách hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách cho 9 lĩnh vực: Thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistics, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, chuyển đổi số và an ninh mạng.

Cụ thể, giai đoạn tiền ươm tạo có mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng. Giai đoạn ươm tạo có mức hỗ trợ không quá 80 triệu đồng, thời gian không quá 01 năm. Đến giai đoạn tăng tốc, mức hỗ trợ tăng lên không quá 400 triệu đồng và hỗ trợ không quá 01 năm.

Anh Thơ

Top