Hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, tăng cường an sinh xã hội cho người dân
(Chinhphu.vn) - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 do UBND TPHCM tổ chức ngày 8/1, người đứng đầu các sở, ngành đã nêu các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhằm Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, tăng cường an sinh xã hội cho người dân.
Tăng cường chăm lo sức khỏe, an sinh cho người dân
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM đang chuyển biến tốt, số ca mắc mới giảm, số ca nhập viện, số ca trở nặng và số ca tử vong đều giảm. Ngày 7/1 Thành phố ghi nhận 18 ca tử vong trong ngày (trong đó có 7 người ở tỉnh, 11 người ở TPHCM), con số thấp nhất trong 6 tháng qua.
Theo ông Tăng Chí Thượng, trong giai đoạn "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", ngành y tế phải linh hoạt trong kế hoạch tái cấu trúc hệ thống y tế nhằm đáp ứng song hành 2 nhiệm vụ: phòng chống dịch và đảm bảo chăm sóc sức khoẻ, chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế.
Do đó, ngành y tế chú trọng tăng cường hệ thống y tế cơ sở để quản lý, theo dõi sức khoẻ của từng hộ, từng người dân trên địa bàn; có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Cùng với đó là phát huy nguồn lực y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng cho biết, một vấn đề đặt ra hiện nay đó là nhiều vấn đề sức khỏe của người dân hậu mắc COVID-19 trong thời gian qua đã được ghi nhận như: cảm giác mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần hậu COVID-19... Ngành y tế xem đây là một vấn đề cần quan tâm và đang tổ chức xây dựng kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân sau mắc COVID-19. Trong đó, tăng cường sự phối hợp giữa Đông y và Tây y trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân; chủ động phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe liên quan đến các hội chứng hậu COVID-19 phân biệt với các bệnh lý khác…
Về công tác an sinh, Giám đốc sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lê Minh Tấn cho biết, năm 2022, Sở LĐTB&XH TPHCM sẽ chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh cho các diện yếu thế, người có đời sống khó khăn sau đại dịch COVID-19 như hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi vì COVID-19; hỗ trợ nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân, người mắc COVID-19.
Sở cũng tham mưu cho UBND TPHCM giải quyết việc làm cho 300.000 lao động, trong đó có 140.000 chỗ việc làm mới; đào tạo nghề cho 371.000 lao động. Đồng thời, kết nối cung-cầu lao động giữa người lao động và doanh nghiệp; tổ chức các phiên, các sàn giao dịch việc làm.
Cũng liên quan đến vấn đề an sinh cho người dân, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM cho biết, Sở TT&TT dự kiến sẽ phối hợp với Sở LĐTB&XH rà soát, hỗ trợ, trang bị điện thoại thông minh cho người nghèo chưa có điện thoại thông minh trong năm 2022 nhằm mục tiêu chuyển đổi số.
Theo ông Lâm Đình Thắng , qua dịch COVID-19, các cấp lãnh đạo đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Đây là bước chuyển mình quan trọng có vai trò cốt lõi để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn TPHCM
Giám đốc Sở TT&TT cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số, sẽ có một bộ phận người dân vì nhiều điều kiện có khả năng không theo kịp sự chuyển động chung của xã hội, trong đó có người nghèo. Theo thống kê TPHCM hiện có hơn 144.000 người nghèo, nhiều khả năng một số người không nhỏ không có điện thoại thông minh.
Do đó cần một chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo, người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn để vừa không để ai bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển thần tốc của chuyển đổi số, vừa tạo điều kiện để phát triển công dân số, xã hội số.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất
Sau du lịch thì ngành công thương là ngành ảnh hưởng nặng nề thứ hai trong dịch bệnh. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, bước sang năm 2022, Sở Công thương tập trung 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, trước tiên là đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Vấn đề của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn. Vì thế, ngành công thương sẽ phối hợp với ngân hàng tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp giúp kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.
Sở Công Thương cũng tập trung chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp từng bước ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đến nay, 100% thủ tục hành chính (114 thủ tục) của Sở đã được cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Đối với hoạt động các khu công nghiệp, ông Vũ cho rằng TPHCM cần xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành, đầu tư các khu công nghiệp y tế, những lĩnh vực mà TPHCM có lợi thế và triển khai mô hình kinh tế số…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, trong năm 2022, Hepza se tập trung 2 nội dung lớn. Thứ nhất, tham mưu cho TPHCM và Chính phủ thành lập 1 khu công nghiệp mới, đó là Khu công nghiệp Phạm Văn Hai với quy mô 668ha và 90ha là khu dân cư liền kề và nhà trọ, nhà ở cho công nhân.
Theo ông Hưng, hiện nay, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TPHCM chỉ còn khoảng 300 ha đất có thể cho thuê. Do đó, Hepza sẽ tham mưu cho lãnh đạo Thành phố trong vấn đề tạo quỹ đất, tìm kiếm quỹ đất để thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Thứ hai, Hepza sẽ tập trung tham mưu cho Thành phố chuyển đổi dần các khu công nghiệp, khu chế xuất không còn phù hợp trong giai đoạn sắp tới. Vì TPHCM đã trải qua hơn nửa chu kỳ sử dụng của các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp, đến nay đã lạc hậu dần. Hiện Hepza đã phối hợp với Đại học Kinh tế TPHCM xây dựng đề án chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất cho giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2040.
Kiên quyết loại bỏ các quy định và thủ tục mang tính “giấy phép con”
Sau khi nghe các giải pháp, ý kiến thảo luận từ các sở, ngành và doanh nghiệp tại hội nghị, chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình đã triển khai Chỉ thị của UBND TPHCM về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Theo đó, trong năm 2022, TPHCM đề ra các nhóm nhiệm vụ để phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đối với nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, TPHCM xây dựng cơ chế kiểm soát, cảnh báo dịch bệnh; nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng
Bên cạnh đó, chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách toàn diện theo hướng chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho các nhóm đối tượng bị tác động hoặc có nguy cơ tác động cao. Phát huy các mô hình cung cấp dịch vụ sức khỏe thể chất và tinh thần đang có để có định hướng phù hợp với chính sách chung của thành phố.
Về phục hồi kinh tế, TPHCM thực hiện các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), phục hồi sản xuất, kinh doanh; cũng như triển khai các chương trình phát triển kinh tế.
Cụ thể, đối với hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, Thành phố tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ DN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - DN, chương trình bình ổn giá; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Thành phố triển khai chính sách hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế; thủ tục thực hiện đơn giản, giải quyết nhanh và kịp thời. Phát huy hiệu quả tổ công tác hỗ trợ DN xuất nhập khẩu của ngành hải quan thành phố. Triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM.
Đối với việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế, TPHCM triển khai hiệu quả kế hoạch phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn COVID-19. Khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch. Phát triển dịch vụ (tập trung dịch vụ tài chính, du lịch, ngân hàng, thương mại, logistics,...). Xem xét thí điểm triển khai mô hình vận hành, giải pháp tổ chức hoạt động theo hướng chuyển đổi số đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ truyền thống
Đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, Thành phố hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế. Rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp để thu hút nhanh, hiệu quả các DN lớn trong nước và nước ngoài đầu tư có trọng tâm, chọn lọc.
Đồng thời, từng cơ quan, đơn vị rà soát khắc phục ngay các điểm nghẽn trong thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính. TPHCM kiên quyết loại bỏ các quy định và thủ tục mang tính “giấy phép con”. Chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết (đất đai, thủ tục,...) nhằm mời gọi đầu tư để hình thành các DN có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế.
Lê Anh