Hỗ trợ DN Việt tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu

14/11/2024 5:36 PM

(Chinhphu.vn) - Ngành công nghiệp Halal hiện đang phát triển mạnh mẽ với hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực châu Á, nhất là trong khối ASEAN. Việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal từ sản xuất đến phân phối đang trở thành xu hướng quan trọng, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Hỗ trợ DN Việt tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu- Ảnh 1.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal

Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm thực phẩm Halal" do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/11 tại TPHCM.

Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy, chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

Với bối cảnh nhu cầu tiêu dùng sản phẩm Halal ngày càng gia tăng, trở thành xu hướng toàn cầu và được nhiều người quan tâm chứ không chỉ cộng đồng Hồi giáo, thì Việt Nam cũng được đánh giá có tiềm năng lớn xuất khẩu thực phẩm Halal. Đặc biệt, Việt Nam cũng là mắt xích quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết; trong đó, có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết.

Tuy nhiên, dù có năng lực xuất khẩu tốp 20 thế giới nhưng xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Thực trạng này đến từ nguyên nhân do doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa tận dụng hết được cơ hội do gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal như chi phí đầu tư cao, thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal …

Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều quốc gia đã có kinh nghiệm và uy tín trong việc xuất khẩu các sản phẩm Halal. Ngoài ra, văn hóa tiêu dùng tại thị trường Trung Đông và châu Phi có nhiều khác biệt so với Việt Nam, từ cách thức tiêu thụ sản phẩm, sở thích về hương vị, bao bì… cho đến phương thức quảng bá sản phẩm.

Chia sẻ với các DN xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing, Văn phòng Chứng nhận Halal cho biết: Để sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, điều quan trọng hàng đầu là phải lựa chọn tổ chức chứng nhận Halal uy tín và được công nhận quốc tế.

Theo bà Hằng, tổ chức chứng nhận Halal có uy tín và được công nhận quốc tế sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ dễ dàng được chấp nhận tại các thị trường Hồi giáo, mà còn giúp tạo uy tín, nâng cao vị thế thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, các DN Việt Nam cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác bản địa tại thị trường xuất khẩu, đây cũng là yếu tố có vai trò quan trọng để tiếp cận hiệu quả thị trường Trung Đông và châu Phi nói riêng, thị trường Halal toàn cầu nói riêng.

Về phía bộ ngành, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết đang chú trọng tăng cường hỗ trợ và phối hợp với hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp và những cơ quan liên quan tổ chức đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại như tập huấn, hội thảo, hội nghị, giao thương, hội chợ triển lãm... nhằm hỗ trợ tích cực cho DN Việt Nam về thông tin thị trường, tìm kiếm bạn hàng, mở rộng đầu ra tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu Halal của Việt Nam.

Từ tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Đây là đề án đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng, hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.

Anh Lê

Top