Hoa tết 2022: Giảm diện tích vẫn lo
(Chinhphu.vn) - Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường khiến nhiều nhà vườn trồng hoa tại TPHCM lo lắng vì không biết vụ mùa năm nay có được như mong đợi.
Chị Trịnh Thị Kim Lan cùng các nhân công đang tất bật chăm sóc hoa phục vụ thị trường Tết. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim |
Giảm diện tích, không dám thuê nhân công
Hằng năm, vào khoảng tháng 8 âm lịch trở đi, các nhà vườn trồng hoa tại TPHCM lại hối hả để chuẩn bị vụ Tết. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, do tác động của dịch bệnh COVID-19 nên thị trường hoa cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Làng hoa lâu đời tại khu dự án đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, Quận 12 nay cũng trong hoàn cảnh nhiều khó khăn và lo lắng.
Những ngày này, các thành viên trong gia đình ông Trịnh Thế Giao, ngụ Quận 12 đang tất bật các công đoạn để kịp mùa hoa Tết. Những năm trước, gia đình ông trồng 17.000 đến 18.000 chậu hoa các loại nhưng năm nay chỉ trồng khoảng 7.000 đến 8.000 chậu, trong đó triệu chuông 2.000 đến 3.000 chậu, dạ yến thảo 1.000 chậu, mào gà 1.000 chậu, ớt khoảng 1.000 chậu, phần diện tích hơn 2.000 m2 còn lại vẫn đang để trống.
Ông Giao cho biết, trung bình mỗi năm gia đình làm 2 vụ để xuất ra dịp Lễ 2/9 và Tết Nguyên đán, nhưng năm nay giãn cách xã hội kéo dài nên vụ hoa 2/9 bị thất thu, ước chừng mất trắng 100 triệu đồng. Do đó, thời gian này, gia đình ông phải phục hồi các chậu hoa hỏng, vừa chỉnh trang vườn để làm vụ Tết.
Do không đủ kinh phí để thuê nhân công nên gia đình ông phải đảm đương tất cả các công đoạn, từ trồng, chăm sóc (cắt tỉa, tưới, tạo hình…). Hơn 30 năm trồng hoa, ông Giao nói đây là năm khó khăn nhất với gia đình ông.
Năm nay, gia đình ông Trịnh Thế Giao chủ động giảm 1/2 diện tích đất vì tình hình dịch bệnh. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim |
Cách đó không xa, hộ gia đình chị Trịnh Thị Kim Lan cũng đang lo lắng vì dịch bệnh COVID-19. Năm nay, gia đình chị trồng khoảng 8.000 chậu hoa cúc, mào gà, phượng hoàng, cát tường, đồng tiền… để phục vụ thị trường Tết, ít hơn so với các năm trước.
Chị Lan cho biết, nếu mọi việc suôn sẻ thì khoảng 15 ngày nữa sẽ có hoa bán, như mọi năm thương lái đến thu mua tại vườn, số còn lại chị sẽ bán ở các chợ hoa để phục vụ người dân. “Lo thì vẫn lo nhưng làm vẫn làm. Mình là người yêu cái đẹp, Tết mà có bông có hoa mới đón xuân rộn ràng, không có bông có hoa đâu gọi là ngày Tết”, chị Lan nói.
Năm nay, nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng ở Quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn, TP. Thủ Đức… cũng chủ động thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng để tìm hướng đi phù hợp trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Tết cận kề nhưng thị trường vẫn yên ắng
Và dù đã cận kề Tết Nguyên đán nhưng các nhà vườn trồng hoa tại TPHCM vẫn chưa nắm bắt được thị trường, nhiều gia đình lo thất thu bởi vào thời điểm này các năm trước, thương lái đã đến đặt hoa, thăm dò số lượng, mẫu mã nhưng năm nay vẫn yên ắng.
Mặt khác, thị trường hoa tại TPHCM còn chịu ảnh hưởng bởi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vì năm nào hoa miền Tây lên nhiều thì năm đó các nhà vườn ở Thành phố chịu sự cạnh tranh khốc liệt, trong tình trạng cung nhiều hơn cầu.
Nhân công tại làng hoa Thới An, Quận 12 vẫn làm việc tất bật để phục vụ thị trường hoa Tết. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim |
“Giờ ai cũng mong dịch bệnh qua mau để mọi người đón năm mới rộn ràng, nhà vườn cũng đỡ khổ”, chị Trịnh Thị Kim Lan nói.
Năm trước, gia đình chị Lan bán hoa tại vườn với các mức giá dao động từ 40.000 đến 80.000 đồng/chậu, trong đó hoa cát tường có giá khoảng 40.000 đồng/chậu, phượng hoàng 50.000 đồng/chậu, mào gà 70.000 đồng/chậu và cúc với giá 80.000 đồng/chậu… Riêng năm nay, giá phân bón tăng cao, thị trường thay đổi nên chị vẫn chưa ấn định giá xuất ra.
Đây là năm khó khăn nhất không chỉ với gia đình chị mà còn với các hộ trồng hoa tại TPHCM. “Toàn bộ tiền trồng hoa đều vay ngân hàng, vụ trước đã mất trắng, giờ chỉ biết trông chờ vào vụ này. Chúng tôi chỉ hy vọng dịch bệnh được kiểm soát để bán hoa ra thị trường, phục vụ nhu cầu của người dân”, ông Giao bày tỏ.
Theo thống kê, trên địa bàn TPHCM có khoảng 2.000 vườn hoa kiểng, chủ yếu là các loại hoa lan, mai, bonsai…
Nguyễn Kim