HoREA kiến nghị doanh nghiệp cơ cấu lại phân khúc, giảm giá nhà
(Chinhphu.vn) - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp bất động sản thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc cơ cấu lại phân khúc thị trường và giảm giá bán sản phẩm nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Kiến nghị của doanh nghiệp đã được lắng nghe, xem xét, giải quyết
Theo HoREA, tại Hội nghị Giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, ngày 7/12, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các chủ thể phải cùng nhau vào cuộc, chung tay, chung sức, đồng lòng hơn lúc nào hết, trách nhiệm với đất nước, nhân dân, vì nền kinh tế. Tất cả phải hành động trên quan điểm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Các doanh nghiệp cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giảm giá bán sản phẩm.
Thủ tướng cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản khi bối cảnh khó khăn nhưng vẫn muốn giữ giá bất động sản ở mức cao. Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc khó khăn phải trên tinh thần hài hòa lợi ích, chỉ có thế mới phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được lĩnh vực bất động sản sự phát triển.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, thông điệp trên đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần đề cập tại các hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, được thể hiện rõ trong Nghị quyết 33, với quan điểm: Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững.
Cùng với đó, có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp. Giá cả bất động sản phải phù hợp với quy luật thị trường, là động lực để thúc đẩy phát triển,... Đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ cấu lại giá cả, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.
Cũng theo Hiệp hội, từ năm 2022 đến nay, để tăng cường sức chống, chịu của nền kinh tế đối phó hiệu quả với các "cơn gió ngược" do tác động từ đại dịch COVID-19 và các xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát cao trên thế giới, tất cả các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đều đã quyết liệt vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có các chủ trương, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phục hồi và phát triển.
Trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành hàng trăm Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Công điện, Văn bản chỉ đạo điều hành để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Nổi bật như Nghị định số 08 đã giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ "hạ cánh mềm", hay như Nghị định số 10 sửa đổi, Nghị định 35 sửa đổi, Thông tư số 02 của Ngân hàng Nhà nước, triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng…
Đặc biệt, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10 về ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung "bất cập" của Thông tư số 06 ngay trước thời điểm Thông tư có hiệu lực.
Ngoài ra, các Tổ công tác của Chính phủ và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương xem xét, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho hàng trăm dự án bất động sản. Ngay tại TPHCM, Thành phố đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sảnm do Chủ tịch UBND Thành phố là Tổ trưởng, đến nay đã giải quyết được khoảng 30% số dự án bị vướng mắc, khó khăn.
Như vậy, có thể nói, các kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đều đã được các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe, xem xét, giải quyết, ở 3 cấp, gồm: sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật; sửa đổi, bổ sung một số quy định của các văn bản dưới Luật và bước đầu tháo gỡ được một số vướng mắc, khó khăn trong công tác thực thi pháp luật của các địa phương.
Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu phải cơ cấu lại phân khúc và giảm giá bán sản phẩm đến nay chưa được triển khai tích cực.
Doanh nghiệp cần giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, giảm giá nhà ở
Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng cho rằng, ngay từ năm 2018, khi bắt đầu có dấu hiệu "lệch pha" phân khúc thị trường, "lệch" dần về phân khúc nhà ở cao cấp, Hiệp hội đã có văn bản khuyến nghị chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường căn hộ vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực rất lớn của đông đảo người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị. Đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia các chương trình xây dựng lại nhà chung cư cũ hư hỏng, chương trình chỉnh trang, di dời nhà trên và ven kênh rạch, chương trình nhà ở xã hội…
Đến năm 2020, thị trường ngày càng trở nên khó khăn hơn khi tình trạng "lệch pha" cung - cầu, "lệch pha" phân khúc thị trường, mất cân đối sản phẩm nhà ở ngày càng lớn. Đặc biệt, phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn hộ, chiếm tỷ lệ 1%. Các năm 2021, 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 thậm chí không còn căn hộ nhà ở bình dân.
Và theo quy luật cung - cầu, thiếu nguồn cung trong lúc nhu cầu nhà ở rất lớn, nhất là nhu cầu nhà ở giá vừa túi tiền đã dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục trong các năm qua với mức tăng giá trung bình trên dưới 10%/năm.
Trong khi đúng ra, phân khúc nhà ở bình dân bao gồm nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội phải chiếm đa số, tỷ lệ cao nhất nhưng trên thực tế nhà ở cao cấp lại chiếm tỷ lệ lớn, lên đến 70-80%, áp đảo thị trường nhà ở, gây ra những hệ lụy như tình trạng đầu cơ, găm giữ, làm méo mó thị trường.
Đáng nói hơn, tình trạng này tiêu tốn một nguồn lực lớn của xã hội, gây lãng phí nguồn lực xã hội, trong đó có lãng phí do sử dụng nguồn lực đất đai không hiệu quả. Khiến mô hình "kim tự tháp" thị trường nhà ở hiện nay bị đảo ngược, mất cân đối, không bền vững.
Để đảo ngược tình trạng trên, tất cả các chủ thể có liên quan trên thị trường phải chung tay tháo gỡ khó khăn. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản, chủ thể có trách nhiệm trực tiếp, cần có ngay hành động cụ thể, đó là cơ cấu lại sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực và giảm giá bán nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.
Đồng thời, các cơ quan chức năng phải thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý để tăng nguồn cung dự án nhà ở, tăng nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền và tăng tính cạnh tranh để giảm giá nhà.
Hiện một số doanh nghiệp chủ đầu các dự án nhà ở cao cấp, nhà ở trung cấp đã thực hiện giảm giá bán nhưng mức độ giảm chưa đáng kể, chủ yếu thực hiện chính sách chiết khấu và khuyến mãi, hậu mãi có lợi cho khách hàng những vẫn cố giữ giá cao.
Do đó, Hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không neo giữ giá cao, tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng niềm tin thị trường, qua đó tạo dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp.
Chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân giá vừa túi tiền phù hợp với thu nhập của người dân và tham gia chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030; tham gia chương trình xây dựng lại nhà chung cư cũ, chương trình chỉnh trang, di dời nhà trên và ven kênh rạch…, tại các địa phương.
Đề nghị Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ quy định chi tiết các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định tại Điều 34 Luật Nhà ở 2023 mới được Quốc hội thông qua, để chuẩn hóa quy trình, thủ tục hành chính xét duyệt dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư có sử dụng đất.
Đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hoàn thiện Đề án Luật Đất đai (sửa đổi), xây dựng cơ chế, chính sách về sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm để thực hiện các dự án bất động sản, trong đó có dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, tạo điều kiện tiếp cận đất đai thông thoáng cho các nhà đầu tư, bảo đảm không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai và kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch.
Mạnh Hùng