Khó xác minh nơi cư trú của người nghiện ma túy
(Chinhphu.vn) - Đó là ý kiến đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận tại Hội nghị “Sơ kết 6 tháng ra quân phòng chống, kiểm soát ma tuý và đưa người nghiện ma tuý không nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội trên địa bàn TPHCM” vừa diễn ra sáng nay (19/8).
Người nghiện tại Cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu, TPHCM. |
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng ra quân (từ tháng 12/2014 - 6/2015), các lực lượng chức năng TPHCM đã phát hiện gần 7.000 người dương tính với ma tuý. Trong đó có gần 3.500 người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định thuộc diện phải đưa vào cơ sở xã hội để quản lý, cắt cơn, giải độc.
Về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, cũng trong thời gian này, tại TPHCM phát hiện 820 vụ (1.583 đối tượng) mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy, giảm 11 vụ so với thời gian liền kề trước đó.
Theo UBND TPHCM, việc tổ chức ra quân phòng chống, kiểm soát ma tuý và đưa người nghiện ma tuý không nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội đã góp phần ổn định tình hình ANTT trên địa bàn Thành phố, số phạm pháp hình sự được kéo giảm 472 vụ (giảm 20%). Đặc biệt là tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy tại nơi công cộng không còn ngang nhiên lộng hành như trước.
Tuy nhiên, đối với công tác phòng, chống ma túy nói chung, việc triển khai kiểm tra, lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội vẫn chưa tác động rõ rệt khi nhu cầu mua bán ma túy tại thành phố còn rất lớn, giá các loại ma túy chưa giảm.
Nguyên nhân là do số đối tượng bị kiểm tra, lập hồ sơ chủ yếu là những người lang thang từ các tỉnh, thành khác đến thành phố. Nhóm đối tượng này tiêu thụ lượng ma túy không nhiều, chủ yếu lại là các loại ma túy rẻ tiền.
Thống kê tại TPHCM hiện có khoảng 19.200 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng gấp 2 lần so với thời điểm năm 2009). Đây mới là nguồn tiêu thụ ma túy chính, làm tình hình tệ nạn ma túy gia tăng phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh công tác cai nghiện ở Thành phố đang gặp nhiều khó khăn.
UBND TPHCM cho biết, thời gian qua, mặc dù đã công tác cai nghiện luôn được thành phố chú trọng, tổ chức thực hiện đa dạng bằng nhiều hình thức nhưng kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra: Số tái nghiện còn rất lớn (gần 78%), việc cai nghiện cho những người sử dụng ma túy tổng hợp thực tế không có nhiều hiệu quả.
Riêng việc tổ chức cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định, toàn thành phố mới chỉ có 537 người thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Điều đáng nói là trong khi các biện pháp cai nghiện khác vẫn chưa phát huy tác dụng thì việc đưa người nghiện ma tuý không nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố vào các cơ sở cai nghiện cũng không dễ triển khai.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, trong công tác đưa người nghiện ma tuý không nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện, các cơ quan chức năng của thành phố hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh tình trạng cư trú ổn định của người nghiện do số người nghiện ma túy đến từ nhiều tỉnh thành khác, người lang thang sống nhiều nơi nhiều chỗ nên rất khó điều tra.
Mặt khác, người nghiện đã từng đi cai nghiện nhiều lần, cố tình khai nhiều địa chỉ hoặc khai không đúng sự thật nên cơ quan chức năng không xác minh được nơi cư trú…
Từ thực tiễn công tác tại TPHCM, ông Thuận cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính để các quy định thống nhất và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý các trường hợp tái nghiện; có giải pháp với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi mà Luật Xử lý vi phạm hành chính đang bỏ trống.
Để việc đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện diễn ra thuận lợi, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tích cực hỗ trợ TPHCM, nhanh chóng phối hợp nhằm xác định nơi cư trú của người nghiện ma túy thuộc các tỉnh, thành khác để có biện pháp xử lý phù hợp.
Phan Hoàng