Không chỉ công nhân có nhu cầu về nhà ở xã hội
(Chinhphu.vn) - Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, qua giám sát, nhận thấy không chỉ công nhân mà cán bộ công chức, viên chức cũng có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội. Ngoài ra, các văn nghệ sĩ, huấn luyện viên, vận động viên như các thành viên đội tuyển bóng đá nữ cũng có hoàn cảnh rất khó khăn về nhà ở.
Sáng 24/6, HĐND TPHCM tổ chức buổi giám sát UBND Thành phố về việc thực hiện Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố, Trưởng Đoàn giám sát và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tham dự buổi giám sát.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết việc gỡ bỏ những vướng mắc về mặt thủ tục đầu tư nhà ở xã hội mất rất nhiều thời gian. Nếu làm theo quy trình pháp luật thì phải mất tới 500 ngày để doanh nghiệp hoàn thành thủ tục đầu tư nhà ở xã hội. Vừa rồi, UBND Thành phố thống nhất chủ trương về 2 quy trình: Đất thuộc sở hữu doanh nghiệp thì theo quy trình ngắn nhất là 133 ngày, còn đất của Nhà nước thì mất 217 ngày. Khi ban hành quy định này, Thành phố có tham khảo các doanh nghiệp và nhận được sự đồng tình cao.
Ngoài ra, UBND Thành phố sẽ ra những hướng dẫn khung để làm nhà lưu trú công nhân, nhà trọ, ký túc xá, ban hành chậm nhất trong tháng 7 và sẽ triển khai ra các quận, huyện để ban quản lý các khu công nghiệp thực hiện.
Về vấn đề nhà ở xã hội, theo người đứng đầu chính quyền Thành phố, qua giám sát nhận thấy không chỉ công nhân mà cán bộ công chức, viên chức cũng có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội. Ngoài ra, các văn nghệ sĩ, huấn luyện viên, vận động viên như các thành viên đội tuyển bóng đá nữ cũng có hoàn cảnh rất khó khăn về nhà ở. Ông Mãi khẳng định trong chương trình nhà xã hội ở của Thành phố, sẽ tính đến chính sách để phục vụ đối tượng này. Thành phố cũng sẽ thuê tư vấn để nghiên cứu, có giải pháp giải quyết cho vấn đề nhà ở cho những người có nhu cầu.
Về vấn đề nhà trên kênh, rạch, Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu: "Tôi có nói với Giám đốc Sở Xây dựng rằng khi chúng ta kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn để nhà trên kênh rạch nhiều như thế, ở khu trung tâm còn những chung cư lụp xụp, ổ chuột như thế thì chúng ta chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nếu chúng ta chờ ngân sách với mười mấy nghìn tỉ thì đến năm 2030 chưa giải quyết xong", đồng thời cho biết chính quyền Thành phố đã đề nghị các địa phương tính toán lại quỹ đất, điều chỉnh một số quy hoạch các diện tích để khai thác quỹ đất này, lấy kinh phí để thực hiện; phấn đấu đến kỷ niệm 50 năm, Thành phố ít nhất cũng giải quyết được 20.000 nhà ở.
Sử dụng đúng mục đích quỹ đất để xây nhà ở xã hội
Cho ý kiến về nhà ở xã hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thị Lệ cho biết, theo báo cáo, số lượng nhà ở xã hội hoàn thành và đi vào sử dụng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn là 19/64 dự án. Việc triển khai tiến độ thế này là chậm.
Ngoài ra, số lượng nhà ở xã hội dự kiến phát triển ở giai đoạn 2021-2015 là 47 dự án tại 10 quận, huyện và TP. Thủ Đức mà tính đến quý I/2022, Thành phố mới hoàn thành 1/47 dự án. Đây là bài toán khó, yêu cầu cao và đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, hết sức nỗ lực.
Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị UBND cần tập trung đẩy nhanh Chương trinh phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 với chỉ tiêu và dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng, tương đương 35.000 căn hộ.
UBND Thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ dự án nhà ở thương mại có bố trí 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương 20% để sử dụng làm nhà ở xã hội hoặc nộp tiền tương đương 20% quỹ đất vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định 100 và Nghị định 49 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và có báo cáo cụ thể về Đoàn giám sát.
Ngoài ra, đề nghị UBND Thành phố có giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả đúng mục đích quỹ đất để xây nhà ở xã hội cũng như việc sử dụng nguồn tiền thu được tương đương 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố. Đề nghị UBND Thành phố ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương, đơn vị đã có quỹ đất sạch nhưng thiếu vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
UBND Thành phố cũng cần rà soát các quỹ đất công, quỹ đất xây dựng nhà lưu trú, nhà cho công nhân thuê trong các khu chế xuất hoặc khu công nghiệp; thực hiện việc đầu tư xây dựng các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm đảm bảo việc phát triển nhà ở đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng để tránh trường hợp nhà cửa xây xong nhưng hạ tầng chưa hoàn thiện.
Bên cạnh đó, cần sớm ban hành các quy trình, thủ tục rút gọn thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.
Quan tâm để có chính sách hỗ trợ tài chính để thu hút nhà đầu tư thực hiện dự án trong phạm vi thẩm quyền và đề xuất các cơ quan Trung ương trong phạm vi vượt thẩm quyền nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025 mà Nghị quyết 10 năm 2018 HĐND Thành phố đã ban hành.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, công khai các dự án nhà ở xã hội, các nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội, quỹ phát triển nhà ở của Thành phố để công nhân, viên chức, người lao động dễ dàng tiếp cận, đồng thời cần có sự quan tâm kiểm tra đảm bảo đúng đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, tránh việc cần thì không có, người không cần thì có.
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình, ông Nguyễn Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, giai đoạn 2016-2020, diện tích sàn nhà ở toàn Thành phố tăng thêm 53,7 triệu m2 sàn, trong đó nhà ở dân tự xây đóng vai trò chủ đạo, tăng 38,5 triệu m2 sàn; nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, đạt 13,98 triệu m2 sàn; nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn.
Về nhà ở xã hội, giai đoạn 2016-2020, xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án, diện tích sàn nhà ở xã hội toàn Thành phố tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 là 1,78 triệu m2 sàn). Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu phát triển 2,467 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội.
Anh Thơ