Không nên quá hoang mang, lo lắng vì các ca Omicron
(Chinhphu.vn) - Chiều 20/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế TPHCM tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì buổi họp báo.
Ông Phạm Đức Hải cho biết, đến nay, cả nước ghi nhận 108 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, trong đó Thành phố có 68 ca.
"Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Thành phố đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với biến chủng này. Thành phố trân trọng đề nghị người dân hết sức bình tĩnh, tiếp tục thiện hiện tốt quy định 5K và vaccine, ý thức của từng người dân sẽ giúp chúng ta kiểm soát được dịch bệnh", Phó Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.
Trước vấn đề hiện nay, việc khai báo y tế có biểu hiện lơ là, ông Phạm Đức Hải cho hay, khi Thành phố công bố liên tục đạt cấp độ dịch là cấp 1 thì qua khảo sát, còn khá nhiều cơ quan, đơn vị có biểu hiện lơ là, thực hiện chưa nghiêm việc khai báo y tế.
"Chúng tôi mong muốn người dân đừng vì mất một ít thời gian mà không thực hiện việc khai báo y tế. Ngoài ra, đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế; đề nghị các quận, huyện tằng cường nhắc nhở các cơ quan đơn vị phải thực hiện nghiêm việc này", ông Phạm Đức Hải cho biết.
Tính đến 18h ngày 19/1/2022, có 512.731 trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố. Hiện Thành phố đang điều trị cho 3.061 người dân, trong đó có 25 trẻ em dưới 16 tuổi, 232 bệnh nhân nặng đang thở máy, 17 bệnh nhân phải can thiệp ECMO. Trong ngày 19/1, có 172 bệnh nhân nhập viện; có 13 trường hợp tử vong.
Không thay đổi chủ trương cho học sinh quay lại trường sau Tết
Trước câu hỏi của phóng viên về việc Thành phố đã ghi nhận những ca mắc biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng, điều này có làm thay đổi chủ trương cho trẻ em đi học trở lại sau Tết hay không, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Thành phố thông tin, chủ trương dạy học trực tiếp sau Tết vẫn không có gì thay đổi. Tuy nhiên, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để theo dõi, cập nhật và đánh giá tình hình dịch bệnh, chủ động tham mưu cho lãnh đạo Thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc mở cửa trở lại.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, ngay từ ban đầu, thực hiện kế hoạch cho trẻ đi học trở lại, quan điểm và nguyên tắc là UBND các quận, huyện trên cơ sở diễn biến dịch bệnh tại địa phương, sự chuẩn bị của các cơ sở giáo dục, sẽ quyết định việc tổ chức đi học trực tiếp; những cơ sở giáo dục nào đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn thì sẽ mở cửa trước.
Ông Trọng cho biết thêm, trong tuần vừa qua, Sở GD&ĐT cũng đã tổ chức 2 hội nghị quán triệt triển khai và hướng dẫn cho từng cấp học, từ cấp mầm non, tiểu học, những hướng dẫn, quy định về công tác phòng, chống dịch để mỗi cơ sở giáo dục có sự chuẩn bị tốt nhất và chu đáo nhất nhằm chủ động thực hiện chủ trương này.
Về câu hỏi hiện nay vẫn còn 20 chợ chưa mở cửa hoạt động trở lại sau thời gian dịch bệnh, lý do tại sao và việc này có ảnh hưởng gì tới hoạt động bán hàng tự phát hay không, ông Nguyễn Huy Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố cho biết, Thành phố hiện có 233 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, trong đó qua đợt dịch vừa rồi, để phòng, chống dịch cũng như hạn chế tụ tập đông người thì các chợ đã tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, sau khi Thành phố mở cửa trở lại, các chợ truyền thống cũng hoạt động nhưng vẫn còn 20 chợ đóng cửa, nguyên nhân là do đa số chợ truyền thống trên địa bàn có thời gian xây dựng khá lâu, chủ yếu là trước 1975. Đến nay, nhiều đã chợ xuống cấp, một số chợ buộc phải di dời theo quy hoạch chung và một số chợ thì có đặc điểm là giáp với địa bàn các tỉnh bạn, chủ yếu là Bình Dương. Ở các chợ này, tiểu thương là người của tỉnh bạn và họ chưa quay trở lại chợ nên chợ rất khó để có thể trở lại như ban đầu.
Liên quan đến vấn đề buôn bán tự phát trong các khu vực chợ truyền thống, Sở Công Thương cũng đã làm việc với các quận, huyện, các chợ và đã có các phương án tham mưu cho lãnh đạo Thành phố, trong đó có gợi ý nhiều phương án, cách thức để từng bước đưa chợ hoạt động trở lại. Ông Phương cho biết thêm, công tác quản lý chợ truyền thống là do địa phương phụ trách, với những giải pháp do Sở tham mưu thì UBND Thành phố cũng đã có chỉ đạo các quận, huyện, tùy theo đặc điểm tình hình của từng địa phương để có lộ trình thực hiện.
Đối với tình trạng tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản trong thời gian gần đây, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu Công an Thành phố cho biết, từ ngày 15/12/2021, Công an Thành phố đã mở cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán 2022. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc Công an Thành phố và sự tập trung, cố gắng của công an các đơn vị địa phương và các đơn vị của Công an Thành phố, tình hình tội phạm về trật tự xã hội nói chung có chuyển biến nhất định.
Theo thống kê kết quả một tháng thực hiện cao điểm từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/1/2022 thì trên địa bàn Thành phố ghi nhận xảy ra 309 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 266 vụ so với tháng trước (46,46%), giảm 156 vụ so với cùng kỳ (33,55%). Bình quân, mỗi ngày Thành phố xảy ra 9,97 vụ phạm pháp hình sự. Trong đó, cướp giật và trộm cắp tài sản có 161 vụ, chiếm 55% tổng số vụ về trật tự xã hội. Tuy có sự giảm khá sâu so với cùng kỳ nhưng tội phạm về trộm cắp, cướp giật vẫn khá phức tạp. Công an Thành phố khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác, nâng cao ý thức trong bảo vệ tài sản của bản thân mình.
Anh Thơ