Khu CNC TPHCM hợp tác cùng Ansys phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn
(Chinhphu.vn) - Ngày 28/12, Khu Công nghệ cao (CNC) TPHCM đã ký hợp tác với Công ty Phần mềm Ansys (Hoa Kỳ) về phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.
Tham dự lễ ký có ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng BQL khu CNC TPHCM; TS. Lê Quốc Cường Phó Trưởng Ban quản lý Khu CNC TPHCM; TS. Lê Hoài Quốc Nguyên Trưởng Ban quản lý Khu CNC TPHCM; GS.TS Đặng Lương Mô, Cố vấn cấp cao Quốc gia về vi mạch bán dẫn; đại diện các trường đại học; các doanh nghiệp vi mạch: Intel, Synopsys, Cadance,Ampere Computing, Marvell technology group, Renesas, Sun Edu, ADTechnology, Quest Global…
Tại lễ ký, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu CNC TPHCM cho biết, các trường đại học là những đơn vị có thế mạnh về khoa học kỹ thuật và có mong muốn cùng tham gia phát triển đội ngũ nhân lực tài năng phục vụ ngành mô phỏng kỹ thuật đang phát triển trong khu vực. Mục tiêu hợp tác hướng đến giúp các bạn sinh viên gia tăng kinh nghiệm thực tiễn và học cách giải quyết những vấn đề kỹ thuật trong quá trình sử dụng các phần mềm mô phỏng.
"Chúng tôi rất trân trọng việc hợp tác cùng Ansys, công ty hàng đầu trong cung cấp các phần mềm mô phỏng kỹ thuật. Với cam kết mạnh mẽ từ công ty Ansys trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này, chúng tôi tin rằng sự hợp tác giữa Khu CNC TPHCM và Ansys sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Chương trình này sẽ tạo cơ hội cho các bạn sinh viên được tiếp cận công nghệ và phương pháp mới nhất trong mô phỏng kỹ thuật, đồng thời tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn để đạt được thành công trong lĩnh vực công nghệ cao. Chúng tôi tin việc hợp tác sẽ có đóng góp lớn cho việc nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm đào tạo Điện tử, Vi mạch bán dẫn (ESC), góp phần phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cho TPHCM cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Anh Thi chia sẻ.
Còn theo đại diện Ansys, thông qua hợp tác với Khu CNC TPHCM, doanh nghiệp có cơ hội cung cấp các công cụ phần mềm giảng dạy học thuật cùng các chương trình đào tạo liên quan cho các trường đại học trên địa bàn TPHCM thông qua Không gian đổi mới sáng tạo của Ansys.
Ông Rafiq Somani, Phó Chủ tịch Ansys khu vực Ấn Độ Dương và Nam Á nhấn mạnh: "Ansys rất vui được hợp tác cùng Khu CNC TPHCM để phát triển khả năng và kỹ năng của sinh viên về mô phỏng và thiết kế các sản phẩm công nghệ cao. Dòng phần mềm của Ansys bao gồm RedHawk, Sherlock, HFSS, PowerArtist mang đến những khả năng độc đáo để giúp các công ty điện tử và bán dẫn, nhà nghiên cứu và sinh viên đẩy nhanh quá trình thiết kế và đổi mới sáng tạo cho các sản phẩm công nghệ cao thế hệ tiếp theo.
Phần mềm này được nhiều công ty và trường đại học hàng đầu thế giới sử dụng để nâng cao năng lực của các sản phẩm công nghệ cao. Tôi tin rằng với phần mềm hàng đầu trong mô phỏng và thiết kế cùng với kiến thức chuyên môn toàn cầu của Ansys trong lĩnh vực này sẽ giúp Khu CNC TPHCM hiện thực hóa mục tiêu phát triển kỹ năng mô phỏng và khả năng thiết kế cho các ngành công nghệ cao. Ansys cam kết hỗ trợ Khu CNC TPHCM hiện thực hóa tầm nhìn của mình nhằm giúp phát triển ngành công nghệ cao tại Việt Nam".
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, phát triển công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và TPHCM. Để hiện thực hóa các chủ trương này và chủ động tận dụng các thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các chuyển dịch của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của những biến động trên thế giới, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành, đặc biệt là Khu CNC TPHCM khẩn trương tham mưu, chuẩn bị các điều kiện về cơ chế, chính sách, quỹ đất và đặc biệt là chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao để thu hút đầu tư trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trên cơ sở đó, Thành phố sẽ tập trung phát triển hạ tầng khoa học công nghệ, thêm cơ sở vật chất phục vụ cho các ngành công nghệ cao, trong đó có vi mạch bán dẫn, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia, mang tầm cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Do đó, việc mở rộng hệ sinh thái cộng tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn, đặc biệt là hợp tác với các công ty cung cấp các phần mềm để thiết kế và mô phỏng kỹ thuật của sản phẩm và chất bán dẫn rất quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Thành phố.
Sau lễ ký, các đại biểu tham dự đã đến thăm một số đơn vị đào tạo về điện tử và vi mạch bán dẫn thuộc Khu CNC TPHCM.
Ngọc Tấn