Làm đẹp môi trường sống bằng mảng xanh

19/12/2022 5:44 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều con hẻm trên địa bàn TPHCM được chính quyền địa phương và người dân cải tạo thành các mảng xanh. Hoạt động này không chỉ giúp môi trường sống trở nên xanh - sạch - đẹp mà còn góp phần hiện thực hoá kế hoach phát triển mảng xanh đô thị của thành phố.

Làm đẹp môi trường sống bằng mảng xanh - Ảnh 1.

Công trình “mảng xanh” tại hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 - Ảnh: VGP/Vũ Linh Nhi

Nhiều năm trở lại đây, tỉ lệ mảng xanh trên địa bàn TPHCM tăng đáng kể, nhất là khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, phong trào trồng cây xanh nở rộ và được người dân hưởng ứng nhiệt tình.

Rảo một vòng xung quanh các khu vực Quận 1, Quận 3… sẽ dễ dàng bắt gặp những hẻm xanh với đa dạng cây cảnh, được tạo dựng từ sự đồng thuận của chính quyền địa phương và người dân.

Tại hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, các mảng xanh bao trùm gần hết nhà dân, tạo nên cảm giác thoải mái, trong lành cho những ai qua lại nơi đây.

Làm đẹp môi trường sống bằng mảng xanh - Ảnh 2.

Mỗi buổi sáng, ông Minh dành thời gian ra chăm sóc cây - Ảnh: VGP/Vũ Linh Nhi

Đều đặn hai buổi sáng tối, ông Lê Phước Minh, bảo vệ dân phố cùng các hộ dân lại cùng nhau ra chăm sóc, tỉa cây, lâu dần mọi người xem đây là thói quen để tô thắm con hẻm nơi mình sống. Bên cạnh cây kiểng, Ban Điều hành khu phố còn hướng dẫn người dân trồng thêm các cây thuốc Nam như sả, gừng, hành, tần dày, ngải cứu, diếp cá, húng lủi… để sử dụng khi cần thiết.

Ông Minh cho biết, sau khi UBND quận phát động tạo mảng xanh, Tổ bảo vệ dân phố, Ban điều hành khu phố và người dân trong các con hẻm rất ủng hộ, cũng nhờ vậy mà các mảng xanh ngày càng được nhân rộng.

Làm đẹp môi trường sống bằng mảng xanh - Ảnh 3.

Bà Cẩm (áo tím) cùng các thành viên Ban điều hành Khu phố 6 rạng rỡ bên công trình mảng xanh - Ảnh: VGP/Vũ Linh Nhi

Còn theo bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, 63 tuổi, Tổ trưởng Khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão, mảng xanh không chỉ tạo nên không gian đẹp cho khu phố mà trong thời gian dịch bệnh, người dân vừa chăm sóc cây vừa tận dụng cây trong vườn thuốc Nam để làm giảm các triệu chứng nhiễm bệnh.

Nằm trong chuỗi hoạt động khu phố "xanh - sạch - đẹp", bà Cẩm cũng huy động các tình nguyện viên vẽ 38 bức tranh trên bức tường dài 150m để tuyên truyền về các chủ đề: Phân loại rác tại nguồn, mảng xanh, an toàn giao thông, bạo lực gia đình, tiêu chí xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch"...

Đặc biệt, nhiều cây xanh của hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai được nhân rộng ra  nhiều hẻm trên địa bàn như hẻm 134 Bùi Thị Xuân, 25 Tôn Thất Tùng, 152 Bùi Thị Xuân và Lương Hữu Khánh…

Làm đẹp môi trường sống bằng mảng xanh - Ảnh 4.

Tại hẻm 80 Cao Thắng, Phường 4, Quận 3, mảng xanh được hình thành đã khoác lên cho khu dân cư một lớp áo mới - Ảnh: VGP/Vũ Linh Nhi

Tại hẻm 80 Cao Thắng, Phường 4, Quận 3, mảng xanh mọc lên nhiều khiến con hẻm như được khoác lên mình tấm áo mới. Đặc biệt, người dân nơi đây còn nảy ra sáng kiến độc đáo bằng cách trang trí nhiều cây xanh xung quang mã QR - một biểu tượng của mùa dịch như để nhắc nhở nhau thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong giai đoạn "bình thường mới".

Làm đẹp môi trường sống bằng mảng xanh - Ảnh 5.

Hình ảnh mã QR - một biểu tượng của mùa dịch được người dân trang trí cây xanh xung quanh - Ảnh: VGP/Vũ Linh Nhi

"Những mảng xanh vừa làm đẹp cho con hẻm vừa mang lại niềm vui cho người dân. Mỗi buổi sáng đi bộ rồi chăm sóc cây cũng tạo nên thú vui lý tưởng", ông Trung, cư dân tại hẻm 80 Cao Thắng chia sẻ.

Việc xây dựng các mảng xanh trong khu dân cư không chỉ bảo vệ môi trường sống, hạn chế khói bụi, ô nhiễm mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Làm đẹp môi trường sống bằng mảng xanh - Ảnh 6.

Mảng xanh góp phần bảo vệ môi trường sống, giúp người dân có cuộc sống thoải mái hơn - Ảnh: VGP/Vũ Linh Nhi

Theo Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng thêm tối thiểu 150 ha đất công viên và 10 ha mảng xanh công cộng, tương đương trồng mới 10 triệu cây xanh các loại. TPHCM cũng phấn đấu đến năm 2030, đất công viên cây xanh đạt 1 m²/người, tăng 450 ha so với năm 2020.

Vũ Linh Nhi

Top