Làm gì để kinh tế TPHCM lấy lại đà tăng trưởng?
(Chinhphu.vn) - Chưa bao giờ người dân, doanh nghiệp cũng như các nhà làm chính sách quan tâm dõi theo “sức khỏe” kinh tế TPHCM như hiện nay, khi tăng trưởng quý I/2023 chỉ ở mức 0,7%, thấp nhất trong 40 năm qua.
TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu GDP, thu ngân sách của cả nước liên tục trong nhiều năm qua. Do đó, tăng trưởng kinh tế trong quý I của Thành phố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của cả nước. Đây là lúc rất cần có giải pháp, cách làm để có thể đột phá, nhanh chóng đưa kinh tế Thành phố lấy lại đà tăng trưởng, GRDP có thể đạt mức 7,5 đến 8% như mục tiêu đề ra cho năm 2023 và những năm tới.
Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn
Tín dụng: Tin vui đối với các doanh nghiệp trong cả nước là Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 02 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành thông tư 03 ngưng hiệu lực thi hành Khoản 11, Điều 4, Thông tư số 16 năm 2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư 03 được kỳ vọng góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, hiện lãi suất cho vay trung bình vẫn còn cao, tiếp cận vốn vay còn khó. Ngân hàng nhà nước cần có các giải pháp nghiệp vụ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi thường xuyên để có thể giảm thêm từ 1-1,5% lãi vay cho doanh nghiệp.
TPHCM là nơi đặt hội sở chính và chi nhánh của hầu hết các ngân hàng. Đây là lợi thế để các doanh nghiệp có hồ sơ vay vốn, các hợp đồng lớn được tiếp cận trực tiếp với lãnh đạo các ngân hàng, có thể nhanh chóng thẩm định, quyết định cho vay. Lúc này Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM nên "xắn tay" cùng vào cuộc với các ngân hàng, tập trung giải quyết cho từng doanh nghiệp cần cơ cấu nợ cũng như vay vốn mới. Không nề hà phân biệt doanh nghiệp nhỏ hay lớn.
Bất động sản: Tại TPHCM, có hàng trăm doanh nghiệp có dự án bất động sản bị vướng về pháp lý. Điều đáng mừng, với việc Chính phủ ban hành các nghị quyết, nghị định và những chỉ đạo quyết liệt thời gian vừa qua cùng với sự vào cuộc nhanh chóng của lãnh đạo UBND TPHCM, các sở, ngành liên quan, hiện đã có một số dự án trong số 156 dự án bất động sản gặp khó khăn đã được tháo gỡ.
Tuy nhiên, vấn đề lúc này là cần đẩy nhanh, xử lý dứt điểm từng vướng mắc cho từng dự án một. Nếu chậm trễ trong giải quyết các dự án dở dang sẽ kéo theo hệ lụy các nhà đầu tư không dám đầu tư các dự án mới. Lĩnh vực bất động sản tiếp tục "đóng băng" sẽ tác động ngay đến nguồn thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế của Thành phố và nhất là ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở bền vững cho người dân.
Đầu tư công: Khi hàng loạt dự án sử dụng vốn ngân sách đang được Thành phố triển khai, việc cần tập trung nhất hiện vẫn là khâu giải phóng mặt bằng để dự án có thể đưa nhanh vào thi công. Ngoài ra, tháo gỡ để có nguồn nguyên vật liệu cho các dự án lớn, kiểm soát giá cả vật liệu không để tăng nhanh gây đội vốn công trình là những yếu tố tác động đến tiến độ của công trình.
Cần đặc biệt sát sao với các dự án lớn đang dở dang như công trình chống ngập của Thành phố, dự án metro số 1… để đưa vào vận hành vào cuối năm nay như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Hạ tầng, chỉnh trang đô thị: Với một đô thị, cùng với việc tập trung đầu tư để trở nên hiện đại thì rất cần phải quan tâm đến sạch đẹp, văn minh. Từng công viên cây xanh cũng cần đầu tư, làm đẹp lại; từng tuyến đường cũng cần chăm sóc, duy tu nâng cấp. Tại TPHCM hiện nay, về xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp, cách làm của Phú Mỹ Hưng rất cần được phổ biến nhân rộng.
Việc xây dựng TPHCM trở nên hiện đại, sạch đẹp, văn minh không chỉ đảm bảo chất lượng cuộc sông cho người dân mà còn góp phần thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư sinh sống. Thành phố cần phải chắt chiu, bởi khi một nhà đầu tư đến, ở lại sẽ có tác động quảng bá đến những nhà đầu tư khác bỏ tiền đầu tư, sinh sống, lâu dài góp phần thúc đẩy kinh tế Thành phố phát triển. Thời gian qua chúng ta làm chưa tốt việc này.
Du lịch, kinh tế đêm: Nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch lữ hành xây dựng tour đến Thành phố trong các quý còn lại, đặc biệt dịp nghỉ hè sắp đến. Ngoài ra, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân mở rộng hoạt động kinh tế đêm lành mạnh tại các quận trung tâm như Quận 1, 3, 5… cũng sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng của Thành phố.
Tiêu dùng của người dân: Hơn lúc nào hết, chúng ta rất cần nâng mức chi tiêu, tiêu dùng của người dân bằng các chương trình kích cầu, giảm giá hàng tiêu dùng được sản xuất trên địa bàn Thành phố. Các doanh nghiệp cùng các siêu thị hợp tác để cùng xây dựng chương trình "người dân Thành phố sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Thành phố sản xuất", và có thể mở rộng ra đối với hàng nội địa sản xuất.
Dịch vụ công: Việc dám nghĩ dám làm của cán bộ, công chức Thành phố phải được khuyến khích, bảo vệ, để việc tổ chức các hoạt động dịch vụ công phục vụ người dân được nhanh hơn, giúp mang lại niềm tin cũng như giảm chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp.
Người dân, doanh nghiệp đang rất mong mỏi việc chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm kiểm định xe cơ giới tại TPHCM được nhanh hơn. Tránh gây khó khăn trong lưu thông, tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục cải cách hành chính, đặc biệt trong thủ tục giấy tờ khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, tạo niềm tin mạnh mẽ cho người dân khi sử dụng dịch vụ công.
Xuất khẩu: Các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn. Đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ cần ưu tiên trong điều hành của lãnh đạo Thành phố. Các chương trình xúc tiến thương mại cần có mục tiêu đối với những mặt hàng cụ thể, có thế mạnh của Thành phố. Không để doanh nghiệp tự đơn độc trong khâu tìm kiếm thị trường.
Thu hút kiều bào đóng góp trí tuệ, đầu tư: TPHCM có số lượng người ở nước ngoài rất đông, lượng kiều hối gửi về mỗi năm chiếm tới hơn 50% của cả nước, năm 2022 đạt khoảng 6,8 tỷ USD. Thành phố là nơi đặt trụ sở của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài. Do vậy, việc kêu gọi, tạo điều kiện cho bà con về đầu tư làm ăn cũng sẽ góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế Thành phố. Tuy nhiên, việc mời gọi bà con phải thật cụ thể, rõ ràng với từng dự án, lĩnh vực. Đặc biệt, tạo điều kiện để bà con được đứng tên nhà đất, được mua bất động sản tại Thành phố khi đang mang quốc tịch nước khác, không có quốc tịch Việt Nam.
Cơ chế, chính sách đặc thù
Để có được cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, TPHCM rất cần tìm hiểu mô hình tăng trưởng tại những thành phố lớn trong khu vực và thế giới có đặc thù cũng như quy mô dân số tương tự như Bangkok, Thượng Hải, Singapore..., để học hỏi những chính sách ưu việt.
Đặc biệt, Thành phố cần nhanh chóng hình thành một trung tâm tài chính quốc tế. Nếu làm được, đây sẽ là nơi các định chế tài chính lớn trên thế giới tìm đến, qua đó có cơ hội thu hút nguồn vốn cho TPHCM, các tỉnh khu vực phía nam cũng như cả nước.
Có cơ chế đặc thù cho người nước ngoài được mua đứng tên trên các bất động sản cao cấp, tăng tỷ lệ người nước ngoài sở hữu được nhà tại TPHCM (Thành phố có hơn 11.600 doanh nghiệp FDI).
Do quỹ đất còn ít nên Thành phố cần kiến nghị Chính phủ cho cơ chế để Thành phố bỏ ngân sách tạo các quỹ đất sạch phục vụ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Người lao động nhập cư từ các tỉnh đến Thành phố rất cao, đóng góp rất lớn cho phát triển của Thành phố, họ cần an cư, yên tâm để gắn bó làm việc lâu dài.
Vấn đề an sinh cho người lao động hiện chưa có gì ưu việt so với các địa phương khác trong khi chí phí sinh hoạt ở Thành phố đắt đỏ hơn các tỉnh xung quanh. Do vậy, nhà ở xã hội là một đột phá lớn. TPHCM hiện có trên 5 triệu lao động, nhu cầu nhà ở cho công nhân là vô cùng lớn và bức thiết.
Cuối cùng, dù đề xuất bao nhiêu ý kiến hay cơ chế đặc thù của Trung ương có trao nhiều quyền, tạo nhiều cơ chế thuận lợi thì điều kiện đủ là TPHCM phải có đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Chỉ như vậy mới có thể chắc chắn kết thúc năm 2023 và các năm tới, kinh tế Thành phố sẽ có được sự tăng trưởng, phát triển trở lại, như mong chờ của người dân cả nước.
Nguyễn Anh Tài