Lần đầu tiên sử dụng ECMO cứu trẻ mắc tay chân miệng nặng
(Chinhphu.vn) - BS-CK1 Võ Thành Luân, Phó Trưởng Khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết các bác sĩ tại đây vừa thực hiện phương pháp ECMO (tim, phổi nhân tạo) để cứu bệnh nhi T.N.Y (5 tuổi, ngụ TPHCM) bị tay chân miệng độ 4.
Đây là bệnh nhi đầu tiên trên cả nước thực hiện phương pháp này điều trị bệnh tay chân miệng.
Theo đó, qua khai thác bệnh sử, bé Y. có biểu hiện đau đầu, sốt cao được cho uống thuốc hạ sốt kết hợp lau mát nhưng không hạ. Sau đó 1 ngày, bé Y. vẫn sốt cao, ngủ gà, run tay chân, giật mình nhiều lần khi thức, thở mệt, da nổi bông tím toàn thân.
Gia đình đưa bé Y. vào bệnh viện tuyến dưới, tại đây bé được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4, xử trí đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Tại bệnh viện, bé Y. được thở máy, truyền IVIg (Immunoglobulin), sử dụng các thuốc vận mạch, trợ tim và can thiệp lọc máu liên tục. Tuy nhiên, do tổn thương tim nặng (hoại tử tế bào cơ tim, men tim tăng >5.000 lần so với bình thường); loạn nhịp phức tạp, rơi vào cơn nhịp nhanh thất, ảnh hưởng huyết động. Các bác sĩ đã xử trí sốc điện nhiều lần, truyền thuốc chống loạn nhịp và hồi sức tim phổi ngoài lồng ngực nhưng vẫn không cải thiện.
Do đó, đã hội chẩn toàn viện. Sau khi thăm khám, đánh giá tình trạng người bệnh, các bác sĩ nhận thấy bé Y. dù có tổn thương tim, phổi nặng nhưng vẫn có đáp ứng về thần kinh nên đã quyết định can thiệp kỹ thuật ECMO cho bé.
"Tại thời điểm chuẩn bị can thiệp ECMO, tim bệnh nhi suy yếu dần, nhịp tim giảm và rời rạc, huyết áp tụt liên tục. Các bác sĩ phải luân phiên hồi sức tim phổi, xoa bóp tim ngoài lồng ngực đồng thời khẩn trương lắp đặt và vận hành hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể" - bác sĩ Luân cho hay.
Sau 5 ngày chạy ECMO cùng thở máy, lọc máu, vận mạch, trợ tim, dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn... ghi nhận lâm sàng của bé có cải thiện; tổn thương tim bắt đầu hồi phục, các cơ quan khác và thần kinh ổn định bé được cai ECMO. Kết quả xét nghiệm phân dương tính với EV71, loại tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng.
BS-CK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19 cho biết, khoa là nơi tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng mức độ nặng. Các bé hầu như đáp ứng tốt với phác đồ điều trị hiện hành. Nhưng bé Y. là trường hợp đặc biệt đầu tiên tại bệnh viện và cả nước được thực hiện kỹ thuật ECMO như một biện pháp sống còn.
Sau 3 tuần điều trị, hiện sức khoẻ bé đã ổn định, thần kinh cải thiện tốt, ăn uống bình thường và sẽ xuất viện trong thời gian sớm nhất
Dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng tại TPHCM tiếp tục tăng nhanh
Tính từ ngày 24/7 đến ngày 30/7 (tuần 30), số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh tại TPHCM, với 2.665 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,4 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.862 ca.
Tại 21/22 quận huyện (trừ huyện Cần Giờ) ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 30 tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.
Trong tuần 30, TPHCM cũng ghi nhận 291 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 18,8% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, huyện Bình Chánh và Quận 8.
Để phòng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đề nghị người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế.
Nguyễn Trần