Linh hoạt các hình thức tổ chức dạy và học trong năm học mới

25/08/2022 12:42 PM

(Chinhphu.vn) - Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tiếp tục vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, tiếp tục mở rộng mô hình "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế"...

Linh hoạt các hình thức tổ chức dạy và học trong năm học mới - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc năm học 2021-2022 - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Sáng 25/8, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ… tham dự Hội nghị.

Theo Sở GD&ĐT Thành phố, năm học 2021-2022, ngành giáo dục Thành phố có một số hạn chế do năm học diễn ra trong điều kiện kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn; có sự điều chỉnh trong một số quy định từ Bộ GD&ĐT; nhiệm vụ công tác giáo dục tăng thêm do việc triển khai chương trình, sách giáo khoa đòi hỏi công tác bồi dưỡng, tập huấn triển khai đồng loạt; tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, phải thực hiện giãn cách xã hội; việc xây dựng phương án tổ chức dạy học sao cho phù hợp với điều kiện thực tế trong từng giai đoạn trong lúc các quy định, hướng dẫn chưa thật sự đồng bộ đã có những sự lúng túng trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ, công tác.

Ngoài ra, áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số trường và số phòng học chưa đủ để đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Nhiều trường có sĩ số các lớp đông nên giáo viên rất vất vả trong việc giảng dạy và bao quát học sinh.

Linh hoạt các hình thức tổ chức dạy và học trong năm học mới - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc năm học 2021-2022 - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Giai đoạn dạy học trực tuyến khá dài, một số học sinh không có thiết bị học tập, thời gian tương tác giữa giáo viên và học sinh ít, làm ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập của học sinh, nhất là học sinh lớp 1; giáo viên cần có thêm thời gian để giúp đỡ cho các em khi đi học trực tiếp trở lại. Việc học trực tuyến một thời gian dài cũng ảnh hưởng đến tâm lí và kỹ năng sống của học sinh.

Đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, về tinh thần tự giác và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, của ngành giáo dục ở một số trung tâm còn chưa tốt. Một số trung tâm chưa quan tâm đến nâng cấp cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sử dụng lao động người nước ngoài, công tác phòng cháy chữa cháy, nội dung quảng cáo chưa đúng theo giấy phép được cấp. Công tác thông tin liên lạc, cập nhật báo cáo chuyên môn,… ở một số trung tâm chưa thực hiện nghiêm túc.

Linh hoạt các hình thức tổ chức dạy và học trong năm học mới - Ảnh 3.

Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm học 2022-2023, ngành giáo dục đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lí nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục; Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Phát triển mạng lưới triển Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, 7 và 10, nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 4, 8 và 11; Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Song song với đó, ngành giáo dục tiếp tục vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, tiếp tục mở rộng mô hình "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế", tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo.

Trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục tiếp tục phát triển các kho học liệu số dùng chung toàn ngành gồm bài giảng điện tử, bài giảng trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác, phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Đặc biệt, công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh; tiếp tục rà soát các điều kiện đầu tư, chính sách thuế, đất đai trong lĩnh vực giáo dục nhằm cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho nhà đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm thông tin thông suốt, minh bạch, giải quyết kịp thời những thắc mắc của nhà đầu tư trong quá trình thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Linh hoạt các hình thức tổ chức dạy và học trong năm học mới - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, năm học mới, để tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố cần tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch; tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy vai trò và tiếng nói của đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành giáo dục thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 chủ động, linh hoạt, kiên trì thực hiện mục tiêu chất lượng giáo dục.

Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, các nguồn lực xã hội hóa. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông.

Một việc rất quan trọng, theo Thứ trưởng, đó là ngành giáo dục và đào tạo Thành phố cần thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

Cụ thể, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong điều kiện mới và triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới. Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non, đảm bảo đủ trường lớp, nhất là ở nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất. Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo. Tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục.

Ngành giáo dục và đào tạo Thành phố cũng cần chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và việc triển khai thực hiện; tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội.

Tại Hội nghị, UBND TPHCM đã trao tặng bằng khen "Tập thể lao động xuất sắc năm học 2021-2022" cho 125 tập thể đã có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo Thành phố.

Anh Thơ

Top