Lực lượng PCCC tại chỗ xử lý 75% sự cố cháy nổ tại TPCHM

09/08/2019 8:15 AM

(Chinhphu.vn) - Thành công lớn nhất của Đề án Nâng cao năng lực phòng cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TPHCM ngang tầm với các nước trong khu vực là xây dựng được lực lượng PCCC tại chỗ. Lực lượng này đã tham gia xử lý gần 75% sự cố về cháy, nổ trên địa bàn Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thu Lê

Ngày 8/8, Công an TPHCM đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Đề án Nâng cao năng lực phòng cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TPHCM ngang tầm với các nước trong khu vực (Đề án) và 2 năm triển khai Dự án Quy hoạch ngành phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn TPHCM đến năm 2025 (Dự án).

Tại Hội nghị, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, từ năm 2014-2018, trên địa bàn TPHCM xảy ra 7.240 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó có 6.245 vụ cháy, làm chết 85 người, bị thương 238 người, gây thiệt hại tài sản gần 857 tỷ đồng. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sơ xuất trong sử dụng hệ thống, thiết bị điện, bất cẩn trong sinh hoạt sản xuất hoặc do đốt cỏ, rác gây cháy lan.

Theo Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, nhận thấy tình hình cháy, nổ và các hoạt động yêu cầu kịp thời cứu hộ, cứu nạn ngày càng gia tăng, Công an TPHCM đã xây dựng, bồi dưỡng lực lượng PCCC tại chỗ. Lực lượng này thường xuyên kiểm tra, tuần tra, canh gác nhằm phát hiện những thiếu sót trong công tác phòng cháy và xử lý kịp thời các sự cố cháy nổ ngay khi mới phát sinh tại cơ sở.

Trên địa bàn Thành phố hiện lập đủ 1.991 đội dân phòng trên 1.991 khu phố, ấp với tổng số 21.461 đội viên gồm nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau. Thành phố cũng đã thành lập 41.461 đội PCCC cơ sở với 305.038 đội viên.

Trong thời gian thực hiện Đề án, lực lượng PCCC tại chỗ đã kịp thời xử lý 4.650/6.245 sự cố về cháy, chiếm tỷ lệ 74,45% trên tổng số các sự cố về cháy trên địa bàn Thành phố. Phối hợp tham gia chữa cháy 1.595 vụ cháy với lực lượng Cảnh sát PCCC.

Đối với công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an Thành phố đã kiểm tra an toàn PCCC 374.064 lượt cơ sở, lập biên bản kiểm tra, phát hiện kịp thời các cơ sở nguy hiểm về cháy nổ. Trực tiếp chữa cháy 1.591 vụ trên tổng số sự cố về cháy trên địa bàn Thành phố, cứu được 712 người, tìm 209 thi thể nạn nhân giao lại cho địa phương.

Ngoài ra, Công an Thành phố đã huy động lực lượng tham gia chi viện cứu nạn, cứu hộ tại một số địa phương. Hỗ trợ, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn tỉnh Bình Dương trục vớt tàu và thi thể nạn nhân trong vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký. Tham gia hỗ trợ lực lượng cứu nạn, cứu hộ tỉnh Lâm Đồng trong vụ sập đường hầm tại công trình thuỷ điện Đạ Dâng-Đạ Chomo, huyện Lạc Dương.

Lực lượng Cảnh sát PCCC đã nỗ lực tham mưu, triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm kiềm chế tình hình cháy, nổ, tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, hiện tại năng lực của lực lượng PCCC còn chưa đạt như kỳ vọng, chưa ngang bằng với những nước tiên tiến trong khu vực.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp/dân số còn chiếm tỷ lệ thấp so với các nước trong khu vực, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, huấn luyện còn kém, lạc hậu, chưa xứng tầm…

Các phương tiện phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu phương tiện bảo đảm đảm thường trực cho công tác PCCC.

Việc triển khai, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm kết nối với Trung tâm chỉ huy chữa cháy của Thành phố tại các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ chưa bảo đảm tiến độ đề ra (Thành phố mới chỉ có 1.381/12.481, chiếm tỷ lệ 11,06% cơ sở lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm), gây khó khăn cho việc dự báo, phát hiện, xác định và xử lý sự cố cháy.

Đại diện Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cho biết, tới nay Tổng Công ty đã cơ bản bảo đảm nguồn nước phục vụ PCCC trên địa bàn TPHCM, tuy nhiên, tình trạng nước yếu, thiếu còn xảy ra cục bộ ở một số vị trí cuối nguồn ở Huyện Bình Chánh.

Hiện vẫn còn 1.032/1.190 trụ nước chữa cháy được lắp đặt mới nhưng chưa được bàn giao, Tổng Công ty sẽ khẩn trương thực hiện bàn giao theo quy chế phối hợp giữa Tổng Công ty và Cảnh sát PCCC Thành phố, sớm đưa vào sử dụng phục vụ công tác PCCC trên địa bàn.

Hiện Tổng Công ty cũng đã có nghiên cứu sơ bộ và đề xuất xây dựng các bể chứa phân phối trung gian, các trạm bơm tăng áp trên mạng lưới cấp nước để phân phối nước cho các khu vực, điều hoà áp lực, lưu lượng tối ưu cho từng khu vực bảo đảm an toàn cấp nước.

Đối với ngành giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cho biết, Sở đã có chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại đơn vị.

Các trường học phải lập phương án PCCC, đầu tư trang thiết bị, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức tập rượt cho nhân viên, giáo viên, học sinh về an toàn PCCC với những tình huống diễn tập cụ thể.

Đặc biệt, tại thời điểm đầu năm học, các trường thường tổ chức lễ hội tập trung đông người, nhiều vật dễ gây cháy nổ, Sở cũng đã yêu cầu đưa tiêu chí an toàn lên đầu tiên, bố trí sẵn sàng hệ thống PCCC và liên hệ ngay với lực lượng PCCC khi cần.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:VGP/Thu Lê

Đại tá Lê Tấn Bửu, nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC Thành phố đánh giá, thành công lớn nhất của Đề án Nâng cao năng lực phòng cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TPHCM ngang tầm với các nước trong khu vực là xây dựng được lực lượng PCCC tại chỗ.

“Trong thời gian thực hiện Đề án, lực lượng này đã tham gia xử lý gần 75% sự cố về cháy, nổ trên địa bàn Thành phố, đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của Phong trào toàn dân PCCC”, Đại tá Lê Tấn Bửu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC Thành phố, điều kiện hoạt động, phương tiện PCCC, cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC còn nhiều hạn chế, khó khăn, công tác phối hợp với các lực lượng còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhất định. Tính chuyên nghiệp của lực lượng Cảnh sát PCCC cũng cần phải được rèn luyện, phấn đấu thêm để ngang tầm với các nước trong khu vực.

Hiện, các phương tiện PCCC đều rất đắt tiền, 99% phải mua từ nước ngoài, trong khi số trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu chiếm đến 30% gây trở ngại cho công tác PCCC.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ ngày càng có nhiều khu chung cư, nhà cao tầng, các công trình ngầm, nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp; đồng thời với đó là áp lực dân số tăng nhanh, hoạt động sản xuất tiêu dùng tăng; cộng với những tác động của biến đổi khí hậu… dẫn tới tình hình cháy, nổ dự báo sẽ diễn biến phức tạp và có nguy cơ tăng cao.

Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án và Dự án, Thành phố giao cho Công an TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Thành phố ban hành Tiêu chuẩn đặc thù trong công tác phòng cháy, chữa cháy; phối hợp rà soát các quy định pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời.

Thu Lê

Top