Muốn có chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc
(Chinhphu.vn) - Để có nguồn thực phẩm an toàn, TPHCM đang tích cực triển khai đẩy mạnh chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa các nhà phân phối lớn trên địa bàn với các doanh nghiệp sản xuất tại các tỉnh, thành.
Thông tin tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ 4.0 trong chuỗi cung ứng thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc" diễn ra tối 22/10, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết hiện nay có rất nhiều sản phẩm thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đi các quốc gia trên thế giới và được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, cũng thực phẩm này cung cấp cho thị trường nội địa thì có lúc lại phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng và trở thành nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Theo ông Phương, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cần phải giải quyết từ gốc rễ thay vì chỉ kiểm soát tại ngọn là kiểm tra các điểm bán. Vào tháng 3/2024, TPHCM đã triển khai chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố (còn được gọi là Tick xanh trách nhiệm) với sự tham gia của 8 nhà phân phối hàng đầu trên địa bàn.
Theo đó, Sở Công Thương TPHCM đang phối hợp cùng các bên liên quan xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí dùng chung của tất cả các đơn vị tham gia. Sản phẩm của các đơn vị này sẽ được xem xét đánh dấu "tick xanh" và được hỗ trợ ưu tiên từ các hệ thống phân phối lớn.
Với những sản phẩm sản xuất vi phạm, không đáp ứng yêu cầu sẽ mất thị trường. Đặc biệt, khi sản phẩm bị 1 hệ thống phân phối phát hiện vi phạm cam kết sẽ phát thông báo cho các hệ thống phân phối còn lại. Với cách làm này, ông Phương cho rằng khả thi và căn cơ hơn so với việc thanh tra giám sát thị trường như đang làm.
Là doanh nghiệp đang thực hiện theo cam kết "Tick xanh trách nhiệm", ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho biết để có sản phẩm an toàn, đảm bảo đúng cam kết thì phải thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Theo đó, từ 10 năm trước, Vissan đã ứng dụng công nghệ 4.0 để truy xuất nguồn gốc thịt sản phẩm tươi sống. Không riêng thực phẩm tươi sống, sắp tới Vissan sẽ áp dụng cho các sản phẩm chế biến như lạp xưởng, bò viên... để người dùng yên tâm về chất lượng khi mua sản phẩm.
Ông Khoa nhận định, trở ngại lớn hiện nay là việc thực hiện truy xuất này nếu chỉ TPHCM làm mà các địa phương khác không tham gia thì vẫn sẽ lọt sản phẩm không an toàn vào thị trường TPHCM. Do vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các bên liên quan để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá chương trình, tăng độ nhận biết của doanh nghiệp, người tiêu dùng về chương trình này.
Nhiều DN mong muốn được TPHCM kết nối, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc
Theo Sở Công Thương TPHCM, Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố "Tick xanh trách nhiệm", được triển khai từ tháng 3/2024 đến nay, ngoài 8 hệ thống bán lẻ lớn hàng đầu Việt Nam đã tham gia, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh cũng rất quan tâm và đang tìm hiểu tham gia.
Vào cuối tháng 9/2024, tại sự kiện kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và 2.000 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước, Sở Công Thương Thành phố cũng đã đẩy mạnh thông tin, phổ biến cũng như tổ chức kết nối giữa các nhà phân phối với các DN sản xuất trên cả nước để phổ biến, đẩy mạnh chương trình "Tick xanh trách nhiệm".
Là nhà bán lẻ chiếm thị phần hàng đầu tại TPHCM, đại diện Saigon Co.op cho biết, đơn vị đã thiết lập quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, từ vùng nguyên liệu, sản xuất ở nhà máy cho đến quá trình lưu thông sản phẩm trong hệ thống. Đến nay, Saigon Co.op cũng đã ký kết với hàng trăm nhà cung cấp, đồng thời vận động thêm nhiều nhà cung cấp tìm hiểu, tham gia chương trình.
Mới đây, nhằm tiếp đẩy mạnh chương trình, vào trung tuần tháng 10/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TPHCM phối hợp với Sở Công Thương thành phố cùng tổ chức hội nghị triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa tỉnh Đồng Nai và TPHCM.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cho rằng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM để kết nối tiêu thụ nông sản vào hệ thống các siêu thị sẽ là cơ hội để các HTX, DN của Đồng Nai mở rộng, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định lâu dài cho sản phẩm.
Tại buổi kết nối, hơn 70 DN, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản của tỉnh Đồng Nai đã gặp gỡ bộ phận quản lý chất lượng của các nhà bán lẻ lớn tham gia chương trình "Tick xanh trách nhiệm" gồm Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Satra… Các doanh nghiệp Đồng Nai mong muốn được TPHCM kết nối, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng tốt nhất để đưa sản phẩm ra thị trường lẫn xuất khẩu.
Anh Lê