Năm bản lề 2023 đã chuyển

24/01/2023 9:31 AM

(Chinhphu.vn) - Năm nay, đang trong tiết đại hàn nhưng không rét đậm, hình như tiết lập xuân đến cùng năm mới, nên đất nước chuyển mình trong ấm nắng hanh.

Năm bản lề 2023 đã chuyển - Ảnh 1.

Năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Đây thực sự là một điểm sáng ấn tượng trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Đặc biệt hơn, Việt Nam có mức xuất siêu vượt 11 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với 2021.

Đất trời hân hoan, "cây xanh tươi ra lá trổ hoa, chào mùa xuân về với mọi nhà". Nhìn lại một năm phức tạp 2022 đã qua với bao khó khăn, thách thức: Ngay từ đầu năm dịch bệnh vẫn còn diễn biến chưa biết khi nào kết thúc, kinh nghiệm "chống dịch như chống giặc liệu" có còn thích ứng nữa không? Bên trong, bất ổn "bong bóng" của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng, khả năng chống chịu của nền kinh tế, năng lực tự chủ của nền kinh tế vốn còn thấp… Bên ngoài, khủng hoảng đứt gãy các chuỗi cung ứng, đóng băng các thị trường chưa có "lối ra"; cùng lúc với nhiều phát sinh đột xuất, nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn biến khó lường, biến động giá cả xăng dầu, giá cả nguyên vật liệu đầu vào…

Vậy nhưng trong điều kiện "bình thường mới", Việt Nam đã có một năm 2022 "bung ra" một cách "xuất thần". Cùng một số thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc từng bước ứng phó để tìm giải pháp phục hồi, Việt Nam có kinh nghiệm ứng phó với biến động giá xăng dầu và kiểm soát nó, kiểm soát được giá và lạm phát nói chung. Việt Nam phục hồi được sức sản xuất, trong đó ngành du lịch cơ bản trở về trạng thái trước dịch với tiềm năng thu hút khách (trong nước và quốc tế); nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đều có cơ hội tăng trưởng và phát triển. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thừa nhận trong "bức tranh xám màu" của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam năm 2022 là một trong những "điểm sáng" về tăng trưởng, cũng như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Cuối năm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá năm 2022 Việt Nam đạt được nhiều kết quả "tương đối ấn tượng và tích cực" trong phát triển kinh tế xã hội: Mức tăng trưởng GDP hơn 8% (vượt xa mục tiêu đề ra và là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD… Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu về thương mại; các ngành, các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh. Năm 2023 là năm bản lề, năm vô cùng quan trọng.

Năm "bản lề" ấy trước hết là bản lề trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 cơ cấu lại nền kinh tế đất nước - một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương. Thực chất và mục tiêu của cơ cấu lại nền kinh tế là củng cố và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt và phối hợp hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Năm bản lề ấy thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm "tăng tốc" ổn định, vững chắc, với đích hướng đến là đạt mục tiêu đến năm 2025 kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tạo tiền đề cho 5 năm tiếp theo (2025-2030) với đích hướng đến là đạt mục tiêu đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng.

Nhưng cũng cần lường trước năm 2023 có rất nhiều khó khăn, thách thức với tình hình diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, cả trong nước, trong khu vực và quốc tế. Sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới, nhất là ở các quốc gia lớn; xu thế lạm phát đang tăng nhanh gây ra hệ lụy và tác động tới kinh tế và thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong nước, nhiều vấn đề nội tại còn chưa được giải quyết, trong đó có cả yêu cầu củng cố ổn định nền tảng vĩ mô, duy trì sự tăng trưởng cao không có áp lực từ những năm trước đó bị suy giảm, thậm chí bị "nén lại".

Làm sao để kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới? Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ ra hướng tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; đẩy nhanh chuyển đổi số; khai thác bền vững nguồn lực đất đai; khơi thông các rào cản cho phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo; làm lành mạnh hoá thị trường tài chính, bất động sản; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp; đặc biệt là giải quyết thật tốt vấn đề lao động việc làm.

Năm bản lề 2023 đã chuyển - Ảnh 2.

Trải qua hai năm ảnh hưởng đại dịch COVID-19, người dân Thành phố Hồ Chí Minh đón tết Quý Mão 2023 trong không khí ấm áp, an vui… - Ảnh: VGP

Nhìn lại chặng đường đã qua, Việt Nam đã vững vàng vượt qua nhiều thăng trầm, khó khăn, thử thách, bao phen "biến nguy thành cơ". Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc thấm sâu trong lớp lớp người Việt Nam từ những ngày đầu nền dân chủ cộng hòa, đến nay đã tạo thành niềm tin, sự thống nhất, đồng thuận trong toàn xã hội theo yêu cầu "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", nhất quyết xây dựng giang sơn tự chủ, tự cường.

Lời người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến chiều ngày 3/1/2023 đã nhấn mạnh hướng đi đúng: "Tư tưởng phải thống nhất, quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, giải quyết kịp thời các kiến nghị, vướng mắc của các địa phương".

Chính phủ giao cho TPHCM cửa ngõ phía Nam của Tổ quốc, chỉ tiêu dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 469.375 tỷ đồng, chiếm 26,05% tổng dự toán thu cả nước, tăng 21,42% so với dự toán năm 2022.

Đúng thôi, vì năm 2022 Thành phố đạt tốc độ tăng trưởng GRDP ngoạn mục hơn 9% (vượt kế hoạch đề ra năm 2022 là 6-6,5%); Thành phố xây dựng 17 chỉ tiêu chủ yếu phù hợp với tình hình thực tế trong năm 2023 phân chia thành 5 nhóm: Nhóm 7 chỉ tiêu về kinh tế; nhóm 3 chỉ tiêu về xã hội; nhóm 2 chỉ tiêu về đô thị; nhóm 1 chỉ tiêu về cải cách hành chính; nhóm 4 chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội. Thành phố lấy chủ đề năm 2023 "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội". 

Nhiều tờ báo xuân đã viết nhiều, bàn kỹ về mục tiêu năm 2023 của TPHCM là giữ vững ổn định, ngăn chặn suy giảm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo sức khỏe nhân dân.

Có một thời hơn 50 năm trước, cả nước "lắng nghe phút giao thừa đang chuyển; Bác Hồ gọi! Ấy là mùa Xuân đến". Từ khi đất nước đổi mới, nhất là từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Việt Nam đang từng bước "sánh vai với các cường quốc năm châu". Vượt qua thách thức năm 2022 là cơ sở giúp Việt Nam tự tin trong năm 2023 tiếp tục đà thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu xuân, nghe Bí thư Thành ủy nói như tâm sự mà thấy ấm lòng: "Trong hành động thì tư cách đạo đức, thái độ phục vụ là quan trọng chứ không chỉ trình độ. Phải biết làm gì cho dân, cho nước trên cương vị của mình, đó là sự tự trọng tối thiểu. Phải đặt mình vào trách nhiệm thì mới gỡ được các điểm nghẽn để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn".

Ta tràn đầy hy vọng về một năm mới bắt đầu từ hôm nay!

Xuân Quý Mão, 2023

Hà Minh Hồng

Top