Người Sài Gòn

26/06/2011 12:00 AM

Thành phố Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, đã 300 tuổi, liệu đã thành tạo một "Người Sài Gòn" chưa? Sài Gòn trong thời cận hiện đại cũng là một trung tâm văn hóa - kinh tế lớn của đất nước và khu vực, 300 năm văn hóa có chăng đã kết tụ một "người Sài Gòn".

"Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức viết vào khoảng năm 1820, có đoạn "Vùng Gia Định nước Việt Nam, đất đai rộng, lương thực nhiều, không lo đói rét, nên dân ưa sống xa hoa, ít chịu súc tích, quen thói bốc rời, Người tứ xứ, nhà nào tục nấy. Đất thuộc sao Dương Châu, gần Mặt trời, khí hậu nóng bức, nên người Gia Định trọng tiết nghĩa...". Ở đoạn tiếp sau, viết: "Gia Định có vị trí nam phương dương minh, nên người khí tiết trung dũng, trọng nghĩa khinh tài rất nhiều, giai nhân mỹ nữ cũng lắm..."

John White, một du khách người Anh đến Sài Gòn vào đầu những năm hai mươi của thế kỷ mười chín. Khi trở về Luân Đôn, năm 1824 ông cho xuất bản sách "A voyage to Cochinchina", trong sách, ông ghi lại một số cảm nhận của người dân ở Sài Gòn: "Nhiều phụ nữ đẹp rất đúng mực và có nước da đặc biệt tươi sáng, cử chỉ của họ rất quyến rũ mà không có gì là thiếu đứng đắn...". Sau khi đi dạo phố về, tác giả viết: "Chúng tôi rất thỏa mãn về tất cả những gì chúng tôi nhìn thấy, mang theo cảm tưởng tốt đẹp nhất về phong tục và tính tình của dân chúng. Những sự ân cần, lòng tốt và sự hiếu khách mà chúng tôi thấy đã vượt quá cả tất cả những gì mà chúng tôi đã quan sát đến nay tại các quốc gia châu Aá, khiến chúng tôi không thể tưởng tượng một dân tộc như vậy lại có thể khác được..."

Năm 1937, nhà văn Hồ Biểu Chánh, một thời nổi tiếng ở miền Nam với lối hành văn "rất Nam bộ" đã miêu tả lại cảnh chợ đêm ở Sài Gòn, có cảnh như sau: "Tại các cửa lớn, người ta tụ lại chật nức, trai chải đầu láng mướt, gái thoa môi đỏ lòm, già ngậm thuốc điếu phì phà khói bay tưng bừng, mẹ dắt tay bầy con, đứa chạy trước nghinh ngang, đức theo sau núc ních, kêu nhau inh ỏi, tốp chen lấn mua giầy, tốp ùng ùng vô cửa, người mặc y phục đàng hoàng, chung lộn với kẻ bình dân lao động không ai ngại chi hết, mà coi ra thì trên gương mặt mỗi người đều có vẻ hân hoan hớn hở..."

Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh cũng giống với Hà Nội, là nơi quy tụ của nhiều nguồn người dân. Hà Nội là chốn kinh kỳ, thuở xa xưa bốn phía là bốn trấn, Hà Nội dân bốn trấn về làm ăn sinh sống, cái mà dân gian gọi là "dân tứ chiếng". Đất Sài Gòn xưa cũng là nơi quy tụ của dân từ nhiều nơi trong nước. Sách Phủ biên tập lục của Lê Quý Đôn cho biết chúa Nguyễn đã chiêu mộ những người "có vật lực" từ xứ Quảng Nam, xa hơn là Trung và Bắc Trung bộ đến khẩn hoang lập ấp. Người đến Sài Gòn trong buổi ban đầu ấy đủ các thành phần, những người "có vật lực", nông dân nghèo đói vì mất đất, mất mùa vì chiến tranh, thợ thủ công, thương nhân tìm nơi làm ăn buôn bán, binh lính đồn trú, quan lại được bổ nhiệm (phần nhiều trong số này đến vùng Sài Gòn - Gia Định thường là bị Nhà nước "kỷ luật"), những tội nhân bị lưu đày, và cả những tội phạm trốn tránh truy nã và cả những kẻ du đảng... Các "tứ chiếng" của Sài Gòn "rộng" đến như vậy, có khác với Hà Nội.

Một cái "tứ chiếng" khác nữa của Sài Gòn - Gia Định mà Trịnh Hoài Đức, trong sách của mình, gọi là "tứ phương tạp xứ", ấy là không chỉ người Việt, Sài Gòn là nơi quy tụ của nhiều người, từ nhiều quốc gia khác đến. Về mặt địa lý, Sài Gòn nằm trên một ngã tư quốc tế, các con đường hàng hải thế giới từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây đều cách Sài Gòn không xa. Nếu lấy một bán kính khoảng 2.500 km, thì Sài Gòn trở thành trung tâm điểm của khu vực Đông Nam Aá, tiếp cận với Đông Aá. Trịnh Hoài Đức đã viết: "Tại hai huyện Bình Dương và Tân Long, dân cư trù mật, phố chợ liền lạc, nhà cột, nhà ngói liên tiếp nhau, nói nhiều thứ tiếng như Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam và các thứ tiếng phương Tây, Xiêm La... Tàu biển đến buôn bán qua lại, cột buồm liên tiếp, tụ tập cả trăm thứ hàng hóa, là nơi đô hội lớn ở Gia Định, cả nước không đâu bằng...".

Xin lưu ý, Sài Gòn và Hà Nội cũng là nơi quy tụ người bốn phương, "tứ xứ", nhưng cái diện quy tụ của Sài Gòn rộng hơn, đa dạng hơn. Sài Gòn có khác Hà Nội, nếu Hà Nội là một đô thị mang tính hướng nội, thì Sài Gòn vừa là đô thị vừa là một bến cảng quốc tế, có xu hướng "mở". Vào giữa thế kỷ XIX, Pallu de la Barrière, cũng là một người phương Tây, đến thăm Sài Gòn đã nhận xét: "Hàng ngàn con thuyền chen chúc vào bờ sông và tạo thành một thành phố nổi nhỏ. Người An Nam, người Âấn và người Tàu, vài người lính Pháp và Tagal (Phi Luật Tân) đi đi lại lại tạo ra một quan cảnh lạ lùng...".

Trong số những người nước ngoài đến Sài Gòn sớm nhất và đông nhất phải kể đến là người Trung Hoa, mà con cháu của họ hôm nay đã hội nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam với tên gọi "người Hoa" và là công dân Việt Nam. Đó là những người ở duyên hải phía Nam Trung Hoa, bao gồm nông dân, thợ thủ công, thương nhân, quan lại, binh lính... Họ đến Sài Gòn - Gia Định với nhiều lý do, mà chủ yếu là tìm đất sống, vì không chịu thần phục chính quyền đương thời, đặc biệt là một số quan lại binh lính của TrầnThượng Xuyên, Dương Ngạn Định hy vọng có dịp "phản Thanh, phục Minh". Những di dân người Hoa không chỉ góp phần tích cực cho sự hình thành và phát triển thành phố Sài Gòn xưa, mà còn góp phần vào sự định hình "con người Sài Gòn". Những yếu tố văn hóa Hoa trong văn hóa Nam Bộ có khác với Bắc Bộ, bởi tác động của những lưu dân người Hoa này. Những yếu tố văn hóa từ bên ngoài tác động vào Sài Gòn trong thời gian đầu phải kể đến trước tiên là văn hóa Trung Hoa từ những lưu dân người Hoa nhập cư. Trịnh Hoài Đức đã nhận xét: "Gia Định là đất Việt Nam mới khai thác, lưu dân nước ta cùng với người Đường (...), người Tây Dương (tức các nước Pháp, Anh,... các nước ở châu Âu khác), người Cao Miên, người Java, Malai... chung sống với nhau đông đảo và phức tạp...".

Nửa thế kỷ hơn, trước khi Sài Gòn ra đời, những lưu dân người Việt đầu tiên đó không phải sống đơn độc. Đất Sài Gòn - Gia Định trước năm 1689 không phải hoang hóa, những nhà Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học đã chứng minh sự hiện diện một lớp cư dân cổ, nhưng cư dân bản địa, mà con cháu họ sau này này là các dân tộc ít người còn ở Đông Nam Bộ như Khmer, Stiêng, Mạ, Châu Ro... Định cư và khai thác mảnh đất Sài Gòn - Gia Định, lúc ban đầu, những lưu dân người Việt hẳn đã gặp gỡ và chung sống với các dân tộc ít người này trong một số thời gian dài. Quan hệ lưu văn hóa giữa người Việt và các dân tộc anh em đã góp vào việc hình tạo "người Sài Gòn" từ thuở ban đầu.

Để hình tạo một "người Sài Gòn", không thể không nói đến môi sinh địa lý của Sài Gòn. Cái khác nhau của con "người Hà Nội" và "người Huế" cũng là cái khác nhau của thiên nhiên, địa lý hai nơi đó, cái khác nhau giữa sông Hồng và sông Hương, khác nhau giữa một vùng thuộc trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, và vùng đất núi đồi xứ Huế - Trị Thiên... Sài Gòn có cái thiên nhiên riêng khác so với Hà Nội, Huế. Sài Gòn gần đường xích đạo, nói như Trịnh Hoài Đức là "Gia Định có vị trí Nam phương dương minh...". Sài Gòn thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa, nên độ nóng và ẩm cao, thuận lợi thực động vật sinh sôi phát triển. Khí hậu Sài Gòn có hai mùa rõ rệt: mưa và khô. Về mặt cấu tạo địa chất, Sài Gòn nằm trên giới phân tuyến vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, nơi tiếp giáp đồi núi và đồng bằng, nên có vùng đất cao ở phía Bắc, còn phía Nam và Đông Nam đất thấp dần, có nhiều kinh rạch đầm lầy. Sông Sài Gòn là dòng sông trẻ, nối Sài Gòn với biển. Nhờ sông Sài Gòn, nên thành phố Sài Gòn nằm sâu trong nội địa hơn 60km mà vẫn là một cảng biển lớn, thuận tiện cho tàu biển ra vào. Sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch thành phố chịu ảnh hưởng rõ rệt của thủy triều. Chính cái thiên nhiên của Sài Gòn đó, ảnh hưởng sâu đậm đến nếp sống, phong cách của người Sài Gòn. Ở đây, ông Trịnh Hoài Đức có lý khi viết: "phương Nam thuộc quẻ Ly, hành hỏa, là quẻ có tượng khí văn minh, cho nên nơi đây kẻ sĩ thì chuộng điều nghĩa, quý việc học hành, người dân thì siêng năng trồng trọt chăn nuôi, làm nghề thủ công và buôn bán. Tuy nhiên, địa cực phương Nam chịu ảnh hưởng của sao Dương châu Dương tức phát dương, chỉ tính khí nóng nảy, bồng bột, nông nổi...".

Thế nếu có "người Sài Gòn", thì người Sài Gòn đó là như thế nào?

Quả thực đem câu hỏi này, hỏi người Hà Nội, người Huế, e cũng khó trả lời rành rẽ. Ông Trịnh Hoài Đức và sau này là Nguyễn Đình Chiểu đã đôi lần khẳng định cái đặc sắc của người Sài Gòn, ấy là "Trọng nghĩa khinh tài!". Quả thực để nói về tính cách, đặc điểm của một "con người" không dễ, có cái chung và cái riêng. Cái chung ấy, dù là người Hà Nội, người Huế, hay người Sài Gòn cũng đều là người Việt Nam cả, còn cái riêng là cái để nhận biết của mỗi người. Cái riêng của người Sài Gòn là thể hiện của cái chung trong điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Những dòng viết này tôi không hướng tới một lý giải về người Sài Gòn. Ở đây, tôi chỉ nêu hai ý nhỏ, góp vào việc tìm hiểu người Sài Gòn:

- Sài Gòn là một thành phố "mở" trẻ và năng động, vì vậy, con người Sài Gòn không dừng lại ở sự định hình, mà còn tiếp tục hoàn thiện và thích ứng. Những nhìn nhận về người Sài Gòn phải được đặt trong trạng thái động, không ngừng phát triển.

- Tôi nghĩ rằng, người Huế không phải là điển hình cho người miền Trung, người Hà Nội vẫn chưa phải là tiêu biểu cho người phía Bắc. Bởi lẽ, miền Bắc và miền Trung tính địa phương khá đa dạng và không đồng nhất, mà Hà Nội và Huế có thể được xem như một trong những địa phương đó. Trái lại, người Sài Gòn, trong một chừng mực nhất định, có thể nói là tiêu biểu cho tính cách Nam Bộ nói chung, hoặc giữa cái gọi là người Sài Gòn vời người Nam Bộ không có sự phân biệt mấy về tính cách. Nghiên cứu người Sài Gòn cần thiết phải đặt trong cái chung Nam Bộ.

Top