Nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp bán lẻ với thị trường 14 triệu dân
(Chinhphu.vn) - Cơ hội đang mở ra với ngành bán lẻ khi TPHCM là siêu đô thị 14 triệu dân, với thu nhập trung bình của người dân ngày càng tăng cao, làm gia tăng đáng kể sức mua và năng lực tiêu dùng. Trong khi đó, doanh nghiệp bán lẻ có thể chủ động phương án để hài hòa với không gian phát triển mới, phục vụ khách hàng tốt hơn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh: Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển một "siêu đô thị" hiện đại, TPHCM cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và sáng tạo - Ảnh: VGP/Lê Anh
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm "Không gian phát triển TPHCM - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ" do Sở Công Thương TPHCM phối hợp cùng các đơn vị tổ chức ngày 11/7.
Chia sẻ về triển vọng mới của ngành bán lẻ TPHCM, ông Lê Trường Sơn, Phó tổng Giám đốc Saigon Co.op – đơn vị bán lẻ hiện đại chiếm thị phần số 1 tại TPHCM, cho biết kênh bán lẻ hiện đại đang chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại là tạp hóa và chợ truyền thống. Do đó ngành bán lẻ Việt Nam khá đa dạng, mỗi kênh đều có vai trò quan trọng.
Ông Sơn cho rằng việc sáp nhập sẽ giúp thị trường tiêu thụ tại TPHCM lớn hơn, doanh nghiệp bán lẻ chủ động phương án để hài hòa với không gian phát triển mới, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Đồng quan điểm trên, ông Paul Lê - Phó Chủ tịch phụ trách xúc tiến thương mại, Tập đoàn Central Retail Việt Nam bày tỏ vui mừng khi sau sáp nhập TPHCM đông dân hơn, số lượng tiêu dùng cũng đông hơn.
"Chúng tôi chủ động đưa hàng quốc tế về Việt Nam và đem hàng Việt Nam đi thế giới nhưng điều quan trọng là logistics tổ chức thế nào để mang hàng thế giới về cho 14 triệu người ở Thành phố mới và mang hàng từ TPHCM mới ra thế giới", ông Paul Lê chia sẻ. Đồng thời chỉ ra những trở ngại khiến ngành bán lẻ không được phát huy trong thị trường lớn, đó là điều kiện logistics, điều kiện giao hàng, bảo quản còn hạn chế, thiếu kho lạnh... Vì vậy, nếu hạ tầng logistics hoàn thiện hơn, chi phí tốt hơn thì dịch chuyển hàng hóa bán lẻ sẽ tăng mạnh, giá cả hàng hóa có thể bán được giá cao hơn.
Chia sẻ về vấn đề mà ông Paul Lê nêu ra, TS. Đinh Công Khải, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, lý do là trước đây xây dựng logistics cục bộ, manh mún địa phương. Nguyên nhân này cũng dẫn đến chi phí logistics tăng cao, làm công suất khai thác thấp. Nhưng sau khi sáp nhập hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương vào TPHCM thì đây là cơ hội để xây dựng đồng bộ, liền mạch hơn.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, không gian sau sáp nhập của TPHCM rất lớn khi có cảng biển, hệ thống logictics... Do đó, cần thiết kế lại không gian phát triển thương mại, khai thác tốt logistics đường thủy, tạo thuận lợi tối ưu cho lưu thông hàng hóa.
Ghi nhận các ý kiến từ các DN và chuyên gia, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh: Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển một "siêu đô thị" hiện đại, TPHCM cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và sáng tạo.
Theo đó, TPHCM kiến nghị cơ quan trung ương xem xét ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ Thành phố phát triển hạ tầng thương mại, logistics hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong chuỗi cung ứng. Đây là cơ sở để Thành phố phát huy vai trò trung tâm kinh tế - thương mại - tiêu dùng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á.

Nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp bán lẻ với thị trường TPHCM với 14 triệu dân - Ảnh: VGP/Lê Anh
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng giao các cơ quan, đơn vị của Thành phố như Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Thuế, ải quan, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao và các đơn vị liên quan… chủ động rà soát, cập nhật các quy hoạch, kế hoạch phát triển có liên quan, bảo đảm phù hợp với định hướng mở rộng không gian đô thị, phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành, liên vùng trong việc xây dựng các giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại - logistics, mở rộng mạng lưới phân phối, chuyển đổi số hoạt động bán lẻ, ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng.
Lê Anh