Nhiều ý tưởng sống xanh độc đáo từ các 'nhà bảo vệ môi trường trẻ'
(Chinhphu.vn) - Còn là học sinh THPT nhưng ý tưởng sống xanh mà nhiều bạn trẻ đưa ra tại cuộc thi “Thử thách nhà bảo vệ môi trường trẻ” năm 2021 đã khiến ban giám khảo ngạc nhiên, thích thú.
Từ vấn đề đơn giản…
Giành ngôi vị cao nhất tại vòng chung kết Việt Nam của cuộc thi, ý tưởng bảo vệ môi trường từ chiếc bàn chải tre của nhóm Eco Fighters (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP. Thủ Đức, TPHCM) mang lại nhiều thú vị. Là người đưa ra gợi ý này, nhóm trưởng Nguyễn Thụy Ngọc Thanh cho rằng, cái hay của dự án nằm ở việc từ cách làm nhỏ có thể dẫn đến sự lan tỏa lớn, lâu dài. Thanh và hai bạn cùng trường dành nhiều tháng liền thiết kế chiếc bàn chải làm sao tốt nhất cho môi trường, giá thành hợp lý, có vòng đời khép kín.
Áp dụng mô hình 4R, gồm: refuse (từ chối), reduce (giảm thiểu), reuse (tái sử dụng) và recycle (tái chế), chiếc bàn chải 3B - Bodhi Bamboo Brush do nhóm bạn trẻ thiết kế được ban giám khảo đánh giá cao về tính khả thi, sự tác động thân thiện với môi trường, nhất là với đất nước có nhiều hoạt động du lịch như Việt Nam. Điểm cộng tiếp theo cho chiếc bàn chải "xanh" có giá bán dự kiến dưới 15.000 đồng là tính tiết kiệm. Bàn chải có cấu tạo hoàn toàn từ thiên nhiên với phần đầu có thể tháo rời theo cơ chế đóng-mở nắp bút, giúp tái sử dụng phần thân khi lông bàn chải bằng xơ mướp (trên thị trường toàn bằng nylon) bị hư khi sử dụng trong thời gian dài. Khi phần thân tre của bàn chải trở nên quá cũ, toàn bộ chiếc bàn chải sẽ trở thành phân bón hữu cơ cho cây chỉ với các bước xử lý đơn giản, ai cũng có thể làm.
Tại cuộc thi năm nay, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân có tới hai nhóm lọt vào top 3 chung kết. Được gọi tên ở giải Ba, nhóm Banana Split của 5 bạn trẻ với ý tưởng làm tã giấy từ cây chuối khiến nhiều người đi từ bất ngờ đến thú vị. "Banana fiber diaper" được làm hoàn toàn bằng sợi chuối tự nhiên và thành phần hút ẩm thân thiện với môi trường giúp sản phẩm sau khi sử dụng có thời gian phân hủy rất nhanh, giảm áp lực về rác thải ra môi trường. Sản phẩm còn được đánh giá cao về tính ứng dụng, hỗ trợ xử lý vấn đề rác thải trong nông nghiệp khi hiện nay đa phần thân cây chuối đều bỏ đi hoặc xử lý thành thức ăn cho gia súc, gia cầm, không đạt hiệu quả kinh tế cao, lâu dài.
Về quy trình sản xuất tã giấy từ thân cây chuối, đại diện nhóm cho hay, mọi thứ đơn giản nhưng khá hiệu quả nên sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư. Sau khi thu hoạch, thân cây chuối sẽ được cuộn nhẹ lại để loại bỏ phần nước thừa. Sau đó đem thân cây đi vệ sinh thật sạch, làm khô. Phần thân cây chuối sau đó được cán mỏng, cắt nhỏ cho quá trình kéo sợi rồi đưa lên khung dệt thành vải làm tã. Phần hút ẩm bên trong tã được làm bằng chất liệu mới là potassium polyacrylate, dễ phân hủy khi thải ra môi trường.
"Tụi em tin vào tính khả thi của dự án và việc mà nhóm có thể chung tay giảm nhẹ thực trạng quá tải rác thải nhựa trong môi trường. Chúng ta không cần tốn nhiều bột giấy và nhựa để làm tã giấy nữa. Ở Việt Nam, cây chuối rất dễ tìm, giá thành rẻ mà quá trình phân hủy cũng nhanh, đơn giản thay vì phải mất gần 800 năm để phân hủy hoàn toàn như tã giấy hiện tại", đại diện nhóm Banana Split chia sẻ.
Theo trưởng nhóm Eco Fighters Nguyễn Thụy Ngọc Thanh, nếu nhóm thuyết phục được nhiều khách sạn, resort tại các điểm du lịch nổi tiếng tin dùng sản phẩm này, sự tác động đến môi trường là rất khả thi.
"Hiện nay đa phần các điểm lưu trú du lịch đều phục vụ khách bàn chải sử dụng một lần, chủ yếu bằng nhựa nên số lượng rác thải nhựa ra môi trường rất lớn. Với chiếc bàn chải này, tụi em sẽ chung tay giảm áp lực cho vấn đề rác thải nhựa ở Việt Nam. Ngoài chất lượng, giá thành cùng mẫu mã sản phẩm, thiết kế tiện dụng là điều chị em quan tâm từ đầu. Làm thì phải đẹp, chất liệu an toàn, sử dụng bền để người dùng thấy thích mới giữ chiếc bàn chải lâu bên mình, dần thay thế nhu cầu mua bàn chải nhựa", Thanh chia sẻ.
Sau hơn 4 tháng lên ý tưởng, thiết kế mẫu, hiện tại Eco Fighters đang hoàn tất những điều chỉnh cuối cùng để đưa bàn chải "xanh" vào dây chuyền sản xuất. Ba bạn trẻ muốn phát triển dự án này thành mô hình khởi nghiệp trong thời gian tới. Khó khăn lớn nhất hiện tại là công nghệ khi mà các khâu chủ yếu đang làm theo hình thức thủ công. "Tụi em đang tìm các đơn vị hỗ trợ, nâng cấp cách làm để tạo ra sản phẩm đẹp mắt, chắc chắn với máy móc, thiết bị. Muốn tạo ra số lượng lớn cần nghĩ đến điều này vì nếu làm thủ công rất khó tạo được chất lượng đồng đều và giá thành tốt nhất có thể", thành viên khác trong nhóm cho hay.
… đến giải pháp bền vững
Chọn chủ đề xử lý thức ăn thừa tại các hộ gia đình và nhà hàng, siêu thị bằng dòi ruồi lính đen, 4 thành viên nhóm VBIN (Trường Trung học thực hành Đại học Sư phạm TPHCM) giành được ngôi vị á quân trong cuộc thi năm nay.
Nhận thấy mọi người đa phần dành sự quan tâm cho rác vô cơ và tìm nhiều cách xử lý nhưng rác hữu cơ thường bị lãng quên, các bạn trẻ muốn tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Thức ăn thừa không chỉ là vấn nạn tốn kém về kinh tế mà còn tạo nên gần 10% lượng khí thải trên toàn cầu, dẫn đến hiệu ứng nhà kính, tác động tiêu cực lại đời sống con người.
Rác hữu cơ từ thức ăn thừa thải ra CO2, CH4 khi bị thối rữa, hư hỏng. Do vậy, nếu không được xử lý kịp thời, đúng cách, loại rác thải này có thể khiến vệ sinh môi trường sống xuống cấp, nguồn nước có thể bị nhiễm bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. "Vậy nên tụi em đã tạo ra mô hình thùng rác xử lý thức ăn thừa bằng dòi ruồi lính đen. Mọi thứ tự động hóa chỉ với một thao tác đơn giản. Thùng rác có nhiều tầng tương ứng với vòng đời khép kín của ruồi lính xanh. Dòi sẽ ở tầng thấp nhất, nhận nhiệm vụ ăn thức ăn thừa mọi lúc mọi nơi. Khi đủ lớn, dòi hóa nhộng ở tầng hai của máy. Lúc này nhộng có thể trở thành thức ăn cho gia cầm, nếu không sẽ thành ruồi ở tầng 3. Cứ vậy, ta liên tục có đủ "nhân sự" phục vụ cho quá trình xử lý thức ăn thừa. Sau quá trình tiêu thụ rác, máy sẽ tạo ra nguồn phân bón hữu cơ giúp tăng năng suất cây trồng", Liêu Gia Hưng, thành viên nhóm VBIN hào hứng chia sẻ.
Khởi Minh