Phân cấp quản lý cho TPHCM: Thành phố tự làm, không chờ các bộ
(Chinhphu.vn) - Nếu chờ ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ để họ đề xuất các vấn đề phân cấp cho TPHCM thì sẽ không bao giờ có thể đáp ứng được mong muốn của Thành phố có đủ thẩm quyền thực hiện các chính sách ở Nghị quyết 98. TPHCM phải tự đề nghị để được phân cấp và báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Nghị định 93 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM đã được triển khai thực hiện từ cách đây 20 năm. Đến giờ này, Nghị định đã hoàn thành sứ mệnh của mình và những nội dung của Nghị định phần lớn đã được đưa vào các quy định của pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã tạo ra cơ hội để Thành phố phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh cùng cả nước phát triển đi lên, tuy nhiên, trong điều hành thực tế còn nhiều vướng mắc.
Bởi vậy, hiện Thành phố đang chuẩn bị dự thảo Nghị định quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ với UBND Thành phố trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước tương ứng với các nội dung của Nghị quyết 98 trên 9 lĩnh vực: Đầu tư, kinh tế tài chính, ngân sách nhà nước, quy hoạch xây dựng, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải; y tế; về giáo dục; lao động; khoa học và công nghệ; nội vụ.
Theo dự thảo, mục tiêu của phân cấp là nhằm tăng cường, xác định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước, tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo trong giải quyết kịp thời, hiệu quả vấn đề phát sinh trên địa bàn TPHCM; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội tương xứng với vị trí, vai trò của thành phố đầu tàu kinh tế cả nước.
Xin một lần ở Chính phủ chứ đừng xin 23 lần ở 23 bộ, ngành
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, "Thành phố xây dựng dự thảo Nghị định phân cấp phân quyền rất dày, nhưng khi cọ sát với cơ quan trung ương, chỉ cần đến cấp vụ đã bị bác và phải bỏ bớt nhiều nội dung".
Thủ tướng nhiều lần yêu cầu phân cấp, phân quyền cho thành phố mạnh mẽ hơn, nhưng thuyết phục các cơ quan, bộ ngành không dễ.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định, để TPHCM phát triển, thực hiện thành công Nghị quyết 98 thì cần phân cấp mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, nhiều nội dung hơn. Đặc biệt là điều khoản thi hành phải chặt chẽ với nguyên tắc là "giao việc thì giao luôn quy trình, cơ chế chính sách cho thành phố tự làm".
"Chúng tôi muốn là cái nào quy định nhiệm vụ của các bộ mà Thành phố làm được thì để cho Thành phố làm. Tức là quy trình, thủ tục ở trên như thế nào thì Thành phố không thay đổi, cũng làm như vậy nhưng áp dụng ngay tại Thành phố chứ không chờ hướng dẫn", ông Hoan nhấn mạnh.
Theo TS. Trần Anh Tuấn , Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, để thực hiện Nghị quyết 98 được đầy đủ thì TPHCM phải được đẩy mạnh phân cấp giữa Chính phủ với TPHCM, bởi nếu như không đủ thẩm quyền thì các chính sách từ Nghị quyết 98 không thể thực hiện vì phải trình lên rất nhiều cấp, đến khi được đồng ý thì đã mất đi cơ hội.
Ông Tuấn nhấn mạnh, nếu chờ ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ để họ đề xuất các vấn đề phân cấp cho TPHCM thì sẽ không bao giờ có thể đáp ứng được mong muốn của Thành phố để có đủ thẩm quyền thực hiện các chính sách ở Nghị quyết 98. TPHCM phải tự đề nghị để được phân cấp và báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
"Một người đang có thẩm quyền quyết định việc này mà bảo họ từ bỏ rồi chuyển cho cấp dưới thì không chỉ là mặt nhận thức, mặt tư duy mà còn là cả quá trình giác ngộ", ông Tuấn cho hay.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, đẩy mạnh phân cấp thì các địa phương mới có quyền chủ động và triển khai các nhiệm vụ được giao. Nếu Thành phố không tự mình đề nghị mà phải báo cáo lên các bộ rồi các bộ lại báo cáo lên Chính phủ thì sẽ mất rất nhiều thời gian và mất đi cơ hội thực hiện.
Đồng quan điểm, PGS.TS Võ Trí Hảo, chuyên gia cao cấp - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), gợi ý trong dự thảo Nghị định cần soạn "khéo" để làm sao chỉ xin một lần ở Chính phủ, Thủ tướng, xin một lần ở Bộ Chính trị thôi chứ đừng phát sinh xin 23 lần của 23 bộ, ngành.
Về bố cục dự thảo Nghị định, ông Hảo chia thành 4 nhóm: Những vấn đề luật đã có nhưng chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn, nhất là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Vấn đề cũ nhưng cách hiểu khác nhau giữa các bộ, ngành khiến TPHCM không thể giải quyết được.
Vấn đề không mới nhưng thẩm quyền thuộc Thủ tướng và bộ trưởng.
Thứ tư là nhóm thủ tục hành chính chứ không phải thẩm quyền (như cấp phép website thương mại điện tử), thẩm quyền vẫn thuộc Trung ương còn TPHCM vẫn là nơi thụ lý hồ sơ.
Về phân quyền thủ tục hành chính, ông Hảo gợi ý có thể áp dụng phương thức song hành, người dân được quyền nộp hồ sơ tại bộ, ngành hoặc tại Thành phố. Khi đó, quyền của cơ quan Trung ương không mất đi mà người dân được lựa chọn, miễn là nơi nào giải quyết công việc thuận lợi hơn.
Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Văn Thới, quyền giám đốc Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TPHCM, cho rằng trong nghị định cần làm rõ cái nào Chính phủ giữ lại, chỗ nào phân giao về cho thành phố và để địa phương tự quyết định, chịu trách nhiệm. Chính phủ cần có cơ chế đảm bảo để tránh sự can thiệp của bộ, ngành vào những nội dung đã phân cấp cho TPHCM.
Góp ý dự thảo Nghị định, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đề nghị cần giao cho Thành phố quyền chủ động về bộ máy, về sắp xếp các sở ngành, phòng ban, chủ động biên chế và thu nhập tăng thêm.
Cùng với đó, Thành phố cũng nên được chủ động về biên chế, nhân sự và việc này nên tương ứng với dân số thành phố.
Anh Thơ