Phát triển kinh tế số: Đưa trí tuệ nhân tạo thành công nghệ cốt lõi

15/04/2022 3:17 PM

(Chinhphu.vn) - Một trong những mục tiêu xây dựng nền kinh tế số tại TPHCM là đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo của thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh và bền vững.

Phát triển kinh tế số: Đưa trí tuệ nhân tạo thành công nghệ cốt lõi - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai" tổ chức ngày 15/4.

Theo ông Phan Văn Mãi, Diễn đàn là sự kiện quan trọng đối với sự phát triển dài hạn của TPHCM trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, không chỉ riêng một quốc gia nào mà là vấn đề của toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

Đối với Việt Nam, Chính phủ đã sớm đề ra Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025; Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng năm 2030; Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng năm 2030.

Từ thực tiễn kinh tế-xã hội của Thành phố, với vị trí, vai trò của mình và trên cơ sở chính sách chung của Trung ương, TPHCM đã và đang tập trung triển khai chương trình chuyển đổi số Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Phan Văn Mãi bày tỏ, tại Thành phố này, chỉ mấy tháng trước, đại dịch COVID-19 đã làm ngưng trệ và gãy đổ hầu hết các hoạt động kinh tế và sinh hoạt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh khó khăn đó, công nghệ số đã trở thành một công cụ quan trọng trong công tác phòng, chống dịch; duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất kinh doanh và đây là thực tiễn minh chứng cho tính hiệu quả của chuyển đổi số. Do đó, khi xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TPHCM giai đoạn 2022-2025, Thành phố đã đề ra mục tiêu và chính sách thúc đẩy chương trình phục hồi tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỉ trọng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số.

Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố đã và đang triển khai có hiệu quả các chính sách của Trung ương trên địa bàn, đồng thời xây dựng một hệ thống các biện pháp và giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực, phát huy tính năng động, sáng tạo vốn có của người dân Thành phố, trong đó ưu tiên chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, quá trình xây dựng nền kinh tế số Thành phố đang đứng trước những thách thức, trong đó nổi bật là yếu tố nhân lực, kể cả 2 khía cạnh: Nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp. Trong chuyển đổi số, vấn đề công nghệ là quan trọng nhưng quan trọng hơn là yếu tố con người. Do đó, vấn đề đặt ra là vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để doanh nghiệp thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức để thực hiện quá trình chuyển đổi số, đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng nêu các mục tiêu xây dựng nền kinh tế số như:

Hợp tác về chuyển đổi số trong khuôn khổ phát triển chung giữa UBND Thành phố và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; tập trung công tác quản trị dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Tập trung giải quyết các vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn Thành phố và phát triển kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác, cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp.

Triển khai các dịch vụ thuộc chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2020-2030 để thúc đẩy đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo của thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh và bền vững.

Triển khai đồng bộ hạ tầng số phục vụ kinh tế số và xã hội số theo đề án phát triển hạ tầng viễn thông và kế hoạch phát triển hạ tầng số TPHCM giai đoạn 2020-2030

Nghiên cứu để triển khai các chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các dịch vụ số, mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng; cơ chế để các doanh nghiệp sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Tập trung triển khai trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành mới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp làm nền tảng kết nối phát triển hệ sinh thái sáng tạo của Thành phố.

Nghiên cứu xây dựng đề án trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM với 3 chức năng: Thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh vận hành và dựa vào lợi thế công nghệ só.

Phát triển kinh tế số: Đưa trí tuệ nhân tạo thành công nghệ cốt lõi - Ảnh 2.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQt Tập đoàn FPT phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Anh Thơ

TPHCM là thành phố kiến tạo một thế giới mới

Phát biểu tham luận về định hướng cơ chế, chính sách cho TPHCM về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhắc lại, 20 năm trước, ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) của nước ta vẫn còn chưa phát triển, ngành phần mềm là số 0 và chúng ta đã mơ ước rằng trí tuệ Việt Nam sẽ vươn ra thế giới. Và 20 năm sau, bức tranh đã hoàn toàn thay đổi, chúng ta đã có một sự lựa chọn thành công. Tuy khoảng cách về lực lượng so với cường quốc Ấn Độ thì còn rất xa nhưng tương quan lực lượng về CNTT so với các nước tiên tiến, ví dụ như Nhật Bản, đã khá tương đồng (nước ta có 1 triệu lập trình viên thì Nhật Bản có 1,3 triệu). Việt Nam đã đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu phần mềm và về giáo dục, nước ta đứng thứ 10 thế giới về đào tạo kỹ sư.

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Việt Nam là một quốc gia rất quyết liệt trong chuyển đổi số, trong đó, TPHCM là ngọn cờ công nghệ thông tin của cả nước. TPHCM có lực lượng lao động cũng như đào tạo lớn nhất, là thành phố sử dụng kho dữ liệu tốt nhất cả nước. TPHCM là địa phương đi đầu về giao thông thông minh, y tế thông minh; được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp là một trong 10 thành phố năng động nhất thế giới.

"Điều tôi muốn nói không phải là TPHCM là nơi tốt nhất để sống, làm việc trên nền tảng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số mà là TPHCM là thành phố xây dựng các thành phố thông minh khác, là thành phố kiến tạo một thế giới mới", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh và bày tỏ hy vọng, tất cả các trường học, bắt đầu từ năm học 2023-2024, sẽ đưa tất cả các môn học liên quan đến trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IOT)… để có thể có nguồn nhân lực lớn nhất thế giới ở tại TPHCM.  

Chủ tịch FPT cho biết, công thức mới trên thế giới hiện nay là "living in a laboratory", lấy chính thành phố làm một phòng thí nghiệm, thực nghiệm ngay trên cuộc sống của mỗi người dân. TPHCM hoàn toàn có thể làm được điều đó, tạo ra một thế giới hoàn toàn mới, chưa từng có.

Để làm được điều này, cần nguồn lực, cơ chế đặc biệt, "tôi đề nghị TPHCM dành ít nhất là 2% ngân sách cho chuyển đổi số", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Anh Thơ

Top