Quý I, GDRP TPHCM ước tăng 6,54%
(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM đưa ra con số này tại Hội nghị lần thứ 28 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra sáng 27/3.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, quý I năm 2024, Tổng cục Thống kê ước tính GDRP Thành phố tăng 6,54% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 5,37% và đóng góp 16,5% vào mức tăng nhưng cơ cấu chiếm đến 17,1% GRDP, qua đó cho thấy sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước quý I năm 2024 ước tăng 7,6% so với cùng kỳ (quý I năm 2023 tăng 1,7%).
Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn cho nền kinh tế trong trung và dài hạn trong tháng 2/2024 có mức tăng trưởng ấn tượng với khối lượng giao dịch tăng 47,4% và giá trị tăng 87,9%.
Thành phố vẫn là thị trường tiềm năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với 247 dự án FDI, tăng 14,4% nhưng quy mô vốn hiện khá thấp khi đạt 0,44 triệu USD/dự án, chỉ đạt 81% so với quy mô cùng kỳ (Quý 1 năm 2023 vốn đạt 0,62 triệu USD/dự án). Ông Hoàng cho rằng điều này cho thấy Thành phố chưa thu hút được các doanh nghiệp FDI quy mô lớn.
Cục trưởng Cục Thống kê nhận định, kinh tế Thành phố quý 1 tăng 6,54% là mức tăng cao hơn so với nhận định của các chuyên gia (tăng trên 5,5%), sẽ tạo đà tăng trưởng các quý còn lại.
Tuy nhiên, tăng trưởng năm nay càng về sau sẽ khó khăn vì các quý sau của năm 2023 tăng trưởng cao. Vì vậy, theo ông Hoàng, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024 thì trước mắt tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính của tăng trưởng Thành phố vì hiện tổng cầu nội địa thấp hơn khoảng 5 điểm % so với tiềm năng của Thành phố và trong bối cảnh xuất khẩu chưa cải thiện nhiều.
Ngoài ra, vốn đầu tư công được xem như "mệnh lệnh" tăng trưởng cho các động lực khác. Thành phố cũng cần tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, cải thiện năng suất lao động chính là vấn đề then chốt cho tăng trưởng bền vững dài hạn. Song song đó là khơi thông các nhóm thể chế và môi trường pháp lý, gắn tinh thần trách nhiệm trong điều hành và thực thi công vụ.
Thành lập 3 tiểu ban phục vụ cho Đại hội Đảng bộ Thành phố
Trước đó, với vai trò chủ trì, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Hội nghị nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II và thời gian còn lại năm 2024.
Hội nghị sẽ thảo luận việc thành lập các tiểu ban để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, đồng thời xem xét cho ý kiến một số nội dung quan trọng và tham gia thực hiện một số bước của công tác cán bộ.
Đối với tình hình kinh tế-xã hội quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II, Bí thư Thành ủy nhận định, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2024, Thành phố đứng trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường.
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã cân nhắc đề ra mục tiêu tăng trưởng cả năm đó là 7,5-8%, đồng thời đề ra nhiều giải pháp nhằm phấn đấu đạt nhiều mục tiêu, kế hoạch ngay từ đầu năm.
Với sự chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự kiên trì quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Thành phố đã tập trung chỉ đạo khá toàn diện và đồng bộ các công tác theo chương trình, kế hoạch đề ra và thích ứng linh hoạt, nhạy bén với tình hình diễn biến mới xảy ra.
Người đứng đầu Thành ủy TPHCM cho hay, các chỉ số về kinh tế-xã hội quý I cho thấy tăng trưởng GRDP đạt khá; thu ngân sách tiếp tục giữ được mức ổn định; nhiều lĩnh vực của Thành phố đang trên đà phục hồi, nhất là một số ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ trọng yếu tăng khá.
Hoạt động du lịch khởi sắc; thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp tăng lên; công tác chuyển đổi số, xây dựng các dự án hạ tầng và chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy nhìn nhận, có thể thấy còn không ít hạn chế. Các động lực tăng trưởng của Thành phố chưa đạt như kỳ vọng; khả năng hấp thụ vốn còn yếu; các yếu tố cạnh tranh để thu hút đầu tư FDI của Thành phố như giá thuê đất, chi phí logistics, hạ tầng bến cảng chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu đặt ra; cải cách TTHC diễn biến chưa mạnh.
"Chính vì vậy, Hội nghị cần phải đánh giá sát và đúng những mặt làm được, chỉ ra những hạn chế yếu kém để đề ra giải pháp", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Về thành lập các tiểu ban để chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, theo ông Nguyễn Văn Nên, Thành ủy sẽ cho ý kiến thành lập 3 tiểu ban: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.
Anh Thơ