Sản phẩm gỗ và nội thất Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia
(Chinhphu.vn) - Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (Vifa Expo 2025) là sự kiện giao thương hàng đầu Việt Nam về đồ gỗ và mỹ nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm nội - ngoại thất, thủ công mỹ nghệ chất lượng kết nối với các nhà mua hàng trong và ngoài nước.

Lãnh đạo TPHCM cùng đại diện các bộ ngành tham quan gian hàng.
Diễn ra từ ngày 5-7/3 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), TPHCM, Hội chợ Vifa Expo 2025 có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối doanh nghiệp trong nước với thị trường quốc tế, cập nhật xu hướng ngành và mở rộng cơ hội hợp tác. Với quy mô 40.000m², hơn 2.500 gian hàng của hơn 650 doanh nghiệp (52% doanh nghiệp nước ngoài, đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ), dự kiến thu hút 20.000 lượt khách quốc tế, đây không chỉ là sự kiện thương mại lớn nhất của ngành gỗ và nội thất Việt Nam, mà còn là cầu nối đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với thị trường thế giới.
Đặc biệt, năm nay, hội chợ có sự hợp tác với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới hàng đầu như Amazon và Wayfair, mang đến những cơ hội xuất khẩu đột phá, giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng toàn cầu một cách hiệu quả hơn.
TPHCM - trung tâm giao thương cho các DN ngành gỗ
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh: Vifa Expo 2025 không chỉ là một hội chợ thương mại tiên phong và lâu đời của ngành gỗ và nội thất, mà còn là biểu tượng cho sự phát triển của ngành gỗ và nội thất Việt Nam, đồng thời góp phần quan trọng vào việc xây dựng TPHCM trở thành trung tâm giao thương nội - ngoại thất hàng đầu khu vực.
Với vị trí địa lý chiến lược, kết nối thuận lợi với các tỉnh thành lân cận và các quốc gia trong khu vực ASEAN, TPHCM có tiềm năng to lớn để trở thành điểm đến lý tưởng cho các hoạt động giao thương quốc tế. Vifa Expo đã tận dụng tối đa lợi thế này, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp và nhà mua hàng gỗ và nội thất từ khắp nơi trên thế giới. Sự kiện này không chỉ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh TPHCM như một trung tâm kinh tế năng động và hiện đại.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ngành gỗ và lâm sản luôn là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,3 tỉ USD, tăng 20,9% so với năm trước. Qua đó, giúp Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu đồ gỗ và nội thất hàng đầu thế giới"
Ông Vũ Bá Phú, cho biết hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành đang tích cực đổi mới công nghệ, cải tiến thiết kế, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện sản phẩm gỗ và nội thất Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia, với các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Chuyển đổi số tạo động lực tăng trưởng mới cho ngành gỗ
Theo đánh giá của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, năm 2025 mở ra nhiều cơ hội lớn khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi tại các thị trường lớn, các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước, khu vực tiếp tục mang lại lợi thế thuế quan, mở rộng cơ hội cho gỗ và sản phẩm chế biến, đồng thời xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Một gian hàng trưng bày đa dạng các sản phẩm gỗ và nội thất. Ảnh: VGP/LA
Ngay từ những tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, tạo tiền đề quan trọng để ngành tiếp tục bứt phá, mở rộng quy mô và nâng cao giá trị gia tăng trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, ngành gỗ cũng đối mặt với không ít thách thức, từ biến động chính trị, kinh tế toàn cầu, xu hướng bảo hộ thương mại, đến yêu cầu ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn môi trường và phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, thích ứng linh hoạt để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cũng lưu ý các DN, bên cạnh việc mở rộng thị trường, xu hướng sản xuất xanh và phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu tất yếu đối với ngành gỗ nội thất.
Cùng với đó, công nghệ, chuyển đổi số cũng là động lực mới cho sự tăng trưởng, với thương mại điện tử đóng vai trò trung tâm. Thực tế cho thấy, các công ty đầu tư vào thương mại điện tử, các nền tảng thân thiện với người dùng và các công nghệ thực tế ảo tăng cường trải nghiệm cho người tiêu dùng có khả năng đạt được lợi thế cạnh tranh cao hơn.
Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam cần đặc biệt chú trọng khai thác tiềm năng của thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân, nơi sức mua đang gia tăng mạnh mẽ, điểm tựa cho doanh nghiệp trước các biến động của thị trường quốc tế.
Anh Lê