Sẵn sàng cho kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023

23/03/2023 4:50 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2023, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM tổ chức 2 đợt thi tuyển trong kỳ thi đánh giá năng lực. Trong đó, đợt 1 thu hút gần 90.000 thí sinh dự thi, tổ chức tại 21 tỉnh, thành phố, với 47 cụm thi, 86 điểm thi.

Sẵn sàng cho kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 - Ảnh 1.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 tại ĐHQG TPHCM - Ảnh: VGP/Lệ Vũ

Đến thời điểm này, 21 địa phương diễn ra kỳ thi, gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang và Đồng Tháp đã sẵn sàng cho kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023.

Nói về điểm mới của kỳ thi, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM cho biết, so với năm 2022, số địa điểm thi tăng lên, thay vì 17 tỉnh, thành phố năm nay tăng lên 21 tỉnh, thành phố; số trường tham gia và số thí sinh tham gia cũng tăng; riêng cấu trúc bài thi, độ khó đề thi… vẫn ổn định để đảm bảo thí sinh có sự chuẩn bị trong quá trình dài.

Việc sử dụng kết quả của kỳ thi vẫn giống năm trước, các trường chủ động sử dụng kết quả này, một số trường sẽ phối hợp với ĐHQG để thực hiện hệ thống đăng ký xét tuyển chung. Đặc biệt, năm nay, ĐHQG TPHCM và ĐHQG Hà Nội sẽ công nhận kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của nhau, thí sinh có kết quả của ĐHQG Hà Nội có khả năng được tuyển vào ĐHQG TPHCM và ngược lại, hai bên thống nhất điểm quy đổi tương đương để tạo thuận lợi cho thí sinh. Đồng thời, các thí sinh có thể đăng ký dự thi cả hai đợt.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM, việc tăng số lượng thí sinh, mở rộng phạm vi tổ chức kỳ thi không tạo ra khó khăn vì ĐHQG TPHCM phối hợp chặt với các địa phương và các trường đại học, cao đẳng, đồng thời kỳ thi nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan chức năng địa phương nên quy trình vận hành tốt.

"Công tác chuẩn bị đang thực hiện theo đúng kế hoạch, thí sinh đã có giấy dự thi; giám thị, các phòng thi đã sẵn sàng, việc phối hợp với các bên liên quan được thực hiện bài bản, bây giờ chỉ chờ đến ngày thí sinh dự thi, hơn 90% công tác đã đảm bảo...", Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính nói.

So với năm 2022, số lượng cán bộ phục vụ kỳ thi tăng lên khoảng 10%. Trước đó, ĐHQG TPHCM mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 1 - 28/2. Theo dự kiến, trong đợt 2, ĐHQG sẽ mở đăng ký dự thi và xét tuyển từ ngày 5 - 28/4; ngày 28/5 sẽ tổ chức thi đợt 2; ngày 6/6 thông báo kết quả.

Năm 2023 là năm thứ 6 ĐHQG TPHCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào Đại học chính quy. Trước đó, năm 2022, kỳ thi cũng được tổ chức thành hai đợt, thu hút gần 120.000 lượt thí sinh tham gia, hơn 80 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển.

Sẵn sàng cho kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 - Ảnh 2.

Thí sinh cần lưu ý các thông tin mà ĐHQG TPHCM đưa ra trước kỳ thi năm 2023 - Ảnh: VGP/Lệ Vũ

Với Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, năm nay là năm đầu trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Hiện công tác chuẩn bị đã sẵn sàng để phục vụ thí sinh dự thi. Ngày 26/3, hơn 100 thí sinh sẽ tham gia thi thử. Ngoài ra, trường tổ chức thêm 6 đợt thi khác (đợt 1: 8-9/4; đợt 2: 16/4; đợt 3: 22-23/4; đợt 4: 6-7/5; đợt 5: 13-14/5; đợt 6: 21/5/2023).

Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh & Phát triển thương hiệu Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, nhà trường đã sẵn sàng về cơ sở vật chất (phòng máy tính, camera giám sát…), cán bộ coi thi, xây dựng quy chế, hội đồng thi cùng các điều kiện khác đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, thuận lợi. Thời gian qua, trường huy động nhiều sinh viên tham gia tư vấn, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ thí sinh có nguyện vọng dự thi.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, số lượng cán bộ, giảng viên của trường đông, các thầy cô có nhiều kinh nghiệm về công tác coi thi, tham gia hỗ trợ các kỳ thi nên việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của trường không gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh công tác chuẩn bị, trường cũng chủ động hợp tác với Trung tâm Khảo thí quốc gia nhằm đảm bảo tính chuyên môn, bảo mật của đề thi, đồng thời mời các cơ quan tham gia để đảm bảo tính khách quan, an toàn.

"Nội dung đề thi gắn liền với nội dung giảng dạy học tập tại các trường THPT, do đó thí sinh không nên quá căng thẳng mà chỉ cần đem những gì đã học, tích luỹ được để thi, nếu kết quả tốt có thể dùng để xét tuyển, nếu chưa tốt thì có thể biết được năng lực của bản thân", Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ nói.

Năm nay, nhiều trường công nhận kết quả thi của Đại học Ngân hàng như: Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Mở, Đại học Sài Gòn, ngược lại Đại học Ngân hàng công nhận kết quả thi của Đại học Sài Gòn…

Cùng với ĐHQG TPHCM, Đại học Ngân hàng, năm nay Trường đại học Sư phạm TPHCM cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.

Một số lưu ý của ĐHQG đối với thí sinh

Theo quy định, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì đen, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì). Tuyệt đối không được mang vào phòng thi giấy nháp, giấy thi, giấy than, bút xóa, các tài liệu, bút tàng hình, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, phương tiện kỹ thuật thu phát truyền tin, thiết bị chứa đựng thông tin, các vật dụng khác có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài.

Khi vào phòng thi, nếu thí sinh còn mang theo tài liệu, vật dụng trái phép, dù chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi. Thí sinh đến chậm quá 15 phút (tính từ cửa phòng thi) sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

Về thủ tục, thí sinh phải mang theo giấy tờ tuỳ thân như chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu (bản chính, còn hạn sử dụng). Trường hợp không có các giấy tờ tùy thân như nêu trên do thông tin cá nhân bị sai và đang trong quá trình điều chỉnh cấp lại thì thí sinh phải thông báo với Hội đồng thi ĐGNL ĐHQG TPHCM và được đồng ý cho dự thi.

Trường hợp này, thí sinh phải mang theo và xuất trình các loại giấy tờ có chữ ký và đóng dấu mộc đỏ từ cơ quan công an địa phương, bao gồm: Giấy xác nhận nhân thân hoặc các giấy tờ hợp pháp khác do Công an phường/xã cấp (có dán ảnh, đóng dấu giáp lai), Giấy xác nhận hủy thẻ căn cước công dân/đổi mã định danh do sai thông tin. Đây là yêu cầu rất quan trọng, bởi nếu thí sinh không mang theo các giấy tờ tùy thân theo quy định sẽ không được tham gia kỳ thi.

Trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh, mã đề thi và thông tin cá nhân vào đề thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp. Trong quá trình làm bài, thí sinh phải tuân thủ các quy định.

Thí sinh làm bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút. Bài thi gồm phần sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (40 câu); toán, suy luận logic và xử lý số liệu (30 câu); giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội (50 câu).

Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm; phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm và phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.

Lệ Vũ

Top