Sớm gỡ vướng để TPHCM có thêm hơn 5.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2025

31/03/2022 2:45 PM

(Chinhphu.vn) - Nếu được các sở, ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức tháo gỡ các “vướng mắc” sớm, TPHCM sẽ có thêm 5.209 căn nhà ở xã hội trong năm 2024-2025.

Sớm gỡ vướng để TPHCM có thêm hơn 5.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2025 - Ảnh 1.

HoREA kiến nghị TPHCM đẩy mạnh giải quyết các vướng mắc pháp lý cho 64 dự án nhằm thúc đẩy triển khai xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa tổng hợp ý kiến của 57 doanh nghiệp kiến nghị UBND TPHCM và các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ "vướng mắc" của 64 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, theo HoREA, hiện trên địa bàn TPHCM có nhiều doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và tự bỏ vốn (kể cả vay với lãi suất thương mại) để đầu tư xây dựng các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội cho thuê. Tuy nhiên, do "vướng mắc" chủ yếu trong khâu thực thi pháp luật nên một số dự án bị "ách tắc" chưa thể triển khai thực hiện được.

Đơn cử trường hợp của Công ty S.S.G 2 đề nghị đầu tư xây dựng đường đi bộ trên cao kết nối ga metro số 6 tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên với dự án Thảo Điền Pearl để phát huy hiệu quả khai thác các nhà ga metro và tăng thêm tiện ích phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, đã hơn 8 năm qua, Công ty S.S.G 2 không thể tự thương lượng được với 3 hộ dân với khoảng 230 m2 đất trong lộ giới xây cầu dẫn đi bộ trên cao để kết nối ga metro Thảo Điền với dự án chung cư Thảo Điền Pearl và khu vực lân cận.

Trường hợp khác là Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè để thực hiện Dự án Dragon City đất từ năm 2004. Nhưng 16 năm qua chưa thể triển khai dự án vì vướng 1 căn nhà trên Phân khu số 15 của dự án.

Ngoài ra, hiện có nhiều dự án nhà ở xã hội cho thuê gặp vướng mắc về quyết định miễn tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính sách thuế… nên bị ách tắc chưa thể triển khai thực hiện được.

Như trường hợp của Công ty Thiên Phát đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân lao động Khu Chế xuất Linh Trung 2 thuê, giai đoạn 1 với quy mô diện tích 5.000 m2 đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, giai đoạn 2 của dự án dù đã được chấp thuận đầu tư từ năm 2018 nhưng đến nay Ban Quản lý Khu chế xuất Linh Trung 2 vẫn chưa thực hiện thủ tục cấp "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" để đơn vị này triển khai dự án, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người lao động tại Khu Chế xuất.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị sớm tháo gỡ "vướng mắc" về thủ tục đầu tư xây dựng của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại... không thuộc diện bị rà soát pháp lý, không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra, để tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, được nộp tiền sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận cho khách hàng mua nhà.

Đồng thời, với các dự án thuộc diện phải rà soát về pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, Hiệp hội đề nghị UBND Thành phố phối hợp hoặc đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sớm có kết luận để các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án biết rõ và thực hiện.

HoREA cho biết, đến cuối tháng 3, số hồ sơ vướng pháp lý trên địa bàn ở mức 64 dự án. Điều này tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản TPHCM, là nguyên nhân khiến nguồn cung nhà ở bị đình trệ, sụt giảm mạnh trong khi giá bán nhà tăng liên tục 2 - 3 năm qua. Ngoài ra, nhiều dự án không thể hoàn thành việc cấp sổ hồng gây bức xúc cho hàng chục nghìn hộ dân trong .

Để ổn định thị trường địa ốc trong 12-24 tháng tới, theo Chủ tịch HoREA, Thành phố cần đẩy mạnh giải quyết các vướng mắc pháp lý cho 64 dự án nhằm thúc đẩy tốc độ triển khai xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Đây cũng được cho là cách giúp tăng nguồn nhà ở phục vụ nhu cầu rất lớn của thị trường, giảm thế độc quyền tăng giá bán và tăng nguồn thu cho ngân sách từ việc các doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất.

Cũng theo HoREA, hiện Thành phố có nhiều doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và tự bỏ vốn (kể cả vay với lãi suất thương mại) để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội cho thuê như Công ty Lê Thành, Công ty Nam Long, Công ty Đầu tư Thủ Thiêm, Công ty Thiên Phát, Công ty Phú Cường, Công ty Vạn Thái, Saigonres… Nhưng do "vướng mắc" chủ yếu trong khâu thực thi pháp luật nên một số dự án bị "ách tắc" chưa thể triển khai.

Chỉ riêng các dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên (giai đoạn 1 và giai đoạn 2); dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Tạo 2; dự án nhà ở xã hội Nam Lý; dự án nhà ở xã hội cho thuê (giai đoạn 2) Khu chế xuất Linh Trung 2 nếu được các Sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức tháo gỡ các "vướng mắc" nói trên thì hoàn toàn có thể khởi công xây dựng các dự án nhà ở xã hội này trong năm 2022 và TPHCM sẽ có thêm 5.209 căn hộ trong năm 2024-2025.

Băng Tâm

Top