Tận dụng Nghị quyết 98 để có chính sách, cơ chế phát triển kinh tế số

07/09/2023 1:57 PM

(Chinhphu.vn) - Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo về thúc đẩy kinh tế số TPHCM phát triển bền vững, do UBND TPHCM tổ chức sáng 7/9.

Tận dụng Nghị quyết 98 để có chính sách, cơ chế phát triển kinh tế số - Ảnh 1.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Tấn Thạnh

Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, thời gian qua, TPHCM đã nỗ lực thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế số với mục tiêu là đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP; đến năm 2030, đóng góp 40% vào GRDP. Các chỉ tiêu của TPHCM cao hơn bình quân cả nước từ 5-10%.

Trong khi đó, Nghị quyết 31 năm 2022 của Bộ Chính trị cũng giao cho TPHCM nhiệm vụ đến năm 2030 trở thành lá cờ đầu cả nước về kinh tế số. 

Theo đó, TPHCM đã chủ động thực hiện rất nhiều đầu việc để thúc đẩy kinh tế số. Năm 2021, lần đầu tiên Thành phố đánh giá được đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn ở góc độ nghiên cứu khoa học là 15,38% (chưa bao gồm thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ). Năm 2022, tỉ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của thành phố ước đạt 18,66%.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, Thành phố đang gặp 3 thách thức lớn trong phát triển kinh tế số. Đó là nhận thức ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa đầy đủ; phương pháp, công cụ đo lường cũng chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhiều.

Tận dụng Nghị quyết 98 để có chính sách, cơ chế phát triển kinh tế số - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội thảo - Ảnh: VGP/Tấn Thạnh

Xây dựng chính sách về phát triển kinh tế số

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, tất cả các chỉ tiêu của TPHCM đều đứng tốp đầu cả nước, đóng góp 20-25% GDP cả nước. Năm 2018, Thành phố đứng thứ 18 thế giới và đứng thứ 3 Đông Nam Á sau Singapore và Jakarta.

30 năm qua, TPHCM đã phát triển rất tốt trong không gian cũ nhưng đã đến giới hạn và cần không gian phát triển mới. Kinh tế số sẽ mang lại không gian đó cho TPHCM.

Theo ông Tuấn, muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì TPHCM cần lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Ngoài ra, cách là đột phá là phải chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online; phổ cập hoá ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng phải là AI của Việt Nam phát triển. AI đã trải qua giai đoạn khám phá, nghiên cứu, bước vào giai đoạn ứng dụng. Ở giai đoạn ứng dụng, cần nhiều kỹ sư ứng dụng, ai nhanh chân ứng dụng thì sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Nghị quyết 98 của Quốc hội đã xây dựng bản đồ chính sách về phát triển kinh tế số. Việc cần làm tiếp theo là TPHCM xây dựng chính sách về phát triển kinh tế số theo từng giai đoạn phát triển.

Đồng thời, xây dựng hệ thống chiến lược kinh tế số với liên kết ngang mà vai trò của Sở Thông tin và Truyền thông là quan trọng. Thâm nhập, đi sâu vào từng ngành, lĩnh vực, dựa trên các yếu tố nền móng để phát triển kinh tế số theo từng ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng TPHCM nếu đứng một mình sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu mà phải liên kết vùng, hình thành không gian lực kéo. Mô hình lực kéo không gian đô thị của TPHCM đã hình thành bố cục lực kéo theo tầng tập trung vào các địa phương lân cận, lan tỏa rộng rãi và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số của vùng.

Tận dụng Nghị quyết 98 để có chính sách, cơ chế phát triển kinh tế số - Ảnh 3.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tham luận tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Tấn Thạnh

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhìn nhận, vấn đề đo lường tỉ trọng đóng góp của kinh tế số hay quản lý kinh tế số không phải là trọng tâm hiện nay, mà là cần mở để các doanh nghiệp tiếp cận, phát triển; tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp khác, ngành nghề khác.

Về cách tiếp cận xây dựng chính sách về kinh tế số, ông cho rằng có 2 cách: Từ trên xuống (chương trình, chiến lược quốc gia; kinh nghiệm quốc tế xuống chính sách phát triển kinh tế số của TPHCM) và từ dưới lên (từ nhu cầu của doanh nghiệp).

Về các chính sách trọng tâm, ông Phạm Bình An cho rằng cần tập trung nhóm chính sách về phát triển hạ tầng số; phát triển, ứng dụng các nền tảng số; phát triển và khai thác dữ liệu; phát triển hạ tầng thiết yếu. 

Đề cập đến việc hoàn thiện thể chế, ông Phạm Bình An cho biết TPHCM có một "cây gậy" mới là Nghị quyết 98. Tinh thần từ Nghị quyết 98 là cho phép TPHCM thử nghiệm các cơ chế, chính sách mà đối với kinh tế số, kinh tế xanh thì những thử nghiệm rất quan trọng. Do đó, Thành phố phải tận dụng Nghị quyết 98 để đưa ra những cơ chế, chính sách thử nghiệm cho kinh tế số.

Về phát triển danh nghiệp số, ông Phạm Bình An cho rằng không cần làm đại trà mà tập huấn-tư vấn để có sản phẩm cụ thể. 

Mặt khác, Thành phố cần phát triển nhân lực số (tập trung đào tạo nhóm tập huấn, tư vấn chuyên nghiệp…) và phát triển kinh tế số ở các ngành.

Anh Thơ

Top