Thành phố học tập toàn cầu: Thúc đẩy việc học tập suốt đời trong cộng đồng

01/11/2024 9:54 PM

(Chinhphu.vn) - Trong các tháng cuối năm 2024 và năm 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đặt ra 11 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030" của ngành GD&ĐT.

Thành phố học tập toàn cầu: Thúc đẩy việc học tập suốt đời trong cộng đồng- Ảnh 1.

TPHCM ghi nhận nhiều kết quả tích cực sau 6 tháng là “Thành phố học tập toàn cầu” - Ảnh: VGP/Nguyễn Trần

Sở GD&ĐT TPHCM vừa tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2024 triển khai kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030" của ngành giáo dục và đào tạo.

Báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo công tác xây dựng thành phố học tập cấp thành phố, các sở, ngành, quận, huyện. Đồng thời chỉ đạo tăng cường các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung, mục tiêu, trong đó lồng ghép các tiêu chí của thành phố học tập UNESCO với bộ tiêu chí xây dựng "Trường học hạnh phúc", tiêu chí đánh giá "Công dân học tập", "Đơn vị học tập", công tác khuyến học khuyến tài, công tác xây dựng hoạt động thư viện và tổ chức Ngày Sách Việt Nam…

Cùng với đó, thực hiện hiệu quả công tác huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cho ngành giáo dục từ đó tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia học tập, góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, đơn vị và cộng đồng được các ngành, đơn vị, địa phương quan tâm chú trọng.

Trong năm 2024, Hội Khuyến học quận, huyện và TP Thủ Đức đã vận động xây dựng quỹ khuyến học gia đình, đạt nhiều kết quả tích cực góp phần thúc đẩy học tập suốt đời, học tập thường xuyên trên địa bàn.

Sở GD-ĐT TPHCM đã chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng thành phố học tập, 100% cơ sở giáo dục thực hiện báo cáo thống kê EMIS năm học 2024-2025 trên Hệ thống cơ sở dữ liệu GD-ĐT TPHCM. Toàn thành phố cũng đã hoàn thành thu thập dữ liệu và xác thực định danh của 1.726.208 học sinh, 80.721 giáo viên trên Hệ thống CSDL HCM.

Cổng thông tin điện tử Sở GD-ĐT triển khai kết nối với cổng thông tin điện tử tất cả các đơn vị trực thuộc, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.

Các trường đã triển khai thực hiện số hóa hồ sơ học sinh, sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc, kết quả học tập, kiểm tra đánh giá của học sinh liên thông và quản lý đồng bộ qua việc sử dụng các phần mềm quản lý tại các trường học…

Dự kiến, trong các tháng cuối năm 2024 và năm 2025, Sở GD&ĐT TPHCM đặt ra 11 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030" của ngành GD&ĐT.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng thành phố học tập trong nền kinh tế số, xã hội số; Tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị trong công tác xây dựng thành phố học tập; tham gia nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời…

Theo các đại biểu, triển khai "Thành phố học tập toàn cầu", TPHCM đã quan tâm và có sự cam kết nghiêm túc; đặc biệt, đã có những chuyển động mạnh mẽ về chuyển đổi số và công tác tuyên truyền, tạo được phong trào học tập rộng khắp trong thành phố.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng kiến nghị cần thêm tiêu chí riêng khi xây dựng thành phố học tập toàn cầu. Ngoài ra, quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như phong trào chưa có tính lan tỏa và chiều sâu đến các đơn vị. Còn gặp khó khăn trong cơ chế, chính sách và công tác phối hợp để thực sự hình thành một phong trào học tập.

Để thực hiện hiệu quả "Thành phố học tập toàn cầu", Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh một số tiêu chí trong Thông tư 24 và các văn bản liên quan, để phù hợp với điều kiện đặc thù của thành phố lớn như TPHCM. Nhất là cần có những tiêu chí riêng cho các thành phố lớn, đi đầu trong phong trào này.

Đối với TPHCM, cần quan tâm hơn nữa đến các lớp học phổ cập ban đêm, như tăng đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để đảm bảo chất lượng giáo dục; hay tổ chức các lớp học trực tuyến…

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Lê Hoài Nam, việc TPHCM trở thành thành viên "Thành phố học tập toàn cầu" mang lại rất nhiều lợi ích, như: Nâng cao chất lượng GD-ĐT, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận giáo dục; Thúc đẩy việc xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng, phát huy tinh thần học tập của người dân; Chuyển đổi số có thể giúp người dân dễ dàng tiếp cận các chương trình, tài liệu học tập, học tập mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cũng như thúc đẩy việc học tập suốt đời trong cộng đồng.

Nguyễn Trần

Top