Thật nhớ những đồng đội nằm lại để cho ta có cuộc hội ngộ hôm nay

08/04/2025 4:21 PM

(Chinhphu.vn) - Tháng Ba năm 2025, tròn 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Cựu chiến binh sư đoàn 320 A Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34) lại trở về chiến trường xưa tri ân đồng đội.

Thật nhớ những đồng đội nằm lại để cho ta có cuộc hội ngộ hôm nay- Ảnh 1.

Cựu chiến binh sư đoàn 320 thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Ayun Pa (Cheo Reo) Gia Lai ngày 17/3/2025. Ảnh BLL F320

Gần 200 cựu chiến binh các đơn vị cũ của Sư đoàn (C17 công binh, C18 thông tin, C19 đặc công, C20 trinh sát, E 48, E 64, E 52…) xuất phát từ Nghệ An hành quân trên 5 chiếc xe Hải Vân, đúng ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng Buôn Mê Thuột (11/3/1975 - 11/3/2025).

Từng chặng hành quân, lần hồi lại những chiến trường xưa của Sư đoàn 320 từ năm 1968 đến năm 1975, mỗi đơn vị một nhiệm vụ hoạt động trên chiến trường. Đồng đội trong các nghĩa trang người đã về quê, người vẫn nằm lại; nén hương chắp nối kỷ niệm trận mạc một thời. Trưa ngày 15/3/2025 cả đoàn đến nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy - nơi có 1.495 mộ liệt sĩ với 1.415 mộ đã an táng hài cốt và 2 mộ tập thể.

Cái nắng nóng đặc trưng của cao nguyên vẫn như xưa, di tích Điểm cao 995 Chư tan kra vẫn sừng sững ghi dấu mặt trận Đắk Tô của đơn vị 209 Thăng Long. Đường lên Điểm cao 1.015 và Điểm cao 1.049 đã có một số đoạn đổ bê tông, nhưng chỉ xe nhỏ 2-3 cầu mới lên được đài hương tưởng niệm. Đất đỏ và rừng thông cheo leo cùng vách núi dựng đứng như muốn níu chân các cựu chiến binh nhớ về các trận đánh ác liệt của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 64 và Trung đoàn 52 diệt các căn cứ Charlie và Delta của địch (tháng 4/1972).

Đêm 15/3/2025, lãnh đạo tỉnh Kon Tum và lãnh đạo huyện Sa Thầy cùng các cựu chiến binh Sư đoàn đốt lửa trại bên đài hương đến sáng. Họ hát bài truyền thống cùng thanh niên xã Hơ Moong. Câu hát "mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước" làm tràn về ký ức tháng 3 năm ấy cắt đường 19, cắt đường 14, nghi binh ở Kon Tum, đánh chiếm Buôn Ma Thuột.

Người lính C20 trinh sát ngẫu hứng song ca với người lính E 48 bài truyền thống "Đêm nay chúng con khiêng pháo vào trận địa chiếm lĩnh, đường đi chiến dịch vui sao; nghe lời Bác căn dặn ngày nào, càng gần thắng lợi càng nhiều gian lao. Đường lên Chư Momray gặp mây bay con nhớ tóc Bác; đường cắt rừng khuya, nhìn sao sáng con thấy mắt Bác cười".

Chiến trường xưa, nay đã ẩn sâu sau 50 năm thay da đổi thịt, các cựu chiến binh đa số đã ở tuổi 70-80 nhưng vẫn còn hằn trong ký ức nhiều kỷ niệm trận mạc một thời. Đây Đức Cơ, Bầu Cạn, Đồn Tầm, huyện 5… kia sân bay Cù Hanh, Phú Nhơn; nhìn Chư Mé lại nhớ Lệ Thanh, qua ngã ba Hàm Rồng lại nhớ dòng tin theo dõi đoàn xe GMC ngược đường 19, xuôi đường 14; rẽ về Cheo Reo, Thuận Mẫn, lại thấy sông Ba, Chư Bồ; ngọn Chóp Chài vẫn như "con mắt thần" nhìn thấu con đường 7, đường 5 địch bị đánh tan khi rút chạy về Tuy Hòa…

Từ chiến trường B3 Tây Nguyên, xuôi về duyên hải miền Trung, xe chạy thẳng vào chiến trường Nam Bộ. Đôi chân đi bộ vạn dặm xưa nay lại chồn gối khi ngồi trên xe phóng trên đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Tượng đài chiến thắng Xuân Lộc bên đường nhắc lại chuyện phá cánh cửa thép ngày 20/4 mở toang hướng Đông cho đại quân tiến vào trận cuối.

Tại căn cứ Đồng Dù với trận đánh ngày 28-29/4/1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh - đêm trước của ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975, người cựu binh, nguyên Sư đoàn trưởng chỉnh trang đội hình 200 người trước đài bia tưởng niệm và ông nói về trận oanh liệt của Sư đoàn 320 phối hợp các đơn vị đã đánh diệt Sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới của quân đội Sài Gòn, mở cửa phía tây bắc cho đại quân đánh vào Sài Gòn.

Người cựu binh là chính trị viên C20 trinh sát sau khi thắp nén hương cho đồng đội, vội đứng chụp hình với nữ du kích Củ Chi (Năm Sương) - Người nhận diện và bắt tướng Lý Tòng Bá khi y lẩn vào đội quân thất trận ra trình diện xin cứu mạng…

Doanh trại của bộ đội trong căn cứ Đồng Dù lại có những đêm đón các cựu chiến binh Sư đoàn đã giải phóng căn cứ này khi kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong buổi giao lưu trao truyền kỷ niệm trận mạc, các chiến sĩ vừa trải qua mấy năm quân ngũ nghe các "bác" cựu chiến binh kể về những chiến trường xưa, ai cũng xốn xang tự hào.

Thật nhớ những đồng đội nằm lại để cho ta có cuộc hội ngộ hôm nay- Ảnh 2.

Cựu chiến binh Sư đoàn 320 thăm lại Dinh Độc lập ngày 21/3/2025. Ảnh BLL F320

Đoạn quốc lộ 22 từ Củ Chi về Sài Gòn năm xưa nay được mang tên đường Phan Văn Khải, mới sáng sớm đã nườm nượp xe cộ như đại quân tiến vệ Thành phố ngày 29 và 30/4 năm ấy. Từ "cửa mở Tây Bắc" xưa, xe các cựu chiến binh Sư đoàn phóng qua Cầu Sáng, cầu Bông, lại nhớ những những chiến sĩ nằm lại nơi các trận diệt chốt địch cố thủ giữ cầu; và Bà Quẹo, ngã tư Bảy Hiền, những công nhân dệt năm xưa nổi dậy phối hợp cùng các chiến sĩ giải phóng tiến công, nay ai còn ai mất…

Đây Thành phố mang tên Bác rực rỡ cờ hoa dọc các con đường vào trung tâm. Buổi trưa mùa khô vàng nắng, mấy trăm cựu chiến binh đầy đủ quân hàm quân hiệu sắp thành đoàn nổi bật trước sân cỏ Dinh Độc lập. Nhiều khách nước ngoài ăn mặc đẹp và các cháu thiếu nhi quàng khăn đỏ ghé vào chụp hình chung với các bác các chú bộ đội. Bỗng nhớ câu thơ Tố Hữu viết ngày ấy "Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta. Chúng con đến xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa".

Còn ít ngày nữa là đến ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng Sài Gòn. Các cựu chiến binh ai cũng vui cười và thấy được trở lại chiến trường xưa lần này thật ý nghĩa; họ lau nước mắt khi dặn nhau: "Thật nhớ những đồng đội nằm lại để cho ta có cuộc hội ngộ hôm nay".

Hà Minh Hồng (C20/F320)

Top